Những ngôi nhà đổ nát vì đạn pháo ở miền Đông Ukraine |
Quan chức Ukraine đòi Nga bồi thường 350 tỉ USD vì chiến sự ở Donbass
Theo tin tức trên báo Giáo dục Việt Nam, Ukraine hôm 10/5 đã tuyên bố dự định đòi Nga bồi thường 350 tỉ USD cho những thiệt hại ở miền Đông nước này gây ra bởi những cuộc đụng độ giữa lực lượng ly khai ủng hộ Nga và ủng hộ chính phủ Kiev.
Trong một tuyên bố giải thích về con số trên với đài Channel 5, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine, Oleksandr Borovik cho rằng số tiền đền bù trên được tính theo số tiền bù thiệt hại cho Kuwait của Iraq sau cuộc chiến tranh xâm lược năm 1991.
"350 tỉ là tiền đền bù thiệt hại Iraq xâm lược Kuwait, mặc dù sau đó người (Kuwait) quyết định chỉ cần lấy 320 tỉ USD. Nếu so sánh mức độ thiệt hại của cuộc xâm lược này với hành động của Nga chống lại chúng ta lâu nay, nó gần như bằng nhau", ông nói.
Tuy nhiên, đây chỉ là ước tính của ông Borovik. Cho đến nay, chính phủ Kiev vẫn chưa chính thức đưa ra một con số cụ thể nào trong vấn đề này.
Ông Putin: Kiev đóng vai trò quyết định trong khủng hoảng Ukraine
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva ngày 10/5. (Ảnh: AP) |
Trong một diễn biến khác có liên quan tới khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã khẳng định rằng chính quyền Kiev là nhân tố chính trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.
Theo An ninh Thủ đô, phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Moscow ngày 10/5, Tổng thống Putin nói : “Sự thành công của thoả thuận hoà bình Minsk phụ thuộc chủ yếu vào những người đang nắm quyền lực, đó là chính quyền Kiev. Đổi lại, Nga sẽ cố gắng tạo sự ảnh hưởng đối với chính quyền li khai ở khu vực Donetsk và Lugansk. Chúng tôi tin rằng Kiev cần bỏ sự phong toả kinh tế với khu vực Donbass, khôi phục hệ thống ngân hàng và tiến hành cải cách hiến pháp với sự đóng góp ý kiến của khu vực đông nam đất nước”.
Về phần mình, Thủ tướng Merkel cho biết ông Putin sở hữu một quyền lực đặc biệt với lực lượng li khai “nhằm để ít nhất đảm bảo lệnh ngừng bắn hoặc kêu gọi khôi phục lại được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”, không chỉ riêng với khu vực miền đông nước này mà cả ở bán đảo Crimea, nơi đã trở thành một phần của Nga từ tháng 3/2014.
Nghi là gián điệp, NATO trục xuất nhân viên người Nga
Infonet dẫn thông tin từ tờ The Guardian cho hay, NATO đang trong giai đoạn nối lại các đường dây nóng quân sự với Moscow. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay gần đây, Nga đang tăng cường hoạt động không quân và NATO đã nhiều lần triển khai máy bay chiến đấu theo dõi hành trình di chuyển của các máy bay Nga tại không phận biển Baltic, Biển Đen và Na Uy. Do đó, việc khôi phục đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa NATO – Nga là biện pháp giúp giảm nguy cơ đối đầu và tránh hiểu nhầm.
Tuy nhiên, dù nối lại đường dây nóng với Nga, NATO lại cắt đứt liên lạc với phần lớn nhân viên người Nga làm việc tại trụ sở của tổ chức này ở Brussels và đang trong quá trình sa thải hàng chục nhân viên và nhà ngoại giao Nga trong trụ sở liên minh.
Theo quyết định hồi tháng trước, các phái đoàn không phải là thành viên của NATO công tác tại trụ sở Brussels chỉ được giới hạn là 30 người. Trong khi đó, phái đoàn của Nga đã lên tới hơn 30 người. Điều đáng nói, Nga là quốc gia duy nhất bị NATO áp dụng quy định mới.
Quân đội Nga sẽ tham gia lễ duyệt binh ngày chiến thắng tại Bắc Kinh
Ngày 10/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, quân đội nước này sẽ cử một đơn vị sang Trung Quốc tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ II tại Bắc Kinh.
Tuyên bố trên được bộ trưởng quốc phòng Nga đưa ra sau cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long, tại Moscow.
“Chúng tôi vui mừng nhận lời mời của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc sang tham dự các lễ kỷ niệm nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng của Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ II vào ngày 3-9 năm nay. Chúng tôi đồng ý cử một đơn vị quân đội Nga tham gia lễ duyệt binh này”, ông Shoigu nói.
Nhật trấn an Trung Quốc về việc tập trận chung với Philippines
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận tại Vịnh Manila (Ảnh: Reuters) |
Ngày 10/5, Giám đốc Cục quản lý các vấn đề quốc tế thuộc Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản Koichi Kawagoe đã lên tiếng trấn an Trung Quốc về cuộc tập trận chung giữa Philippines và Nhật ở Vịnh Manila từ ngày mai 12/5.
“Mục đích của cuộc tập trận nhằm chống lại các mối đe dọa chung giữa 2 nước như nạn cướp biển, buôn lậu trái phép, buôn bán ma túy, vũ khí. Điều đó phục vụ lợi ích chung và chúng tôi sẽ tiếp tục hình thức hợp tác này” - ông Koichi Kawagoe cho hay.
Về phía Philippines, Phó Đô đốc Hải quân Jesus Millan ngày 10/5 cũng trấn an dư luận rằng cuộc tập trận chung không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. “Cuộc tập trận chỉ nhằm mục đích an ninh, để tránh các cuộc chạm trán trên biển, các vụ việc bất ngờ”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande lần đầu thăm chính thức Cuba
Tổng thống Pháp Francois Hollande |
Theo TTXVN, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 11/5 thăm chính thức Cuba, chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Nhà nước Pháp tới quốc đảo thuộc vùng Caribe này.
Theo hãng tin Cuba Prensa Latina, tháp tùng ông Hollande có một đoàn đông đảo các quan chức cấp cao của Pháp như Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng Sinh thái, Tư pháp, Y tế, Văn hóa và Bộ trưởng các vấn đề hải ngoại.
Trong thời gian ở thăm Cuba, ông Hollande có kế hoạch hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Raul Castro và đặt vòng hoa trước Tượng đài Anh hùng Dân tộc Cuba Jose Marti tại Quảng trường Cách mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận