Xã hội

Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

15/08/2019, 17:49

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đầu tư mạnh trong 5 năm tới.

img
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8

Chiều 15/8, trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ luôn quan tâm tới vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bởi vùng này có vị chí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng; là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp.

Phó thủ tướng cho biết, trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đứng thứ 3 trong các vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,5%). Trong khi đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba.

“Như vậy số vốn bố trí là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp cộng thêm việc đầu tư tại vùng tốn kém nên nguồn lực chưa đáp ứng được”, ông nói.

Phó thủ tướng cho biết thực trạng địa chất vùng ĐBSCL yếu dẫn đến suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, đầu tư phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, mức đầu tư đã không cao, do điều kiện tự nhiên khiến số tiền đòi hỏi lại càng tăng cao. Ông nhấn mạnh Chính phủ đã nhận ra điều này và có nghị quyết chuyên đề.

Từ nay đến 2020 và 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM.

Các loại hình như hàng hải, đường bộ, đường sắt, hàng không sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, có thể phát triển dịch vụ logistics cho khu vực tiểu vùng sông Me Kong. Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ.

Phó thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn từ này đến 2020 và giai đoạn đến năm 2025. Năm nay, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Phó thủ tướng cho rằng với số vốn đó, cộng thêm khoản tín dụng từ ngân hàng, dự án sẽ thông tuyến vào năm 2020.

“Vấn đề quan trọng này là tổ chức thực hiện, ở đây nhấn mạnh vai trò của Bộ GTVT. Chính phủ sẽ có giám sát vấn đề này”, ông nhấn mạnh.

Tham nhũng vặt như “tổ mối”, có thể làm vỡ con đê hùng vĩ

Về vấn đề liên quan đến tham nhũng vặt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định đây là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và nhân dân. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức; làm băng hoại đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân.

“Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, Phó thủ tướng nói.

Vì vậy, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về quy trình thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, cần hệ thống giám sát bằng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, có quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.