Đường sắt

Ưu tiên đầu tư hàng loạt dự án đường sắt “khủng”

31/12/2020, 06:11

Trong 5 năm tới Bộ GTVT đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư nhiều dự án đường sắt lớn để kết nối, kéo giảm chi phí logistics.

img

Thi công nâng cấp đường sắt gói 7.000 tỷ đồng, khu vực Hoàng Mai (Nghệ An)

Đề xuất hơn 40 nghìn tỷ đầu tư hạ tầng đường sắt

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện tại vận tải chiếm đến 60% chi phí logistics. Do đó, muốn giảm chi phí logistics phải giảm được chi phí vận tải. Trong khi đó, đường sắt có điểm mạnh là vận tải khối lượng lớn, cả về hành khách và hàng hóa nhưng chưa phát huy hết tiềm năng.

“Một đoàn tàu tốc độ cao có thể vận chuyển được 1.300 khách; một toa tàu đường sắt đô thị có thể vận chuyển hơn 100 hành khách và một đoàn tàu kéo được nhiều toa. Trong khi một xe buýt chỉ vận chuyển tối đa được vài chục hành khách và chỉ hoạt động đơn chiếc. Như vậy, rõ ràng chi phí vận tải đường sắt sẽ thấp hơn”, Thứ trưởng Đông lấy ví dụ.

Tuy nhiên, ưu thế đó chỉ phát huy được khi gắn được với mối hàng, phải thuận lợi “door to door” (cửa tới cửa). Do đó, phải có đường sắt vào cảng biển, các ICD, các trung tâm kinh tế, sản xuất lớn có nhu cầu vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn như hàng nặng, hàng khối, container…

“Cùng với đầu tư nâng cấp đường sắt hiện hữu, tới đây phải đẩy mạnh đầu tư kết nối. Đường sắt hiện nay chưa có hạ tầng kết nối vào các mối hàng lớn trên các hành lang quan trọng, nên phải ưu tiên đầu tư”, Thứ trưởng Đông nói.

Đồng thời cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đưa vào danh mục dự án đề nghị đầu tư công trung hạn các kết nối như: Kết nối đường sắt quốc gia khu vực Hải Phòng với cảng Lạch Huyện; kết nối khổ đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc khu vực biên giới Lào Cai - Hà Khẩu; tuyến đường sắt từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép - Thị Vải…

Thông tin cụ thể, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ KHĐT, Bộ GTVT cho biết, 5 năm tới nguồn vốn đầu tư cho đường sắt sẽ tiếp tục khó khăn do nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế.

Do vậy, Bộ GTVT đề xuất danh mục các dự án đầu tư mới và chuyển tiếp tập trung ưu tiên nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu để nâng cao năng lực thông qua, tạo điều kiện thúc đẩy vận tải. Còn những dự án lớn, trọng điểm sẽ chỉ chuẩn bị đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất duyệt vốn trung hạn cho các dự án đường sắt khởi công mới với tổng vốn 27.942 tỷ đồng; còn tổng vốn cấp cho dự án hạ tầng đường sắt là 40.292/462.031 tỷ đồng tổng vốn các dự án hạ tầng giao thông (không tính đường sắt đô thị), tương đương chiếm tỷ trọng khoảng 9%.

Trong khi đó, giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách cho đường sắt là 28.002/ 227.841 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công giao cho ngành GTVT, chiếm tỷ trọng khoảng 12,29%. “Nếu được duyệt như đề xuất trên, dù tỷ trọng vốn cấp cho đường sắt so với cả ngành không tăng nhưng tổng vốn tăng đáng kể”, ông Dũng cho hay.

Cần cơ chế hút vốn ngoài ngân sách

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, cùng với đầu tư hạ tầng từ ngân sách, phải xây dựng được cơ chế khai thác, kinh doanh hạ tầng để thu hút vốn ngoài đầu tư công, trong đó có cơ chế khai thác được các bãi hàng, khu ga.

“Bộ GTVT đang xây dựng đề án quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt, trong đó xác định các phương án, hình thức quản lý, khai thác, làm cơ sở để đầu tư.

Như với đất ở các khu ga, bao gồm cả khu phục vụ hành khách, bãi hàng, hạ tầng chạy tàu… phải có quy hoạch chi tiết, diện tích nào, vị trí nào sẽ sử dụng vào việc gì, phần nào có thể cho phép đầu tư ngoài ngân sách, kêu gọi vốn đầu tư, phần nào có thể giao tài sản cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đầu tư. Cùng đó, xác định rõ cơ chế đầu tư, cơ chế giao tài sản”, Thứ trưởng nêu rõ.

“Nếu giao tài sản cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đầu tư thì doanh nghiệp phải xây dựng được phương án kinh doanh trên hạ tầng đường sắt như cho thuê hay tự đầu tư, khai thác, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.”, Thứ trưởng Đông nói thêm.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, liên quan đầu tư hạ tầng các khu ga, sau khi có quy hoạch chi tiết nhà ga, bãi hàng mới đủ điều kiện để kêu gọi xã hội hóa.

Cục Đường sắt VN đã rà soát toàn bộ 297 khu ga và đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 lập, công bố trước quy hoạch các ga lớn có lợi thế thương mại để kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Cùng đó, lập quy hoạch trung tâm logistics đường sắt để thu hút hàng hóa, tiếp cận nguồn hàng.

Cũng theo ông Khôi, Luật Đường sắt đã quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực đường sắt nhưng việc triển khai ở các bộ, ngành hầu như chưa có.

“Doanh nghiệp vận tải đường sắt muốn vay vốn để đầu tư kho, bãi phục vụ vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải nhưng không được hưởng ưu đãi vay vốn từ phía ngân hàng, đến nay ngành ngân hàng chưa có quy định cụ thể ưu đãi”, ông Khôi nêu ví dụ và cho rằng, các quy định này của Luật Đường sắt cần được các bộ, ngành triển khai trong thực tế bằng các quy định cụ thể.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, với hạ tầng đường sắt chính tuyến, Nhà nước phải đầu tư, còn các nhà đầu tư có thể đầu tư đường nhánh, kho hàng, bãi hàng, trung tâm logistics, nhà ga…

Tuy nhiên, theo ông Minh, với nguốn vốn Nhà nước cấp cho hạ tầng đường sắt chính tuyến, ai quản lý, vận hành, khai thác, người đó phải chủ trì đầu tư. Bởi, từ thực tiễn quản lý, khai thác, người quản lý mới xác định được cần đầu tư ở đâu, nhà ga nào cần làm đường ke cao, mái che để phục vụ hành khách, nhà ga nào cần đầu tư kho, bãi tiêu chuẩn, vị trí đường sắt nào cần nâng cấp…

“Đối với đầu tư hạ tầng khu ga, kho bãi, Nhà nước không cần đầu tư vì vẫn có tính hấp dẫn thu hút đầu tư ngoài đầu tư công. Vì thế, có thể giao cho doanh nghiệp tự đầu tư để phù hợp với thực tiễn khai thác, kinh doanh vận tải, nhưng phải xây dựng được cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy vận tải”, ông Minh nói.

Các dự án đường sắt mới đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 - 2025

- Nâng cấp đường ngang, đầu tư đường gom, hàng rào, xây khoảng 10 cầu vượt đường bộ qua đường sắt để đảm bảo an toàn.

- Nâng cấp, cải tạo ga đường sắt, làm thêm đường sắt trong ga, kéo dài đường sắt trong ga để nâng năng lực thông qua cho đường sắt hiện hữu.

- Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Hải Vân theo hướng hạ độ cao, xuyên hầm để an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu, tổng mức khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến chỉ thực hiện, giải ngân một phần.

- Tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu như cải tạo hầm, cầu yếu, cải thiện bán kính đường cong…

- Tiếp tục hoàn thành dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

- Thực hiện nghiên cứu các dự án: Đầu tư đường sắt nối vào cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để từ đó làm đường sắt kết nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải; Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; Đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội Ngọc Hồi - Lạc Đạo…

Một số dự án đường sắt chuyển tiếp

- Dự án 7.000 tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.

- Dự án cải tạo đèo Khe Nét tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM, tổng mức đầu tư 1.928 tỷ đồng, hiện đã ký xong hiệp định vay vốn Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và hoàn thành bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đang chuẩn bị cho giai đoạn đấu thầu tư vấn, thiết kế kĩ thuật.

- Dự án Cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, tổng mức đầu tư 2.925 tỷ đồng, đã hoàn thiện bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đàm phán hiệp định vay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.