Bóng đá

V-League 2020 theo thể thức mới có gì đáng chờ đợi?

25/05/2020, 14:52

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nhiều khả năng thể thức mới sẽ giúp V-League 2020 gia tăng hấp dẫn.

img
V-League 2020 sắp trở lại cùng thể thức mới

V-League 2020 sẽ diễn ra theo thể thức mới ở phần còn lại của mùa giải. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nhiều khả năng thể thức mới sẽ giúp giải đấu số 1 Việt Nam gia tăng hấp dẫn.

Không phải tối ưu nhưng các đội cần thích nghi

Theo thông báo chính thức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), V-League 2020 sẽ chính thức trở lại từ ngày 5/6. Thể thức của giải cũng sẽ thay đổi nhằm rút ngắn về mặt thời gian tổ chức.

Theo đó, từ ngày 5/6 - 2/8, 14 đội sẽ đá giai đoạn 1 vòng tròn một lượt (13 vòng đấu). Sau đó, ở giai đoạn 2, sẽ có 8 đội thứ hạng cao nhất gom thành nhóm cạnh tranh các danh hiệu nhất, nhì, ba. 6 đội cuối bảng sẽ thi đấu để tránh suất xuống hạng. Cả hai nhóm đều đá vòng tròn một lượt. Giai đoạn 2 dự kiến diễn ra từ ngày 14/8 - 25/10.

Sở dĩ VFF, VPF phải thay đổi thể thức thi đấu như vậy nhằm rút ngắn thời gian tổ chức, đảm bảo cho kế hoạch của đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2020 và vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Thể thức cũ gồm 26 vòng đấu trong khi thể thức mới tối đa chỉ có 20 trận với nhóm tranh chức vô địch và 18 trận với nhóm tránh xuống hạng.

Nhiều ý kiến lo ngại, thể thức mới sẽ khiến V-League kém hấp dẫn, có nhiều trận đấu kiểu “xin - cho”. Cụ thể, nếu một đội đã đủ điểm vào top 8, dù giai đoạn 1 chưa kết thúc sẽ không cần thi đấu hết sức. Hay như nếu khoảng cách giữa đội đầu bảng và đội thứ 8 quá lớn, đội thứ 8 sẽ không có động lực phấn đấu. Tương tự, nếu đội cuối bảng và đội thứ 9 chênh nhau lớn về điểm số, đội thứ 9 dĩ nhiên không cần phải căng sức để lo trụ hạng.

Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh thì cho rằng, thi đấu theo thể thức mới không đảm bảo được sự công bằng cho tất cả các đội. “Có đội đá 20 trận nhưng có đội lại chỉ chơi 18 trận. Tôi chỉ nói đến tiền bán vé thôi, nhóm đá 18 trận đã không hài lòng. Thêm nữa, chuyện sân nhà, sân khách cũng rất rắc rối. Tôi ví dụ như có đội ở giai đoạn 1 chỉ đá 6 trận sân nhà, lẽ thường họ sẽ có 7 trận sân nhà ở giai đoạn sau, đảm bảo 13 trận sân nhà/mùa. Nhưng khi áp dụng thể thức mới, đội đó có thể tiếp tục chịu thiệt thòi ở giai đoạn 2, được đá sân nhà ít hơn nếu điểm số thấp so với các đội cùng nhóm”, ông Vinh phân tích.

Theo ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh, thể thức mới đương nhiên không thể tối ưu như thể thức cũ nhưng trong bối cảnh hiện tại, các đội bóng cần phải thích nghi. “Khi bị cắt bớt vòng đấu thì đương nhiên giải sẽ mất đi phần nào sự hấp dẫn. Thêm nữa, thể thức League thông thường phải là vòng tròn hai lượt, như vậy mỗi đội sẽ đảm bảo gặp nhau 2 lần. Còn đá theo hình thức mới công bố, sẽ có những đội chỉ gặp nhau 1 lần nếu không nằm chung nhóm ở giai đoạn 2”, ông Hùng nói.

Giữa mùa Covid-19, phương án rút ngắn là hợp lý

Nói là vậy nhưng các nhà chuyên môn đều đồng tình rằng, thể thức mới tại V-League 2020 có nhiều điều đáng để chờ đợi. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA cho rằng, đá theo cách mới sẽ khiến V-League trở nên kịch tính hơn trong cả hai giai đoạn: “Ở giai đoạn 1, các đội buộc phải nỗ lực để có thứ hạng tốt, tích lũy điểm nhằm chiếm lợi thế ở giai đoạn 2. Trong khi đó, tới giai đoạn 2, cuộc đua ở mỗi nhóm sẽ thu hẹp lại, có sự phân hóa rõ ràng nên càng hấp dẫn. Nhóm đua vô địch sẽ gồm 8 đội mạnh, sẽ không có các trận đấu chênh lệch quá lớn về phong độ, trình độ. Nhóm trốn xuống hạng cũng sẽ sàn sàn như nhau, yếu tố so kè vì thế sẽ tăng cao”.

Về lo ngại ở mỗi nhóm sẽ có đội thả lỏng khi không thể phấn đấu hoặc đã đủ điều kiện an toàn, ông Nguyễn Hồng Thanh khẳng định: “Các CLB giờ đều do doanh nghiệp tài trợ, quản lý theo hình thức công ty cổ phần nên không thể thi đấu hời hợt được. Thành tích tốt thì mùa sau mới có tài trợ, bằng không có thể bị cắt. Tôi tin thực lực khác nhau nhưng mỗi đội đều sẽ nỗ lực đến cùng cho mục tiêu của mình”.

Thực tế cũng cho thấy, những mùa giải gần đây, sau giai đoạn lượt đi, khoảng cách giữa các đội không quá chênh lệch. Mùa 2017, đội xếp thứ nhất Thanh Hóa chỉ hơn đội đứng thứ tám 5 điểm (23-18). Mùa 2018, đội đứng thứ 9 (SHB Đà Nẵng) và đội bét bảng (Nam Định) chỉ hơn kém nhau 7 điểm. Tới mùa 2019, TP HCM dù vô địch lượt đi cũng chỉ hơn SHB Đà Nẵng 9 điểm. Trong khi đội cuối bảng Sanna Khánh Hòa kém đội đứng thứ 9 (Viettel) 8 điểm. Điểm số ở hai đầu bảng xếp hạng không chênh lệch nhiều sẽ giúp tính cạnh tranh tại giai đoạn 2 gia tăng.

Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh thì nhìn nhận, cuộc đua vô địch có thể không hấp dẫn bằng màn chạy trốn suất xuống hạng. “8 đội cạnh tranh cho ba vị trí dẫn đầu theo tôi chỉ thực sự hấp dẫn nếu kết quả không ngã ngũ sớm. Các đội nếu đứng các vị trí 5, 6, 7, 8 thì không có gì khác biệt nên họ dễ buông. Còn ở nhóm dưới, chỉ có 6 đội cạnh tranh nhau, mà đội nào cũng cần điểm cả nên khó xảy ra tình trạng xin cho. Nôm na là dù muốn sẽ không thể có những chiếc phao cứu sinh từ các đội đã đủ điểm ở nhóm trên ném xuống”, ông Vinh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.