Thanh tra giao thông kiểm tra một chiếc taxi Uber tại khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 5, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Tiến Long |
Mặc dù Uber Việt Nam đang bị khóa mã số thuế, song Uber tại Hà Lan vẫn nhận được hàng tỷ đồng thu nhập mỗi ngày mà không phải đóng bất cứ đồng tiền thuế nào theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam đã đăng ký với Chính phủ Hà Lan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có thể thu thuế của Uber Việt Nam thông qua đối tác của đơn vị này.
Uber Việt Nam bị khoá mã số thuế
Ông Nguyễn Nam Bình, Trưởng phòng Kiểm tra thuế số 2 (Cục thuế TP HCM) cho PV Báo Giao thông biết, doanh nghiệp Uber tại Việt Nam chỉ đăng ký marketing, tiếp thị cho thương hiệu taxi Uber tại Hà Lan. Theo đó, Uber Việt Nam chỉ mới kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp về chi phí quản lý mà bên Uber Hà Lan trả để làm công việc quản lý khách hàng, đào tạo, giải đáp thắc mắc của khách. Còn phần lớn thu nhập được chuyển về công ty mẹ tại Hà Lan mà cơ quan quản lý thuế Việt Nam không có cách nào thu được.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), hiện Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính 2 phương án để quản lý thuế đối với các đối tượng tham gia loại hình vận tải sử dụng phần mềm kết nối, tuy nhiên hai phương án này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi. Ông Nguyễn Nam Bình (Trưởng phòng Kiểm tra thuế số 2, Cục thuế TP HCM) cũng cho biết, hiện Cục đang chờ chỉ đạo của Tổng cục thuế và Bộ Tài chính về việc triển khai thu thuế đối với các đối tượng này. |
Thực tế cơ quan thuế cũng đã khoá mã số thuế của Uber Việt Nam (ông Bình không cho biết lý do bị khóa). Như vậy có nghĩa doanh nghiệp sẽ không được phát sinh hoạt động kê khai, phát hành hoá đơn. Song, cũng theo đại diện Cục thuế TP HCM, điều này lại không ảnh hưởng tới Uber tại Hà Lan, bởi đến nay doanh nghiệp này chưa đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, Uber hiện có hơn 4.000 xe hoạt động tại TP HCM và Uber Hà Lan đang được hưởng 20% khoản thu từ khách hàng qua việc cung cấp phần mềm cho các xe tham gia hoạt động taxi này. Khoản thu này mang lại cho Uber Hà Lan cả tỷ đồng mỗi ngày. Điều đáng nói là khoản tiền này được chuyển về cho Uber Hà Lan mà không phải nộp thuế tại Việt Nam. Điều này đã dấy lên dư luận Uber đang trốn thuế.
Tại sao Uber Hà Lan có thu nhập từ Việt Nam mà lại không phải nộp thuế tại Việt Nam? Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với nhiều nước, trong đó có Hà Lan. Điều này không chỉ khiến việc truy thu thuế gặp nhiều thách thức mà còn khiến ta khó giành quyền kiểm soát thuế, đánh thuế với các doanh nghiệp nước ngoài khi có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế như Uber.
Thu thuế các đối tác Uber?
Theo một lãnh đạo ngành thuế, Uber là dịch vụ tiện ích và Việt Nam nên khuyến khích loại hình này, song cũng đòi hỏi phải có cách thức quản lý phù hợp đi kèm. Trước dư luận về việc thu thuế đối với khoản thu nhập của Uber, vị lãnh đạo này cho biết, đã có đề xuất cho rằng có thể chia các đối tác của Uber ra thành hai đối tượng. Với đối tác là doanh nghiệp, có thể cho phép hoạt động vận tải và tính doanh thu vào mục doanh thu khác trong báo cáo tài chính để tính thuế. Còn đối với cá nhân tham gia Uber, “vì hầu hết không phải là người giàu và mong muốn tăng thêm thu nhập thì có thể khuyến khích họ bằng cách miễn thuế thu nhập cá nhân 3 năm. Tất nhiên là thuế VAT, cơ quan thuế vẫn phải thu”, vị lãnh đạo này cho hay.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, nói Uber trốn thuế là chưa đúng bởi họ chỉ cần đóng thuế một nơi và có quyền chọn nơi nào có thuế thấp, theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Nhưng Nhà nước có thể thu thuế các khoản thu nhập của Uber Việt Nam bằng cách thu thuế các đối tác của đơn vị này.
Trước lo ngại về việc các cá nhân tham gia Uber thì khó quản lý và thu thuế, luật sư Đức cho biết, thông qua kiểm tra, CSGT có thể xác định được là tài xế chở khách hay người nhà qua lệnh gọi xe. “Khi khách thanh toán cũng chỉ trả theo lệnh hoặc số km đã chạy. Cơ quan chức năng có thể căn cứ theo chốt hành trình lưu lại để quản lý. Nếu không thì xe đó bị coi là gian lận. Vấn đề này cũng giống như thông số của hộp đen, nếu khách không đi thì tài xế phải báo lại”, ông Trương Thanh Đức nói. Cũng theo ông Đức, điều này yêu cầu cơ quan quản lý phải nâng cao trình độ, có sự liên thông giữa cơ quan quản lý vận tải, cơ quan quản lý thuế và ngân hàng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, hiện Bộ đang kiến nghị trình việc sửa đổi hiệp định tránh đánh thuế hai lần theo hướng hạn chế bớt các điều khoản bất lợi cho Việt Nam.
Trước đó, tại Tọa đàm Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử do Báo Giao thông tổ chức, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT cho biết Bộ GTVT đã làm việc với Uber, đơn vị này khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối, không kinh doanh vận tải. Do đó, Công ty Uber không thuộc đối tượng quản lý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, hoạt động của Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải. Bộ GTVT đã yêu cầu Uber chỉ được ký hợp đồng với đơn vị vận tải có giấy phép, phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đã và sẽ ký hợp đồng với Uber, khi ký phải đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải. Các trường hợp không đáp ứng đều là vi phạm. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận