Nở rộ xe hợp đồng trá hình
Tại Hội nghị An toàn giao thông (ATGT) năm 2023 do Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức, TS Đinh Quang Toàn, Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, hiện nay, kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ chiếm 92,6 % thị phần vận tải của 5 lĩnh vực.
Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến năm 2022 trên toàn quốc có 944.046 xe kinh doanh vận tải bằng đường bộ, trong đó, 324.467 xe kinh doanh vận tải hành khách (chiếm 35%). Xe tuyến cố định có 18.022 xe (chiếm 6%), xe buýt 9.536 xe (chiếm 3%); xe taxi có 64.527 xe (chiếm 20%), xe du lịch có 3.644 xe (chiếm 1%) và đáng chú ý, xe hợp đồng có 228.738 xe (chiếm 70%).
Điều này chứng tỏ tỷ trọng vận tải đang có nhiều bất cập, việc xe hợp đồng trá hình tuyến cố định và chạy như tuyến cố định đang là khe hở lớn cần phải được khắc phục nếu không tình trạng phá vỡ luồng tuyến, khiến xe tuyến cố định bỏ bến ngày càng nhiều.
"Chủ trương đẩy bến xe ra khỏi trung tâm thành phố đang trở thành một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho xe hợp đồng phát triển ngày một nhiều hơn", TS Toàn nhìn nhận và cho biết, hành lang pháp lý dành cho xe hợp đồng hiện nay cởi mở hơn so với các loại hình khác với những lợi thế như: Đơn vị vận tải xe hợp đồng có thể chủ động quyết định giá cước vận tải; chủ động lên lộ trình vận tải theo yêu cầu của khách hàng... trong khi tuyến cố định mỗi khi thay đổi giá thủ tục lại phức tạp và các rào cản cơ chế dẫn đến gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, chính những lợi thế pháp lý của xe hợp đồng cũng đã làm nở rộ loại hình xe cá nhân không được phép kinh doanh vận tải nhưng vẫn tham gia kinh doanh vận tải dưới hình thức xe ghép, xe tiện chuyến... làm mất ATGT và thất thu thuế lớn cho Nhà nước.
Ứng dụng công nghệ ngăn xe hợp đồng trá hình
Tại hội nghị, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui cho biết, Nghị định số 10/2020 quy định việc hình thành hợp đồng phải được thực hiện trước khi xe lăn bánh và gửi đến các sở GTVT để hậu kiểm. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế hiện nay các sở GTVT không đủ nguồn lực để kiểm soát việc các đơn vị vận tải gửi hợp đồng hay không, chưa kể việc gửi qua email còn dẫn đến quá tải và không thể chứa hết được các tệp.
"Do đó, việc gửi hợp đồng trước mỗi chuyến đi về sở GTVT đang là vấn đề hết sức hình thức", ông Mạnh nhìn nhận và cho biết, muốn kiểm soát được xe hợp đồng trá hình cần ứng dụng công nghệ vào việc thu thập và giám sát thông tin.
Cụ thể, Bộ GTVT cần có một cơ sở dữ liệu chung cung cấp nền tảng công nghệ để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đẩy hợp đồng điện tử hoặc lệnh vận chuyển điện tử lên cổng thông tin chung dưới hình thức mở.
"Các cơ quan chức năng như bến xe, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành giao thông, tổng cục thuế, bảo hiểm sẽ phối hợp truy xuất dữ liệu từ nguồn dữ liệu chung này để kiểm tra giám sát các hoạt động của phương tiện. Có như vậy thì tình trạng xe chạy không phép, mới bị xử lý triệt để", ông Mạnh đề xuất.
Theo ông Mạnh, việc xây dựng một giải pháp quản lý hợp đồng điện tử và lệnh vận chuyển điện tử tập trung cần phải được thực thi sớm để tránh thất thoát thuế của Nhà nước và đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bên cạnh đó đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm tối ưu hóa trong quản lý hoạt động vận tải đường bộ với các cơ quan chức năng có liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận