Phát hiện hơn 100 sự cố đê điều, thủy lợi
Trước diễn biến của mưa lũ, từ 7h sáng 11/9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số III trên hệ thống sông Thái Bình, phát lệnh báo động II trên hệ thống sông Luộc.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Hải Dương tại bản tin số CBLU-12/6h/HDUO ngày 11/9, trong 12-24h tới mực nước các sông tiếp tục lên nhanh, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê đạt mức báo động III và tiếp tục lên.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã: Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Nam Sách, thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu.
Theo thống kê trong 24h qua, toàn tỉnh Hải Dương đã phát hiện và xử lý kịp thời 105 sự cố đê điều, thủy lợi do ảnh hưởng của mưa lũ, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.
Trong đó, có 8 sự cố đê điều ở thị xã Kinh Môn và huyện Tứ Kỳ; 25 sự cố trên hệ thống thủy lợi nội đồng ở các huyện: Thanh Miện, Bình Giang, Tứ Kỳ, Ninh Giang và Gia Lộc.
Ngoài ra, trên hệ thống kênh Bắc Hưng Hải đã phát hiện 72 sự cố bờ kênh có nguy cơ tràn cục bộ rất cao.
Để khẩn trương khắc phục sự cố, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đang tích cực phối hợp với các địa phương huy động lực lượng, tiến hành đắp đất, bao tải cát nâng cao bờ kênh, ngăn chặn nước tràn vào phía trong kênh.
Đồng thời phân công, bố trí lực lượng kiểm tra, canh gác tại khu vực có nguy cơ tràn cục bộ, chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư xử lý tình huống ngay từ giờ đầu.
Đến thời điểm hiện tại, 370km đê cùng hơn 10 nghìn km kênh mương trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản ổn định, an toàn, bảo đảm công tác phòng chống mưa lũ. 267 điếm canh đê được bố trí đủ lực lượng, quân số trực 24/24 giờ để tuần tra, canh gác, sớm phát hiện sự cố và xử lý ngay từ giờ đầu.
Hải Dương cũng đã thực hiện di chuyển 1.880 hộ dân với khoảng 6.000 người dân khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản người dân khu vực bãi sông.
Ưu tiên bảo vệ con người trong mưa lũ
Tại cuộc họp về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh diễn ra vào sáng 11/9.
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo phòng chống lũ xuyên suốt của địa phương là ưu tiên bảo vệ con người rồi mới đến tài sản, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất”.
Theo ông Châu, toàn tỉnh hiện có 2 điểm trọng yếu cấp tỉnh, 36 điểm trọng yếu cấp huyện trên các tuyến đê. Các vị trí đê xung yếu, sụt lún đã được kiểm tra và thực hiện xử lý, tuy nhiên vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra tràn đê, vỡ đê.
Qua đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã đề nghị có văn bản gửi các tỉnh phía thượng nguồn hạn chế mức thấp nhất việc tiếp tục xả nước, gây áp lực lên hệ thống đê điều của tỉnh.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh: “Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống lũ lụt. Trong đó, thực hiện ngay việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm trong ngày 11/9, việc di dời người dân là việc quan trọng nhất để hạn chế tối đa thiệt hại nếu có tình huống xấu xảy ra”.
“Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về mọi mặt, các lực lượng trong tỉnh cùng vào cuộc phòng chống bão lụt. Trong đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trên địa bàn quản lý. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3 và triển khai công tác phòng chống bão lụt”, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận