Tại Hội nghị An toàn giao thông 2023, nhóm nghiên cứu đến từ Bộ môn Đường ô tô - Đường đô thị, Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, một hệ thống an toàn được xây dựng bao gồm năm trụ cột: người tham gia giao thông (con người) an toàn, phương tiện an toàn, hạ tầng đường bộ an toàn, tốc độ an toàn và ứng phó sau tai nạn giao thông (TNGT).
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, chiến lược để đảm bảo trật tự, ATGT trong cả nước. Một trong những chiến lược quan trọng là "Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045", đưa ra 5 quan điểm.
Trong đó, có quan điểm: Thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ (gồm: quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau TNGT) theo hướng tiếp cận hệ thống an toàn giao thông hiện đại, bảo đảm hoạt động giao thông đường bộ an toàn, thông suốt, hiệu quả, thân thiên môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Nhóm nghiên cứu nhận định, quan điểm tiếp cận hệ thống an toàn của Chính phủ Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của thế giới.
TS Thái Hồng Nam, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong tiếp cận hệ thống an toàn là nguyên tắc an toàn chủ động.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực giao thông không chỉ giúp cải thiện hiệu suất và an toàn, mà còn đóng góp tích cực vào việc xây dựng các thành phố thông minh và bền vững.
Về an toàn chủ động đối với ứng phó sau TNGT, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng hệ thống thông báo khẩn cấp trong xe (eCall). Đây là một hệ thống tự động gọi cấp cứu kích hoạt ngay lập tức sau khi xảy ra tai nạn bằng cách gửi thông tin về vị trí xe và thông tin về tai nạn đến trung tâm cứu hộ, giúp cắt giảm thời gian phản ứng của dịch vụ cứu hộ.
Ngoài ra còn áp dụng các hệ thống theo dõi và phát hiện tai nạn, các cảm biến và camera trên xe có thể được tích hợp để phát hiện tự động tai nạn và các tình huống nguy hiểm, kích hoạt hệ thống báo động và hỗ trợ tài xế trong việc ứng phó.
Cùng đó, có thể áp dụng công nghệ kết nối thông minh trong xe (V2X), là công nghệ kết nối xe với xe (V2V) và xe với cơ sở hạ tầng (V2I) cho phép xe thông báo cho nhau và cho hạ tầng giao thông về tình trạng lưu thông, tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm. Điều này giúp cảnh báo và hỗ trợ tài xế cũng như cải thiện đáng kể việc phản ứng sau tai nạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận