Chiều 5/9, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Nam Định cùng ban hành văn bản hỏa tốc về việc tập trung ứng phó với bão số 3.
Theo đó, nhằm ứng phó có hiệu với bão Yagi, Chủ tịch UBND hai tỉnh Quảng Ninh, Nam Định yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai công tác phòng, chống bão.
Hai địa phương đều thực hiện cấm biển từ 11h ngày 6/9. Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi.
Yêu cầu Sở Du lịch thông báo cho khách du lịch về bão số 3 và rà soát số lượng khách du lịch tham quan biển đảo, có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.
Tại Quảng Ninh, hiện, tổng số khách du lịch lưu trú trên các đảo của huyện Vân Đồn, Cô Tô là 13 khách. Trong đó, huyện Cô Tô có 2 khách Việt Nam; huyện Vân Đồn có 11 khách Việt Nam và nước ngoài. Tất cả du khách trên đảo đều được ở trong khách sạn, nhà nghỉ an toàn.
Khách lưu trú trên Vịnh Hạ Long là 1.691 khách, trong đó có 91 khách Việt Nam và 1.600 khách nước ngoài. Các địa phương đã khuyến cáo du khách các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường hợp mưa, bão. Riêng đối với khách lưu trú trên Vịnh Hạ Long sẽ về bờ trước 11h ngày 6/9…
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa rà soát, nắm bắt số lượng tàu du lịch, tổ chức hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu. Kiểm tra và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trên các tuyến giao thông, phương án đảm bảo an toàn tại ngầm tràn, đường cao tốc, cầu Bãi Cháy, Bạch Đằng...
Dự kiến, từ tối ngày 6/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu báo bão kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền về nơi tránh trú tại Cô Tô, Vạn Gia, Ngọc Vừng…
Tại Nam Định, hiện cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; người dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vây vạng vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 11h ngày 6/9.
Ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh: "Tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ. Đồng thời, xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão".
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều và đêm 7/9, bão số 3 đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa, gây mưa lớn, ngập lụt diện rộng.
Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.
Các trung tâm dự báo quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận