Giao thông trên đường Kim Mã đoạn đang rào chắn để thi công thường xuyên căng thẳng |
Đường phố Kim Mã sắp được rào chắn, thu hẹp lại để phục vụ thi công đoạn đi ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Các phương án phân luồng giao thông đã có, nhưng nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ như hiện nay, giao thông nội đô Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thu hẹp đường Kim Mã, ùn tắc càng nghiêm trọng
Phố Kim Mã đã được rào chắn còn lại 7m từ nhiều tháng trước để phục vụ thi công dự án đường đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội (đoạn từ trước trường đội Lê Duẩn đến ngã ba Kim Mã - Nguyễn Văn Ngọc). Ngày 21/11, PV Báo Giao thông trực tiếp lưu thông trên phố Kim Mã và ghi nhận ở nhiều thời điểm khác nhau, đoạn đường này thường xảy ra ùn tắc, nặng nhất là trong giờ cao điểm buổi chiều, nhất là từ nhà số 525 đến 649. Đường quá hẹp, chỉ cần xe buýt dừng đón, trả khách là cả đoạn đường trở nên “tê liệt”, người lên xuống xe buýt cũng vất vả, nguy hiểm. Mặt khác, tần suất xe buýt qua đây khá lớn, có lúc chưa đầy một phút lại có một xe buýt đi qua hoặc 2 xe buýt cùng nối đuôi nhau...
Anh Đặng Văn Nam, nhân viên một văn phòng tại đoạn đường mới bị rào chắn cho biết, từ khi đoạn Cầu Giấy - Kim Mã bị rào chắn để thi công, hiếm có ngày nào đường không ùn tắc. Chị Nguyễn Thị Ngọc ở nhà số 529 Kim Mã phản ánh, khoảng cuối năm 2016, đường trước cửa nhà được rào lại, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. “Trên đường có biển cấm xe taxi, ô tô giờ cao điểm, nhưng nhiều hôm thấy các xe vẫn ngang nhiên đi vào, đường đã nhỏ càng thêm tắc”, chị Ngọc cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, nguy cơ ùn tắc giao thông tại đoạn đường trên và tuyến phố Kim Mã sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nghiêm trọng hơn, mới đây Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, trong tháng 11, 12/2017 đoạn đường Kim Mã sẽ tiếp tục được rào hẹp lại chỉ còn 3m, để phục vụ thi công đào ngầm đường sắt. Trong đó, đoạn bị rào trước là từ cầu vượt Kim Mã - Liễu Giai đến ngõ 415 đường Kim Mã (hướng đi đường Nguyễn Thái Học). Đơn vị thi công sẽ tiến hành xén 2m vỉa hè, đảm bảo chiều rộng mặt đường dành cho người tham gia giao thông là 3m. Phần mặt đường lớn sẽ được quây rào, đơn vị thi công giữ lại phần đường rộng 1m (chiều Kim Mã đi Nguyễn Thái Học).
Cấm ô tô, giãn tần suất xe buýt
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội cho biết, hiện đoạn đường Kim Mã từ đền Voi Phục đến đường Nguyễn Văn Ngọc đang được rào chắn còn lại 7m để thi công, với thời gian rào chắn đến ngày 30/6/2018. Theo kế hoạch, đoạn cầu vượt Liễu Giai, khách sạn Daewoo sẽ được thi công từ ngày 1/3/2018 (trong thời gian 21 tháng) và sẽ có kế hoạch phân luồng để đảm bảo giao thông. Khu vực trên cũng là nơi đưa máy đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine) xuống để phục vụ thi công đoạn hầm. Hiện, một số cây xanh nằm trên vỉa hè và dải phân cách trên đường Kim Mã đã được chặt, di dời. Bãi đỗ xe Ngọc Khánh cũng được tận dụng thành địa điểm phục vụ công trường và làm nhà tạm để vật liệu.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 18.408 tỷ đồng, nhưng hiện nay đã đội lên khoảng 36.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018, tuy nhiên do chậm trễ tiến độ nên được Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2021. Mặc dù vậy, với tiến độ chậm trễ như hiện nay, khả năng dự án tiếp tục dời thời hạn hoàn thành là rất cao. |
Đề cập vấn đề chống ùn tắc giao thông trong thời gian thi công, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT Hà Nội sẽ cấm ôtô, giãn tần suất xe buýt trong giờ cao điểm để tránh xảy ra ùn tắc. Cùng đó, cũng họp bàn với các lực lượng liên ngành gồm CSGT, TTGT, CSTT... phối hợp đưa ra phương án phân luồng đoạn đường bị rào chắn trên đường Kim Mã.
Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ giao trách nhiệm phân luồng cho Thanh tra GTVT quận Ba Đình. “TTGT cũng huy động thêm lực lượng ở các đội xuống phối hợp với CSGT, lực lượng trật tự phường... cùng huy động để phân luồng, làm sao đảm bảo cho người dân lưu thông được thuận tiện, không khẳng định là không ùn tắc nhưng sẽ đảm bảo ùn tắc được giải phóng nhanh nhất”, ông Hải nói.
Thực tế cho thấy, việc rào đường để phục vụ thi công dự án không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến giao thông chung trên các trục đường liên quan đến đường Kim Mã hiện nay. Tới đây, ngành chức năng Hà Nội cũng sẽ có phương án phân luồng giao thông cụ thể. Tuy vậy, nếu đoạn đào ngầm cũng rơi vào tình trạng chậm trễ, kéo dài tiến độ thi công, rào chắn đường như đoạn phần cầu cạn (Nhổn - Cầu Giấy) như hiện nay thì mức độ gây áp lực ùn tắc giao thông càng lớn.
Cách đây vài tháng, Sở GTVT cũng “điểm mặt” từng vị trí rào chắn lòng đường của dự án gây ùn tắc như: Nút giao ngã tư Cầu Giấy, ngã ba Cầu Giấy - chùa Hà, cổng Đại học Quốc gia, đầu cầu Diễn... Dù vậy, đến nay tiến độ thi công vẫn không được đẩy nhanh là bao, khiến lòng đường tiếp tục bị chiếm dụng kéo dài.
Ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết thêm, hiện Hà Nội còn 32 điểm ùn tắc, trong đó có đến hàng chục điểm do thi công công trình giao thông. Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Hà Nội thi công ì ạch, chậm chạp, nhiều nút giao thông do công trình này thi công đang trở thành điểm đen ùn tắc giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận