Đồ họa: Nguyễn Tường - Ảnh: Khánh Linh |
Thanh toán điện tử mới là đích đến
Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, thanh toán bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 10% tổng lượng thanh toán. Các ngân hàng đã và đang nâng tỷ trọng lợi nhuận từ mảng dịch vụ để hạn chế phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng; cùng đó, điều chỉnh tăng hàng loạt loại phí… Do đó, thanh toán qua ứng dụng công nghệ, ví điện tử sẽ trở thành thị trường béo bở, màu mỡ hơn bao giờ hết.
Grab mới đây đã công bố triển khai thanh toán qua dịch vụ GrabPay Credits. Điều đó cho thấy sau một thời gian chuẩn bị với dữ liệu khách hàng sử dụng, Grab bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực tài chính bằng việc tiếp cận người dân chưa có tài khoản hoặc chưa tiếp cận được với ngân hàng.
Fastgo, start-up về ứng dụng gọi xe công nghệ của Công ty FastGo Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn NextTech) vừa ra mắt trong tháng 6 cũng tuyên bố phát triển một hệ sinh thái bao gồm Fast Protection và Fast Pay. Fast Protection là gói bảo hiểm có giá trị lên đến 200 triệu đồng dành cho tài xế và taxi khi tham gia di chuyển cùng FastGo. Còn Fast Pay là ví điện tử dùng để thanh toán tất cả các dịch vụ trên ứng dụng và tích điểm để sử dụng về sau, tương tự như dịch vụ GrabPay hiện nay.
VATO cũng cho biết đang chuẩn bị chiến lược dài hơi, nhưng trong tương lai gần sẽ triển khai dịch vụ như thanh toán VATOPAY, đặt xe thanh toán qua ví điện tử… nộp tiền trực tiếp từ ví Momo.
Trong khi nhiều ví điện tử của Việt Nam… đều rơi vào tình trạng bị phân mảnh, ít người sử dụng vì không gắn với hệ sinh thái nào thì việc nhiều ứng dụng gọi xe hướng đến ví điện tử liệu có khả thi?
Ông Nguyễn Bá Ngọc nhận định: Khi hãng đã có được một tệp người dùng đủ lớn và có độ trung thành nhất định thì việc khai thác vô số dịch vụ gia tăng trên nền tảng đó là có cơ sở và dễ thành công. Nhìn qua Go-jek ở nước bạn Indonesia có thể thấy từ 20 xe ôm ban đầu, Go-jek Motor đã phát triển thành công 14 dịch vụ. Điều đó cho thấy triển vọng và tương lai của các start-up Việt Nam cũng có cơ hội thành công trong lĩnh vực này.
CEO ShareCar Lê Mai Tùng cũng cho rằng, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm lợi nhuận không phải từ việc kinh doanh vận tải, mà còn thu từ quảng cáo, và các dịch vụ khác như ví điện tử. Ở Singapore từ mấy chục năm trước đã có ứng dụng ví điện tử rất thông dụng, nạp một khoản tiền vào sau đó dùng để đi tàu điện ngầm, thanh toán mua sắm ở các cửa hàng…
Bảo mật không tốt, khách hàng dễ bị mất tiền
Năm 2009, giá trị giao dịch qua ví điện tử mới đạt con số 5 tỉ đồng thì năm 2016 đạt 53.109 tỉ đồng. Thị trường này chứng kiến sự gia nhập và phát triển của nhiều loại hình ví điện tử trong và ngoài nước như: Momo, Samsung Pay, VTC Pay, Bankplus, 123pay, Ngân lượng, Money Lover, VinaPay, Payoo, Mobivi, ZaloPay… và gần đây là ZaloPay. Tính đến cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.
Ông Dương Vũ, chuyên gia tài chính cho rằng: ví điện tử là một công cụ thanh toán trực tuyến phổ biến ở nước ngoài, có ưu điểm so với các thẻ của ngân hàng như không bị truy thu phí thường niên, không bị tính phí khi thanh toán hóa đơn mua hàng trực tuyến… Nhưng điểm giống nhau chung giữa ví điện tử và các thẻ ngân hàng là vấn đề bảo mật. Nếu bảo mật không tốt, khách hàng bị ăn cắp mật khẩu, sau đó là tiền trong ví.
Bởi vậy thông thường, hiện nay nhiều đơn vị khi làm hạ tầng kỹ thuật sẽ phải tính đến mức độ bảo mật cao, ngoài mật khẩu, phải có mã OTP mỗi lần thanh toán trực tuyến. Mã OTP này chuyển thẳng vào điện thoại người dùng. Người sử dụng nhập mã OPT được gửi qua điện thoại thì thao tác mới được chấp nhận.
Đồng tình quan điểm cho rằng xu hướng phát triển của ví điện tử là tất yếu của thời đại, nhưng theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, ở lĩnh vực này rào cản hiện nay vẫn là thói quen dùng tiền mặt của người dân do lo ngại tính bảo mật. Do đó, để ví điện tử phát triển mạnh trong thời gian tới, cần nhiều hơn những cái “bắt tay” giữa ngân hàng thương mại với các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán.
“Với sự phát triển mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử, chúng ta cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để giảm rủi ro trong việc thanh toán qua trung gian, nhất là thanh toán từ quốc gia này sang quốc gia khác, gây khó kiểm soát cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, như trường hợp Alibay, Wechat của Trung Quốc chưa được chấp thuận trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đã thanh toán xuyên quốc gia. Hành động này không những là động thái chuyển ngân lậu mà hình thức này còn trốn thuế tại Việt Nam. Khi chưa được pháp luật cho phép mà những điểm bán hàng sử dụng những mã QR của nước ngoài trong thanh toán là đã vi phạm pháp luật. Việc hoàn thiện khung pháp lý cũng là để đảm bảo tính công khai, minh bạch, và cạnh tranh công bằng giữa các ví điện tử của doanh nghiệp nội và ngoại”, ông Minh nói.
Được biết, theo Chương 3, Điều 9,. Thông tư 39/2014 của NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, việc nạp tiền vào và rút tiền ra khỏi VĐT của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng (NH).
Quy định này nhằm đảm bảo khách hàng nạp tiền, rút tiền từ ví điện tử chỉ có thể sử dụng nguồn tiền hợp pháp từ ngân hàng. Xuất phát từ quy định này dẫn đến xu hướng ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính hợp tác để triển khai thanh toán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận