Hạ tầng

Ưu tiên xây đường Vành đai 3 kết nối các tỉnh phía Nam

18/01/2018, 15:08

Nếu 8 địa phương cùng phối hợp làm được đường Vành đai 3 sẽ góp phần giảm ùn tắc, phát triển kinh tế.

DSC_4342
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM chủ trì cuộc họp về triển khai công tác kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm với đại diện 7 sở ngành phía Nam

Chiều 18/1, tại cuộc họp triển khai công tác kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và TP.HCM), ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhận định: Nếu các địa phương cùng phối hợp làm được đường vành đai 3 sẽ góp phần giảm ùn tắc, kết nối giao thương.

Ông Bùi Xuân Cường cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Để phát triển bền vững, vai trò đầu tàu của TP.HCM và các tỉnh trong vùng là rất cần thiết, nhất là trong hoạch định chiến lược phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế.

Trong năm 2017, các địa phương liên kề cũng đã chủ động phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan đến đấu nối cục bộ giữa 2 địa phương. Cụ thể đối với TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với tỉnh Long An để trao đổi, thống nhất quy mô, tiến độ thực hiện các trục đường kết nối như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 10, Trục động lực,… TP đã phối hợp với tỉnh Tây Ninh trong việc ra soát các kết nối, trao đổi tìm giải pháp để triển khai đầu tư mở rộng Quốc lộ 22; đã phối hợp với Bình Dương, Đồng Nai trong việc kết nối giao thông các tuyến trục, kéo dài tuyến Metro số 1, bổ sung thêm cầu Cát Lái vượt sông Đồng Nai.

DSC_4348

Sơ đồ quy hoạch kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Kế hoạch năm 2018, Sở GTVT TP.HCM cùng với 7 sở ngành tiếp tục tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện các liên kết vùng trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Tiếp tục nghiên cứu, xác định danh mục dự án đầu tư hệ thống giao thông kết nối Vùng theo hướng ưu tiên, tập trung trình Hội đồng Vùng thông qua làm cơ sở triển khai thực hiện. Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng.

Cụ thể, trình Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng cho phép nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải vùng trong quý II/2018. Lập phương án phối hợp; phân chia, chuyển đổi nguồn vốn; chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp phân luồng tổ chức giao thông.

Đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc theo tuyến dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, Quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức. Tổng chiều dài vành đai 3 khoảng 89,3km, trong đó làm mới khoảng 73km, đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn dài 16,3 km hiện đang được tỉnh Bình Dương đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.