Thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023 là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm), trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang.
Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được lực lượng chức năng triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Ảnh: Tạ Hải.
Nhờ triển khai quyết liệt của lực lượng công an, đến nay, người dân cũng đang dần hình thành văn hoá "đã uống rượu bia không lái xe", góp phần quan trọng kéo giảm TNGT liên quan đến rượu bia, đặc biệt là trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 3/1/2023, tổng số lượt bệnh nhân khám, cấp cứu TNGT có 487.841 trường hợp, trong đó số trường hợp TNGT có nồng độ cồn trong máu là 60.038 trường hợp, một con số rất đáng suy nghĩ.
Sử dụng rượu bia, chất kích thích tham gia giao thông khi gây tai nạn sẽ để lại hậu quả rất lớn. Do đó, năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc cần tiếp tục duy trì ra quân quyết liệt xử lý các vi phạm này, góp phần kéo giảm TNGT, đảm bảo ATGT cho mọi người, mọi nhà.
Việc xử lý quyết liệt là một chuyện, quan trọng là cần nâng cao nhận thức của người dân, để vi phạm nồng độ cồn phải được ngăn ngừa ngay từ đầu. Vì nói cho cùng, xử lý vi phạm là khi chuyện đã rồi.
Trước đây, đâu đó chúng ta vẫn thấy những ý kiến thắc mắc việc xử phạt vi phạm của lực lượng CSGT, tuy nhiên chưa có trường hợp nào thắc mắc đối với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, trừ những trường hợp quá say, không làm chủ được hành vi của mình.
Theo tôi, chế tài hiện nay đã đủ răn đe, quan trọng là phải làm nghiêm, liên tục, không ngừng nghỉ. Điều này đã và đang được lực lượng CSGT triển khai quyết liệt, hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, không có vùng cấm, không du di bất kỳ trường hợp nào.
Khi việc xử phạt được thực hiện trên tinh thần không có vùng cấm, không thể can thiệp; đồng thời thông báo tới đông đảo nhân dân được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn về lâu dài, số lượng vi phạm lỗi nồng độ cồn sẽ giảm đi. Thói quen, văn hóa giao thông mới sẽ có điều kiện hình thành trở lại.
Hiện nay, có nhiều thông tin về việc ra quân xử phạt của lực lượng CSGT toàn quốc, tuy nhiên việc tuyên truyền trong nội bộ các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp cũng nên được chú trọng.
Theo tôi, phòng chống tác hại rượu bia cần đi sâu vào từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí là từng dòng họ, gia đình. Từ đó, xây dựng thói quen, văn hoá giao thông "đã uống rượu bia, không lái xe".
Mỗi doanh nghiệp, cơ quan tổ chức nên có kế hoạch an toàn giao thông riêng, có thể gắn liền với nội quy đơn vị để người lao động chấp hành. Tuyên truyền phải gắn với hành động cụ thể, từ đó, mỗi cá nhân phải trở thành một người tham gia giao thông gương mẫu.
Nếu mỗi khi ra đường, người dân nào cũng có ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT, ý thức được sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh, chắc chắn khi đó tai nạn giao thông sẽ được giảm thiểu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận