Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề xuất cơ quan có thẩm quyền bỏ ngay 6 quỹ, trong đó có Quỹ Bảo trì đường bộ. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư cho biết, đây mới chỉ là đề xuất của đoàn giám sát. Tuy nhiên, trong trường hợp quỹ dừng hoạt động, chủ phương tiện vẫn phải nộp phí theo Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2015.
Góp phần giảm sâu TNGT
Thưa ông, Quỹ Bảo trì đường bộ thành lập trên cơ sở nào và theo những văn bản quy phạm pháp luật nào?
Trong số 6 quỹ mà Đoàn giám sát đề xuất hủy bỏ, có quỹ thành lập theo Luật, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, theo quyết định của cấp, ngành… Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thành lập quỹ hiện nay cũng chưa có nguyên tắc và quy định thống nhất. Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư được thành lập đúng nguyên tắc trên cơ sở hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất như: Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng.
Tại thời điểm thành lập, Quỹ Bảo trì đường bộ phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành gồm: Luật Ngân sách 2002 (nay là Luật Ngân sách 2015), Pháp lệnh Phí và lệ phí 2001 (Nay là Luật Phí và lệ phí 2015).
Theo quy định Quỹ Bảo trì đường bộ là Quỹ Nhà nước nằm ngoài ngân sách, hoạt động theo cơ chế Hội đồng, không phải nộp vào ngân sách nhưng được giám sát như đối với nguồn vốn ngân sách. Nghĩa là nguồn vốn được quản lý qua hệ thống Kho bạc. Hàng năm được Bộ GTVT, Bộ Tài chính thẩm định quyết toán, mọi hoạt động được kiểm tra giám sát bởi hệ thống Thanh tra Tài chính, Kiểm toán Nhà nước...
Mục đích và sự cần thiết của việc lập Quỹ Bảo trì đường bộ là gì, thưa ông?
Thời điểm trước năm 2013 khi chưa có Quỹ Bảo trì đường bộ, hàng năm nguồn vốn dành cho công tác này được cấp từ ngân sách Nhà nước với số tiền mỗi năm khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Số tiền quá ít ỏi này không đáp ứng được nhu cầu bảo trì đường bộ (đáp ứng khoảng 17-20% nhu cầu bảo trì đường bộ), đảm bảo ATGT nên mới thành lập ra Quỹ Bảo trì đường bộ với tiêu chí là huy động từ xã hội nguồn vốn dành cho công tác này một cách ổn định, lâu dài, phục vụ tốt bảo trì đường bộ, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.
Thay vì trước kia mỗi năm ngân sách cấp vài nghìn tỷ đồng cho công tác bảo trì đường bộ, từ sau khi có quỹ tới nay, nguồn thu của Quỹ cộng với ngân sách cấp bù đã đạt trên dưới 10.000 tỷ đồng.
Qua hơn 5 năm hoạt động, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Quỹ Bảo trì đường bộ?
Tại hội nghị Tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ (2012 - 2017), hầu hết ý kiến các tỉnh, thành đều thống nhất Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư hoạt động rất hiệu quả, đã giữ được hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (500.000 km đường địa phương và 20.000km đường quốc lộ), sửa chữa được hàng nghìn cây cầu, hàng chục nghìn km đường, giảm thiểu hàng nghìn điểm đen TNGT…
Điều quan trọng là từ khi Quỹ thành lập từ năm 2013 đến nay, TNGT liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, đến nay số người chết do TNGT chỉ còn trên 8.000 người. Nếu như nhìn lại các năm trước đó, mỗi năm có khoảng trên 12 nghìn người chết do TNGT mới thấy hết được tính hiệu quả của Quỹ Bảo trì đường bộ. Hiện nay công tác bảo trì đường bộ, góp phần đảm bảo ATGT đã cơ bản đạt được đúng như mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.
Chủ phương tiện vẫn phải nộp phí
Trước đề nghị của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc kiến nghị cụ thể bãi bỏ các quỹ có thể sẽ gây rối loạn xã hội với những tác động chúng ta chưa lường hết được... Nhưng như ông nói ở trên thì Quỹ Bảo trì đường bộ đang hoạt động rất hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân vì sao khiến đoàn giám sát đưa ra đề nghị như vậy?
Đoàn giám sát có đề nghị một số quỹ dừng hoạt động vì một trong các lý do: Hoặc hoạt động không có hiệu quả, hoặc chưa đi vào hoạt động và chưa triển khai nhiều nội dung công việc; chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính hoặc có hoạt động thu chi trùng với hoạt động thu chi của ngân sách.
Việc đề nghị dừng hoạt động Quỹ Bảo trì đường bộ là do Bộ Tài chính và đoàn giám sát cho rằng Quỹ chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính và có hoạt động thu chi trùng với hoạt động thu chi của ngân sách. Nguyên nhân là do năm 2015, Pháp lệnh Phí và lệ phí được nâng lên thành Luật Phí và lệ phí. Luật này quy định, tất cả các khoản phí và lệ phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy, phí sử dụng đường bộ cũng phải nộp vào ngân sách.
Thứ hai là Luật Ngân sách ra đời quy định các Quỹ nằm ngoài ngân sách phải tự cân đối được thu chi và hoạt động độc lập với ngân sách. Quỹ Bảo trì đường bộ không đảm bảo được yếu tố này vì nguồn thu mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu bảo trì đường bộ. Thêm nữa, việc thu phí của Quỹ đã nộp vào ngân sách (trùng với hoạt động thu của ngân sách). Vì vậy, nguyên nhân duy nhất khiến đề xuất dừng hoạt động Quỹ Bảo trì đường bộ đó là Quỹ chưa hoàn toàn tự chủ về tài chính và hoạt động trùng với hoạt động của ngân sách. Đoàn giám sát cho rằng hiện nay Quỹ không còn phù hợp với các quy định mới ban hành của pháp luật.
Vậy trong trường hợp bãi bỏ quỹ thì chủ phương tiện có phải nộp phí nữa hay không, thưa ông?
Đây mới chỉ là đề xuất, Thường vụ Quốc hội chưa có kết luận về việc này. Sau khi Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giám sát thì các cơ quan liên quan sẽ căn cứ vào Nghị quyết để thực hiện các bước tiếp theo.
Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đã được quy định theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015 của Quốc hội. Như vậy, việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không có nghĩa là không phải đóng phí sử dụng đường bộ. Việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ mang tính chất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành.
Việc đóng phí sử dụng đường bộ của người dân và doanh nghiệp vẫn thực hiện theo luật và tiếp diễn bình thường tại các trung tâm đăng kiểm. Phí sử dụng đường bộ sẽ được Cục Đăng kiểm tổng hợp nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Ngân sách sẽ cấp lại cho Bộ GTVT phục vụ cho hoạt động quản lý bảo trì đường bộ. Như vậy, đề nghị bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ đơn thuần là việc điều chỉnh lại phương thức cấp nguồn kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ để được thực hiện đúng theo Luật Ngân sách Nhà nước và không làm ảnh hưởng đến công tác thu phí sử dụng đường bộ.
Liệu đề xuất dừng này có hợp lý khi mà số lượng phương tiện ngày một gia tăng, khi đó có thể quỹ sẽ tự cân đối được thu chi?
Mục tiêu của Quỹ là sẽ tự cân đối được hoạt động và không cần sự hỗ trợ của ngân sách. Trong báo cáo Thủ tướng về tổng kết 5 năm hoạt động, trong đó dự kiến năm 2025, Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ tự cân đối được nhu cầu bảo trì đường bộ. Hàng năm, số lượng phương tiện tăng trưởng khoảng 5 - 10%, như vậy số phí Quỹ thu được cũng sẽ tăng trưởng tương ứng. Thêm nữa, do việc bảo trì đường bộ ngày càng đảm bảo chất lượng, các tuyến đường được bảo vệ tốt hơn, sẽ phải bỏ ít tiền hơn cho bảo trì đường bộ nên dự kiến đến năm 2025, Quỹ Bảo trì sẽ tự cân đối được, ngân sách không phải cấp bù.
Đó là tương lai, còn hiện tại do Luật Ngân sách 2015 đã ban hành thì căn cứ lớn nhất để đoàn giám sát đưa ra kiến nghị là căn cứ vào Luật này. Vì vậy, những Quỹ đang bị Luật Ngân sách điều chỉnh sẽ phải bãi bỏ. Trong khi chưa có quyết định chính thức của cơ quan chức năng, việc thu chi Quỹ vẫn hoạt động bình thường. Bộ GTVT đang chờ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc giám sát các Quỹ. Căn cứ nội dung Nghị quyết này, Bộ GTVT sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận