Trong nước

V-League 2018 chật vật tìm nguồn sống

08/01/2018, 10:53

V-League 2018 đang đứng trước thách thức khuyết nhà tài trợ sau khi Toyota Việt Nam rút lui...

24

Thời điểm này rất khó tìm một nhà tài trợ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền cho V-League 2018 (Trong ảnh: Trận đấu giữa CLB Quảng Nam và Hoàng Anh Gia Lai tại V-League 2017)

Khó khăn tìm tài trợ

V-League 2018 được ấn định khai mạc vào ngày 10/3 nhưng cho đến lúc này, yếu tố quan trọng nhất để vận hành giải đấu là tiền vẫn đang thiếu hụt. Việc nhà tài trợ chính Toyota Việt Nam rút lui sau 3 năm hợp tác đã đẩy Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vào thế khó. Nên nhớ, doanh thu trong ba mùa giải gần nhất của VPF chỉ là 395,8 tỷ đồng (đạt 92% kế hoạch đề ra 421 tỷ đồng). Riêng Toyota Việt Nam đã đóng góp 120 tỷ đồng (40 tỷ đồng/mùa). Ở chiều ngược lại, 3 mùa vừa qua, VPF chi 397 tỷ đồng. Như vậy, VPF đang “cháy túi” và nếu không sớm tìm được nhà tài trợ thay thế hãng xe ô tô Nhật Bản, đơn vị này khó lòng xoay xở để tổ chức V-League 2018.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VPF cho hay, ông và một số bộ phận liên quan đang tích cực đàm phán với các đối tác nhưng chưa muốn tiết lộ thông tin. “Thời điểm này khá nhạy cảm, chúng tôi muốn toàn tâm, toàn ý tìm kiếm nhà tài trợ đủ năng lực tài chính cho V-League 2018. Tôi xin phép được giữ kín thông tin vì nếu truyền ra ngoài, qua vài kênh khác nhau có thể bị lệch lạc, tác động không tốt tới quá trình đàm phán. Tới khi nào có được kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi đến dư luận”.

Cũng theo ông Tú, sở dĩ việc tìm nhà tài trợ cho V-League 2018 khó khăn là vì đa phần những nhãn hàng không muốn bỏ ra số tiền lớn. “Có nhiều đối tác muốn hợp tác nhưng họ chào mức giá thấp nên chúng tôi không thể đồng ý. Cần phải nói thêm rằng, giá trị thương hiệu của V-League rất lớn và VPF buộc phải cân nhắc khi lựa chọn”. Tuy nhiên, bình luận viên Vũ Quang Huy lại cho rằng, không phải bỗng dưng Toyota rút lui khỏi V-League. “Toyota vẫn gắn bó với Thái League và bỏ ra số tiền lớn hơn rất nhiều (110 tỷ đồng/mùa). Còn mối lương duyên giữa họ và V-League lại “đứt gánh”. Đây là điều những nhà làm bóng đá cần phải suy nghĩ nghiêm túc”.

Trông chờ vào may mắn

Chia sẻ thêm về giá trị thương hiệu của V-League, bình luận viên Quang Huy thừa nhận, thời điểm này, rất khó tìm một nhà tài trợ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền. “Trên thế giới, nhiều giải bóng đá được nhà tài trợ vây quanh vì giá trị mang lại lớn. Còn V-League, ai cũng thấy xấu xí, ít khán giả rồi có cả dàn xếp nên phải chấp nhận thực tế trầy trật tìm kiếm nguồn tiền”.

Mặc dù vậy, bình luận viên Quang Huy dự đoán, VPF vẫn sẽ có tiền để tổ chức giải. “Tôi thấy việc VPF tìm tài trợ giống như đi câu, nếu may mắn vẫn “câu” được con cá to. Thực tế, việc tài trợ cho thể thao ở Việt Nam lâu nay vẫn mang đặc thù nhất định. Doanh nghiệp tài trợ vì những mục đích nào đó chứ không đơn thuần là hiệu quả mang lại. Ví như, Eximbank từng tài trợ cho V-League trước Toyota là do có ông Lê Hùng Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank) nằm trong Thường trực VFF và muốn “cầm cờ” ở tổ chức này”, ông Huy phân tích.

“Còn một kênh nữa để VPF lựa chọn là kênh “chiến hữu”. Những lãnh đạo VPF đa phần đều có quan hệ rộng, đặc biệt là ông Trần Anh Tú. Họ có thể vận dụng những mối quan hệ thân thiết để đem về tài trợ cho V-League theo kiểu anh giúp tôi lần này, lần sau tôi lại giúp anh. Vì lẽ đó, tôi tin V-League 2018, bằng cách này cách khác, chắc chắn vẫn có doanh nghiệp đổ tiền vào”, tiếp lời bình luận viên Quang Huy.

Dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông Tống Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Midomax, đơn vị tài trợ cho nhiều cầu thủ đang thi đấu tại V-League phân tích: V-League về mặt chuyên môn khá tốt nhưng lại tồn tại nhiều hạn chế, trong đó vắng khán giả là nguyên nhân chính khiến hình ảnh giải đấu trở nên xấu xí. Tài trợ cho V-League phải bỏ ra số tiền lớn nhưng giá trị mang lại thì doanh nghiệp chưa nhìn thấy nên việc kém mặn mà cũng dễ hiểu.

Theo ông Tống Đức Thuận, nhờ sức hút của môn thể thao vua, V-League 2018 vẫn sống được nhưng về lâu về dài, những người làm công tác tổ chức cần thay đổi triệt để giải đấu nhằm kéo khán giả tới sân. “Khi đó giá trị V-League sẽ tự nâng lên và VPF không còn phải chật vật tìm tài trợ”, ông Thuận kết lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.