Ứng dụng chuyển đổi số ngành y tế đặt mục tiêu, năm 2025, 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử
Tại cuộc họp báo Chương trình chuyển đổi số Y tế Quốc gia năm 2020 sáng 24/12, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: "Y tế là một trong những ngành đầu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D…".
Trong năm 2020, Việt Nam đã tối ưu các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19.
Ngành y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, khám chữa bệnh… Kết quả ban đầu, 100% bệnh viện trên toàn quốc áp dụng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám ứng dụng bệnh án điện tử thay thế toàn bộ bệnh án giấy…
Ngoài ra, 23 bệnh viện đã dùng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Theo ông Tường, nếu tất cả các bệnh viện đều chuyển dùng PACS, mỗi năm có thể tiết kiệm 4.000 tỷ đồng, là chi phí dành để mua phim in hàng năm...
Một số bệnh viện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hiện đã sử dụng mạng xã hội để tương tác với bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum; 1.300 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh từ xa Telehealth…
"Đặc biệt, công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam với hàng loạt ứng dụng như khai báo y tế điện tử (NCOVI), ứng dụng truy vết Bluezone với 23 triệu người dùng…", ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết.
Ông Quý Tường cũng cho biết, dù đã có những bước chuyển mình trong chuyển đổi số y tế nhưng tốc độ còn chậm, chưa được như kỳ vọng, trong đó nguyên nhân lớn nhất do phải đầu tư tài chính lớn.
Mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới, phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến;
Đến năm 2025, 15% (khoảng 210 bệnh viện/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; Và phấn đấu đến 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận