Thị trường

Ước lỗ luỹ kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỷ, EVN lại xin tăng giá điện

30/01/2023, 08:56

Trong báo cáo gửi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN ước lỗ luỹ kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỷ và lại đề xuất tăng giá điện.

Nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng Bộ Công thương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị này cho biết: Ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.

img

EVN cho biết, ước tính năm 2022 lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng, ước lỗ luỹ kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỷ đồng

Nguyên nhân lỗ nặng được EVN nhận định là do chi phí đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.

Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.

Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.

Đáng chú ý, EVN có thể không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện. Từ đó, ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội…

img

EVN đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét tăng giá điện

Trước tình hình đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức đủ lớn để EVN đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.