Có doanh nghiệp mở được vài ngày rồi phải tạm dừng vì không có khách; có doanh nghiệp cố cho xe chạy nhưng càng chạy càng lỗ mà không biết phải nên thế nào.
Càng chạy càng lỗ, đến khách cũng thương cảm!
Sáng 9/11, có mặt tại các bến xe lớn ở Thủ đô như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sau gần một tháng Hà Nội mở lại vận tải khách liên tỉnh, PV Báo Giao thông chứng kiến quang cảnh vắng lặng, đìu hiu.
Hiện, lượng xe vào bến xe Giáp Bát (Hà Nội) chỉ đạt khoảng 10% (tương đương với 100 phương tiện và 500 khách/ngày) so với trước đây. Ảnh: Tạ Hải
9h30 sáng, tại bến xe Giáp Bát, lượng xe trong bến có khoảng 70 xe đi các tỉnh đang chờ khách, chỉ bằng 1/3 so với ngày bình thường. Trực tiếp khảo sát trên nhiều chuyến xe, PV nhận thấy mỗi xe lác đác có vài khách, thậm chí có xe không có khách nào.
Tại bến xe Mỹ Đình, khoảng 20 ngày nay, lái xe Đoàn Minh Thành, nhà xe Bắc Sơn chạy tuyến Hà Nội - Sơn La luôn trong tình cảnh đỗ xe ở bến ngóng khách.
“Mỗi chuyến chỉ có vài ba hành khách. Không chạy thì không có việc, nhưng càng chạy càng lỗ. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp không tiếp tục được nữa”, anh Thành nói.
Tương tự, nhiều nhà xe ở đây cho biết, họ đang phải đối mặt với nguy cơ tạm dừng do thu không đủ bù chi. Một lái xe tên Hoàng, nhà xe Thanh Tùng chạy tuyến Nam Định than: “Xe của chúng tôi chờ gần 2 tiếng, đến khi sắp phải xuất bến trên xe vẫn “rỗng”. Tình hình kéo dài, chúng tôi sẽ tạm nghỉ, chứ tiền vay ngân hàng bỏ ra mà toàn lỗ trong khi xăng tăng giá, tiền bến bãi, phơi lệnh, cầu đường vẫn phải nộp. Không những vậy, xe dù vẫn hoạt động nhan nhản ngoài đường. Nhiều hành khách điện cho nhà xe nhưng chưa kịp đến xe dù đã đón mất”.
Tình cảnh của các nhà xe khiến không ít hành khách thương cảm. Chị Đỗ Thị Vân, quê Đồng Văn (Hà Nam) chia sẻ, chị ngày nào cũng đi xe khách lên Hà Nội để giao thịt lợn sạch từ quê cho một số nhà hàng.
“Các tuyến xe tôi đi đều vắng khách lắm. Nhớ nhất vào chiều hôm qua, nhà xe Nho Quan đi Ninh Bình xuất bến lúc 11h trưa nhưng từ Giáp Bát đến khi tôi xuống, chỉ có tôi là khách hàng duy nhất. Thấy thế, tôi cũng thương nhà xe, bình thường hành trình đi giữa tuyến của tôi chỉ hết 30.000 đồng nhưng tôi đã gửi nhà xe cả 50.000 đồng”, hành khách Vân bộc bạch.
Khoảng 50% tài xế taxi đã nghỉ việc
Trong tình cảnh đó, nhiều nhà xe bắt buộc cắt giảm nhân sự, phục vụ “3 trong 1”, ông chủ xe khách kiêm luôn lái, phụ xe.
Anh Nguyễn Xuân Thanh, chủ chiếc xe khách BKS 30U-74.01 thuộc nhà xe Tiến Đạt, chạy lộ trình bến xe Giáp Bát - Yên Thủy (Thanh Hóa) cho biết: “Xe chạy từ ngày 28/10 đến nay nhưng đa phần bị lỗ từ 500.000 - 1.200.000 đồng/chuyến, có vài hôm lãi được 300.000 - 500.000 đồng vì chở hàng hóa bù vào. Sợ mất mối hàng quen nên dù lỗ vẫn phải chạy và tôi tự lái xe thay vì thuê lái, phụ xe như trước”.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, hiện lượng xe vào bến chỉ đạt khoảng 10%, tương đương với 100 phương tiện và 500 khách/ngày. Nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động hoặc hoạt động cách nhật, các xe khách hoạt động ở bến đều vắng khách.
Tại bến xe Nước Ngầm, hiện trong sân bến chỉ có khoảng gần 30 xe khách hoạt động thay vì hơn 200 xe như trước. Lãnh đạo bến xe này cho biết, do nhiều nhà xe hoạt động nhưng không có khách nên đã xin tạm thời bỏ lốt. “Chúng tôi đã giảm phí bến bãi nhưng ít khách, không bù lỗ được nên họ tạm nghỉ”, lãnh đạo bến xe Nước Ngầm chia sẻ.
Những ngày gần đây, Hà Nội và một số địa phương ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Điều này tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến vận tải hành khách.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho hay, khi thành phố cho phép mở lại vận tải khách liên tỉnh, doanh nghiệp đã lên phương án chạy 12 xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, chỉ chạy được vài ngày thì phải dừng hoạt động vì không có khách.
“Một vòng xe từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại mất 700.000 đồng phí BOT, xăng dầu 1,5 triệu đồng. Nếu một chuyến xe có 10 khách thì không đủ trả hai loại chi phí này. Đó là chưa kể lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng, khiến doanh nghiệp không cầm cự được”, ông Hải nói.
Một nguyên nhân khác khiến vận tải khách ế ẩm là phải hoạt động tuân theo cấp độ dịch, nếu địa phương đang nằm trong vùng đỏ hoặc vùng cam sẽ đóng cửa vận tải. Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên cho biết: “Chạy được vài ngày thì thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) bùng phát dịch, chuyển từ màu xanh sang màu vàng nên phải dừng hoạt động vận tải. Xe khách liên tỉnh Hà Nội - Quảng Ninh hầu như mỗi chuyến chỉ có vài người, càng chạy càng lỗ”.
Liên quan loại hình vận tải taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, lượng khách bằng khoảng 30% so với thời điểm chưa có dịch.
Tuy nhiên, hiện đa số các hãng taxi đang thiếu lái xe nghiêm trọng, do nghỉ dịch dài ngày nên có khoảng 50% số lái xe đã nghỉ việc, chuyển công việc khác. Thêm nữa, giá xăng dầu tăng đột biến, trong khi doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh ngay giá cước.
Gỡ khó cách nào?
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, tính đến thời điểm này, người dân đi lại đã thuận tiện hơn giữa Hà Nội và hơn 20 tỉnh, thành. Tuy nhiên, lượng khách đi lại bằng xe khách liên tỉnh cố định rất ít, nhiều chuyến xe chỉ có 2 - 3 hành khách, thậm chí chạy rỗng, không đủ bù lỗ, dù rất muốn chạy xe.
“Sở đã kiến nghị TP nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp cụ thể như: Giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định”, vị lãnh đạo Sở GTVT cho biết.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố cần rà soát lại việc tổ chức hoạt động của các chốt kiểm soát dịch (điểm kiểm tra y tế) trên các tuyến giao thông của địa phương để đảm bảo trật tự ATGT, không gây ách tắc và kiểm soát dịch hiệu quả.
Việc kê khai y tế đối với người về từ địa phương khác nên được kiểm soát chặt chẽ tại các cấp cơ sở (tổ dân phố; phường, xã) để có thể truy vết, tránh việc ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ lấy nhiễm tại các chốt.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Trong những ngày cuối tháng 10, Bộ GTVT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra việc mở lại vận tải tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam.
Đánh giá về kết quả kiểm tra, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Bộ GTVT cho biết, sở GTVT các tỉnh, thành phố đã triển khai theo Nghị quyết số 128 ngày của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc triển khai ở nhiều địa phương chưa đồng bộ
Dẫn chứng cụ thể, ông Hùng cho biết, tại các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc chưa có điểm khai báo y tế, quét mã QR tại bến xe và trên phương tiện kinh doanh vận tải để quản lý hành khách. Nhiều tỉnh sử dụng phần mềm khai báo y tế, khai báo lịch trình di chuyển nội địa khi người dân ra, vào tỉnh, thành phố chưa thống nhất.
“Việc phân làn, phân luồng phương tiện vận tải tại chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ một số tỉnh vẫn còn tình trạng lộn xộn. Người dân, lái xe vận tải tốn nhiều thời gian khai báo y tế, gây ùn tắc, mật độ phương tiện cao, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, các địa phương cho rằng, Bộ GTVT cần có kiến nghị với Bộ TT&TT bổ sung chức năng trên phần mềm PC-Covid khởi tạo một mã QR Code chung để khai báo y tế cho lái xe, hành khách trên cùng một phương tiện kinh doanh vận tải. Khi qua chốt kiểm soát dịch chỉ cần quét một mã QR thì có đầy đủ thông tin tất cả hành khách, tránh việc phải xuống xe để kê khai tại chốt. Việc này nhằm quản lý lịch trình di chuyển của hành khách, đảm bảo an toàn, linh hoạt phòng, chống dịch.
“Sau thời gian dài tạm ngừng khai thác, nhiều doanh nghiệp vận tải khách rơi vào tình cảnh thiếu lái xe, thiếu vốn lưu động, lãi vay ngân hàng quá hạn. Điều này ảnh hưởng lớn đến khôi phục lại hoạt động vận tải. Vì vậy, địa phương kiến nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ”, ông Hùng thông tin.
Cũng theo ông Hùng, hai đoàn kiểm tra đã ghi nhận những kiến nghị của các địa phương. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực theo đúng Quyết định số 4800 ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế và các Quyết định số 1811, 1812 ngày 16/10/2021 của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, sở GTVT tham mưu với UBND cấp tỉnh cho hoạt động trở lại vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô đối với các địa phương đã công bố cấp độ dịch “vùng xanh” theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo việc lưu thông hàng hóa được thông suốt, không ách tắc, đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, sở GTVT các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh triển khai ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; tiếp tục thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức hoạt động vận tải gắn liền công tác chuẩn bị phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2022.
Ngày 9/11, ghi nhận của PV tại bến xe Miền Đông, TP.HCM cho thấy, chỉ lác đác khách ra vào. Khách đến bến phần lớn là gửi, nhận hàng hóa.
Ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, hiện trung bình có khoảng 130 chuyến/ngày nhưng mỗi xe chỉ từ 5 - 6 hành khách. Có 15 địa phương đã kết nối hoạt động vận tải liên tỉnh với TP.HCM, tuy nhiên khách hầu như không có.
Trong khi đó, tại bến xe Miền Tây, lượng khách ra - vào bến cũng không khá hơn. Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc bến xe Miền Tây cho biết, từ ngày hoạt động trở lại khách ra - vào bến vẫn vắng. Ngày 8/11, có 77 xe đến bến với 248 khách; có 82 xe xuất bến với 481 khách. Đến nay, bến xe có 17 tỉnh kết nối trở lại, 9 tỉnh chưa thống nhất hoạt động.
Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận