Ùn tắc ở New York |
Là nền kinh tế hàng đầu thế giới, song nước Mỹ vẫn phải chịu tổn thất tới hàng trăm tỷ USD do vấn nạn ùn tắc giao thông mỗi năm và “đau đầu” tìm giải pháp cho vấn đề này.
Mỗi người mất 50 giờ/năm vì ùn tắc
“Đi lại là một trong những vấn đề… khó chịu nhất khi có một công việc ở Mỹ. Thật “đần độn” khi phải nghe chuyện từ đài phát thanh, mục “cà phê nhiên liệu” hay chương trình gì đó tương tự trên đường”, Katie Herog chia sẻ trên blog của mình hồi tháng 2/2016 về vấn nạn kẹt xe ở nơi cô sống.
Điển hình như TP Miami, các chuyên gia cảnh báo, nếu không có những giải pháp như: Hệ thống đường sắt mở rộng, xe buýt, xe điện… thì mọi người sẽ mắc kẹt trong các vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông. Các chuyên gia cho biết, thành phố này còn nhiều thứ phải làm; thậm chí, Miami chưa có đường sắt kết nối từ sân bay đến các điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn 5 triệu khách đi tàu du lịch mỗi năm như: Biển Miami, Hải cảng Miami… Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình những con đường của Miami đã đến giới hạn.
Tờ Washington Post dẫn một khảo sát gần đây cho thấy: Trung bình mỗi người Mỹ tiêu tốn 50 giờ/năm cho ùn tắc giao thông và con số này dao động ở từng bang, thành phố: Los Angeles với 81 giờ, Washington D.C. và San Francisco 75 giờ. Bên cạnh đó, Houston cũng chẳng khá hơn với 74 giờ bị lãng phí, New York 73 giờ, Seattle 66 giờ và Boston 64 giờ.
Ước tính, thiệt hại do tắc đường ở Mỹ lên đến 190 tỷ USD vào năm 2020, từ con số 162 tỷ USD năm 2014, theo một nghiên cứu gần đây của INRIX – công ty chuyên cung cấp thông tin giao thông hàng đầu nước Mỹ. Các nhà khoa học cũng dự báo rằng, những con đường ở Mỹ sẽ ngày càng chật chội hơn trong 30 năm nữa, khi dân số và kinh tế đô thị gia tăng.
Bài toán khó có lời giải
Hiện giới chức giao thông Mỹ đau đầu tìm kiếm giải pháp hạn chế, trong bối cảnh tắc nghẽn ngày càng tăng. Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một phần không thể thiếu cho giải pháp chống ùn tắc. Tuy nhiên, ngay cả giải pháp này cũng chưa phải là tối ưu. Theo ông Bryan Mistele - Giám đốc điều hành của INRIX: “Đó là một giải pháp tốt; Tuy nhiên ngay cả giải pháp này cũng còn những hạn chế. Bởi một trong những lo ngại chính là khả năng bị tấn công với những hệ thống liên quan đến internet như vậy.”
Còn nhà hoạt động dân sự Norman Braman ở Miami kêu gọi việc đồng bộ hóa đèn giao thông thông minh, có thể “đọc” được ùn tắc giao thông hoặc phát triển xe buýt dưới nước như ở Venice (Italia). “Nguồn nước đã sẵn có, chúng tôi không phải chờ đến 10 hay 15 năm để xây dựng một hệ thống xe lửa”, Braman nói và cho rằng “không thể tin tưởng khu vực công sử dụng ngân sách hợp lý trong việc khắc phục tình trạng ùn tắc”.
Ngoài ra, giảm số lượng xe lưu thông trên đường cũng là một chiến lược bổ sung. Các dịch vụ xe chia sẻ như Uber, Lyft hoặc vận tải công cộng sẽ giúp giảm sở hữu xe hơi. Viện Giao thông vận tải Texas A&M chỉ ra rằng, nếu không có vận tải công cộng, tài xế sẽ phải hứng chịu thêm 785 triệu giờ ùn tắc mỗi năm. Thành phố Boston áp dụng các hình thức để khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, với việc tạo làn đường riêng cho xe buýt trong giờ cao điểm để… lôi cuốn người dân. Tại New York, làn đường riêng cho xe đạp cũng bắt đầu được áp dụng, khiến lưu lượng giao thông thực sự được cải thiện.
Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên chỉ giúp cải thiện không đáng kể. Tháng 12/2015, Bộ Giao thông khởi động cuộc thi “Thử thách thành phố thông minh”, trong đó giải thưởng là 40 triệu USD cho bang nào có được kế hoạch giảm ùn tắc hiệu quả nhất. Hiện 78 thành phố đã tham gia cuộc thi. Dự kiến, kết quả cuối cùng sẽ được công bố trong tháng 6/2016. Điều này cho thấy, nước Mỹ vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận