Bà đứng thứ 9 trong danh sách các nữ lãnh đạo quyền lực nhất trên thế giới khi đưa đảo Đài Loan vượt đại dịch Covid-19, trở thành hình mẫu chống dịch. Nhưng trong nội bộ, chính quyền bà Thái Anh Văn dường như đang không chiếm được đa số thiện cảm trước thềm cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong 4 ngày nữa.
4 câu hỏi lớn
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), sự kiện trưng cầu dân ý ban đầu dự kiến tổ chức vào ngày 28/8 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã phải lùi lại xuống ngày 18/12.
Đây được cho là phép thử với chính quyền đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà Thái Anh Văn trong bối cảnh đảng này gia sức kêu gọi người dân đồng ý phủ quyết 4 đề xuất gây tranh cãi trong dư luận Đài Loan.
Thứ nhất là đề xuất do 2 nhóm dân sự đưa ra về vấn đề: Liệu Đài Loan có nên tái kích hoạt nhà máy năng lượng hạt nhân thứ 4 để bù đắp tình trạng thiếu hụt năng lượng trên đảo hay không?
Vài năm trở lại đây, Đài Loan đang rơi vào tình trạng mất điện thường xuyên.
Bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan. Ảnh: Reuters
Nhiều người ủng hộ đề xuất trên cho rằng, tình trạng mất điện không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân mà còn đe dọa sản xuất công nghiệp, trong đó có sản lượng của các công ty chip - vốn đang là món hàng khan hiếm trên thế giới.
Chính quyền bà Thái không ủng hộ vì thứ nhất Đài Loan không có chỗ để xử lý chất thải hạt nhân, hơn nữa nguy cơ khi tái khởi động nhà máy điện hạt nhân bị bỏ từ lâu tồn tại nguy cơ rất cao, đặc biệt là khi Đài Loan nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất.
Câu hỏi thứ hai trong đợt trưng cầu dân ý sắp tới là việc bảo vệ một rạn san hô tảo tại Đào Viên - nơi chính quyền bà Thái Anh Văn muốn xây dựng một cơ sở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Nhiều người lo ngại cơ sở này có thể gây tổn hại môi trường sinh vật dưới nước bao gồm nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Chính quyền bà Thái cho rằng, cơ sở LNG là cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng nhưng phe phản đối cáo buộc bà Thái Anh Văn đang vi phạm lời hứa về bảo vệ môi trường.
Cũng trong cuộc trưng cầu, các cử tri cũng sẽ được hỏi về việc liệu có tái áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn Mỹ vì có thể còn dư lượng chất tạo nạc ractopamine.
Bà Thái đã dỡ bỏ lệnh cấm này từ tháng Một theo yêu cầu từ Mỹ và vì nhu cầu cần phải dỡ các rào cản thương mại để có thể trở thành thành viên của các khối thương mại trong khu vực.
Phe Quốc dân Đảng (Kuomintang - KMT) của Đài Loan kêu gọi áp lệnh cấm đối với mặt hàng này vì lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
Cuối cùng, tại sự kiện sắp tới, các cử tri sẽ quyết định có nên tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý trong tương lai vào cùng thời điểm tổ chức bầu cử hay không.
Theo KMT, động thái đó sẽ giúp cắt giảm chi phí nhưng chính quyền đảng Dân chủ Tiến bộ e ngại sẽ dẫn tới lộn xộn.
Dành tổng lực vận động vẫn không ăn thua
Biểu tình phản đối nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ diễn ra tại Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: AP
Dự kiến sẽ có gần 20 triệu người Đài Loan đủ điều kiện đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Theo quy định tại Đài Loan, một cuộc trưng cầu chỉ thành công khi có ít nhất ¼ trong tổng số người dân bỏ phiếu ủng hộ. Như vậy, các đề xuất trên cần ít nhất 5 triệu người bỏ phiếu mới được thông qua.
Quốc dân đảng đã tổ chức hàng trăm cuộc tuần hành, biểu tình trong khi chính quyền Đài Loan đã tổ chức một chiến dịch tổng động viên.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), ngoài tổ chức hàng trăm phiên họp để vận động người dân bỏ phiếu phản đối các đề xuất này, giới chức đảng DPP bao gồm bà Thái Anh Văn cùng các quan chức khác từ chính quyền đã dành 2 tháng trực tiếp “vi hành” đi khắp Đài Loan vận động ủng hộ quan điểm của Đảng.
Chiến dịch tổng vận động tạo điều kiện cho chính quyền Đài Bắc giành được không ít sự ủng hộ. Một số cuộc khảo sát ý kiến gần đây nhất cho thấy, khoảng cách giữa những người ủng hộ và phản đối đang dần được thu hẹp.
“Trong giai đoạn cuối, gần như tất cả quan chức, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền đều xuống đường để bảo vệ chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Đài Loan”, bà Thái cho biết.
Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây nhất được trang tin địa phương ETtoday đăng tải, khoảng cách lớn nhất giữa ủng hộ/phản đối là trong vấn đề nhập khẩu thịt lợn (56% người ủng hộ tái áp đặt lệnh cấm và 37,6% người phản đối).
Trong khi đó, đề xuất nhà máy hạt nhân gần như sát nút với 45,3% người được hỏi ủng hộ và 48,6% phản đối.
Theo Chủ tịch Tổ chức Ý kiến Cộng đồng Đài Loan You Ying-lung, dù chính quyền Đài Loan thực hiện chiến dịch toàn diện nhưng kết quả khảo sát cho thấy mức độ ủng hộ không quá cao và họ đang phải đương đầu với thử thách rất khó khăn.
Qua nhận định của ông You, chính quyền Đài Loan chưa thực sự thuyết phục được người dân để có thể tạo ra kết quả khác biệt rõ rệt.
Cũng trong khoảng thời gian này, tỷ lệ ủng hộ của bà Thái đã giảm gần 8%, đồng nghĩa những nỗ lực để thuyết phục dư luận ủng hộ các chính sách của bà cũng sẽ bị giảm sút.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận