Bộ GTVT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực sau nới lỏng giãn cách xã hội (có hiệu lực từ ngày 1/10), trong đó quy định rất rõ các nguyên tắc.
Tuy nhiên, cho đến nay các địa phương vẫn tỏ ra rất thận trọng và hầu như chưa có thay đổi gì so với trước khi có hướng dẫn. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không thay đổi, các hoạt động kinh tế xã hội trong điều kiện “bình thường mới” sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Sau một tuần Bộ GTVT có hướng dẫn về vận tải, vận tải khách liên tỉnh vẫn không có sự chuyển động, dù nhiều tỉnh, thành đã là vùng xanh (Trong ảnh: Xe khách đường dài nằm “dãi nắng, dầm mưa” tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải
“Vẫn đang nghiên cứu, đề xuất”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh rất ủng hộ kế hoạch hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT.
“Điều này là cần thiết nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Hiện, Lạng Sơn đang tích cực triển khai, từng bước cho phép hoạt động trở lại”, ông Huyên nói.
Ông Trần Văn Long, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, Thái Nguyên đã triển khai hoạt động vận tải theo hướng dẫn của Bộ GTVT, cho phép khai thác nhiều tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh với một số tỉnh vùng xanh.
Tuy nhiên, Lạng Sơn và Thái Nguyên chỉ là một số rất ít trong số các địa phương sớm triển khai thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT để nối lại hoạt động vận tải khách, với nhiều lý do khác nhau.
Tại Hải Phòng, đại diện Sở GTVT TP cho biết, hiện mới “đang nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho thành phố”. Hiện tại, Hải Phòng vẫn đang dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh.
Tương tự, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, hiện một số quy định kiểm soát của tỉnh cao hơn hướng dẫn.
Do đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh cho phù hợp với hướng dẫn của Bộ GTVT và tình hình thực tiễn ở địa phương.
Tại Nghệ An, hiện tất cả các huyện, thị xã (trừ 1 số xã, phường ở huyện Nghi Lộc và TX Cửa Lò giãn cách theo Chỉ thị 16) đều đã chuyển về trạng thái bình thường mới hoặc chỉ còn giãn cách theo Chỉ thị 19. Tuy nhiên, suốt 1 tuần qua tỉnh này vẫn chưa cho phép xe khách ngoại tỉnh hoạt động.
Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại các xe vận tải khách liên tỉnh vẫn chưa được phép hoạt động. Và tỉnh cũng chưa họp hay dự kiến thời gian cho xe khách liên tỉnh hoạt động lại”.
Tại Quảng Ngãi, hiện Sở GTVT tỉnh này cũng mới đang xây dựng nội dung hướng dẫn hoạt động vận tải trong 5 lĩnh vực theo hướng dẫn của Bộ GTVT để tham mưu với UBND tỉnh ra chủ trương áp dụng thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho biết, việc khôi phục hoạt động vận tải khách tuyến liên tỉnh vẫn đang “nghe ngóng”, phối hợp với địa phương có tuyến đến để có sự thống nhất.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng chưa có ý kiến chính thức về việc này nên có thể phải chờ thêm vài hôm nữa.
Tại Quảng Trị, ông Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở GTVT cũng đang xin ý kiến UBND tỉnh.
Còn tại Gia Lai, ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, tỉnh Gia Lai tiếp tục tạm dừng vận tải hành khách đường bộ đối với các tuyến liên tỉnh.
Với tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Đức Hương, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, tỉnh đang lên phương án vận tải đường bộ đối với vận tải hành khách tuyến liên tỉnh. Tuy nhiên, phương án này đang được các ngành góp ý.
Trên địa bàn TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP cho biết, trước mắt Sở xây dựng phương án vận chuyển hành khách liên vùng, trong đó có việc đi lại giữa TP.HCM với 4 tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Hiện, vẫn đang chờ ý kiến trả lời của các địa phương này.
Còn ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở vẫn đang tổng hợp ý kiến từ các Sở ngành liên quan để sớm có văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn mới về lưu thông để sớm áp dụng.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác như: Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An... Hiện nay, mới chỉ hoạt động vận tải nội tỉnh là được phép hoạt động.
Đại diện Sở GTVT địa phương cho rằng, với hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh phải chờ các tỉnh, thành phố thống nhất phương án đối lưu thì mới triển khai thực hiện...
“Không nên phòng dịch cầu toàn quá!”
Ngay trên địa bàn TP Hà Nội, hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt, có ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới nào, tuy nhiên thành phố tỏ ra rất thận trọng trong việc mở lại hoạt động vận tải khách, kể cả hoạt động vận tải nội đô.
Căn cứ theo kế hoạch của Bộ GTVT về các điều kiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất cho phép taxi được hoạt động trở lại theo sự giám sát chặt của các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được UBND thành phố chấp thuận.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, toàn bộ người dân đã được tiêm vaccine, việc cho phép taxi hoạt động là cần thiết.
“Doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động, chỉ chờ thành phố chấp thuận. Thành phố không nên phòng dịch kiểu “cầu toàn quá”, ông Hùng góp ý.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Taxi G7 kiến nghị: “Thời điểm này taxi hoạt động trên địa bàn thành phố là phù hợp, vì một số ngành hàng mở lại, nhu cầu của người dân tăng cao”.
Việc các đơn vị vận tải sốt ruột cũng là điều dễ hiểu, khi dịch đã được kiểm soát tốt tại nhiều địa phương, việc giãn cách được nới lỏng. Anh Nguyễn Văn Diện, chủ nhà xe Tân Minh Hà chuyên chạy tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An - Hà Nội cho biết: “Những ngày này, xe chúng tôi vẫn đang phải nằm bãi. Hỏi các Sở họ đều bảo chưa có văn bản của tỉnh thì chưa được chạy”.
Gần 2 tháng xe khách liên tỉnh buộc dừng hoạt động theo chỉ đạo của tỉnh để phòng dịch, các bến xe ở Nghệ An cũng đóng cửa. Cả trăm cán bộ nhân viên các bến xe không việc làm, không lương, họ mong mỏi từng ngày được đi làm trở lại.
Ông Trần Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: “Dù vùng xanh hay trạng thái bình thường mới, Sở chưa có văn bản thì chưa bến nào dám cấp lệnh cho xe liên tỉnh xuất bến cả. Chúng tôi hỏi thì Sở nói là đã có văn bản gửi các Sở GTVT của các tỉnh phía Bắc để đề nghị cho phép hoạt động với các nơi vùng xanh, khu vực chuyển trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên đến nay chưa rõ thế nào”.
Nhiều địa phương “sợ chịu trách nhiệm”?
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, nhiều địa phương có tâm ý lo ngại khi mở hoạt động vận tải sẽ bùng dịch trở lại và sợ chịu trách nhiệm.
Hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT đã quy định rõ các nguyên tắc. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng của lại là của địa phương.
Theo vị đại diện, đối với vận tải tuyến cố định, thẩm quyền quy định tại Nghị định 10 thì hai sở GTVT thống nhất tổ chức tuyến và công bố biểu đồ, lựa chọn doanh nghiệp và cho phép tuyến hoạt động mà không cần báo cáo UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, khi có dịch bệnh, vận tải phải kèm theo các điều kiện phòng chống dịch và quyết định của địa phương.
Vì vậy, hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT đã quy định rõ, sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu cho UBND cấp tỉnh quyết định có tổ chức vận tải trở lại hay không, hoạt động bao nhiêu % tần suất.
Trên cơ sở đó, các sở GTVT xây dựng kế hoạch chi tiết và thống nhất với các sở GTVT trình UBND tỉnh quyết định.
Các địa phương/vùng ở cấp độ 1, cấp độ 2 tương đương với Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19 phải tổ chức lại vận tải chứ không thể cấm như hiện nay. Hướng dẫn cũng quy định nguyên tắc, một hành trình hai điểm đến, xe đi từ vùng 1, vùng 2 không được dừng đón trả khách tại vùng 4...
“Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn có điểm tương đồng trong vận tải, nhiều địa phương trong vùng kết nối vận tải về đây. Cấp độ dịch của TP.HCM một ngày vẫn có hàng nghìn ca nhưng thành phố vẫn cho phép mở lại 20% tần suất hoạt động xe taxi. Hà Nội và TP.HCM là hai đầu mối vận tải quan trọng nên hoạt động vận tải các địa phương khác phụ thuộc phần lớn vào hai thành phố”, đại diện Vụ Vận tải nói.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, sở GTVT các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình phòng chống dịch của địa phương, chủ động lập kế hoạch chi tiết để mở lại vận tải khách liên tỉnh.
Trong đó, phải có sự trao đổi, thống nhất với sở GTVT địa phương đầu tuyến. Kế hoạch phải có sự phối hợp của các cơ quan địa phương như y tế, công an... Sau đó, báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương triển khai kế hoạch.
Cũng theo bà Hiền, kế hoạch mở lại vận tải của các địa phương cần có sự linh hoạt theo cấp độ chống dịch. Các sở GTVT xây dựng kế hoạch theo từng cấp độ để có phương án cụ thể khi các địa phương khác thay đổi cấp độ chống dịch.
“Nhiều tỉnh, thành phố e ngại khi mở lại vận tải sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, khi mở lại cần thận trọng và có thí điểm theo từng tuyến với tỷ lệ, tần suất xe thấp, số lượng khách trên phương tiện giãn cách phù hợp. Mở lại vận tải từng bước, rút kinh nghiệm dần để phòng chống tốt dịch bệnh”, bà Hiền nói.
8/11 địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa
Đến cuối giờ chiều 5/10, đã có 11 địa phương gửi văn bản góp ý về kế hoạch mở lại đường bay nội địa của Cục Hàng không VN.
Theo đó, có 8/11 địa phương cơ bản đồng ý với kế hoạch này. Các tỉnh: Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Thanh Hoá thống nhất với kế hoạch; tỉnh Nghệ An thống nhất đối với các chuyến bay từ Nghệ An đi/đến Hà Nội, TP.HCM với tần suất 2 chuyến/tuần; TP. HCM cơ bản thống nhất tần suất khai thác như kế hoạch. Riêng đối với đường bay TP.HCM - Hà Nội, UBND TP.HCM đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần.
Tỉnh Đắk Lắk cũng cơ bản đồng ý với Kế hoạch của Cục Hàng không VN. Tuy nhiên, tạm thời chưa thống nhất hoạt động lại đường bay Đắk Lắk - TP.HCM và ngược lại.
Hai địa phương Hải Phòng, Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đến Hải Phòng. Riêng Hà Nội đề nghị Cục Hàng không VN báo cáo Bộ GTVT về kế hoạch khai thác đi/đến Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh để lấy ý kiến TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận