Vận tải

Vận tải thủy lao đao trong "bão" Covid-19

10/04/2020, 13:30

Dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động vận tải khách bằng đường thủy suy giảm, vận tải hàng hóa cầm chừng khiến doanh nghiệp lao đao…

img
Tàu chở container chuẩn bị cập cảng thủy trên sông Đuống, Bắc Ninh

Tàu khách dừng hẳn, tàu hàng chạy cầm chừng

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả 3 tàu du lịch sông Hồng của Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng (Hà Nội), với sức chở 40-150 khách, giá trị lên tới 3 tỷ đồng chưa một lần rời bến Chương Dương vì không có khách.

Điều này chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, thu nhập cả năm của người lao động.

Ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng cho biết, thông thường tháng 2-3 là mùa cao điểm trong năm, mỗi tuần có 7-10 chuyến tàu du lịch, chiếm 1/3 doanh thu của cả năm.

Trước Tết Nguyên đán, có khách đặt trước nhiều chuyến, nhưng khi có thông tin dịch Covid-19 thì hủy hết, sau không có khách nào nữa.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm 2020, vận tải thủy gặp khó sau nhiều năm tăng mạnh.

Trong đó, lĩnh vực vận tải khách du lịch bị tác động nặng nhất do dịch Covid-19. Gần như toàn bộ hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa tạm ngưng hoạt động. Tới đây, cục sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế cụ thể để tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với DN.

“Bây giờ có lệnh cấm tập trung đông người, dừng hoạt động vận tải nên chưa biết khi nào tàu mới đón khách. Chúng tôi đang cho 30% nhân sự nghỉ không lương, sắp tới số người nghỉ có thể tăng lên 50%”, ông Thành nói và cho biết, doanh thu gần như không có, trong khi DN đang phải gánh thêm nhiều chi phí, trong đó có tiền thuê đất hơn 50 triệu đồng/tháng. Cùng đó là nhiều khoản khác như bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thuế doanh nghiệp, lương nhân viên.

Cũng trong lĩnh vực vận tải khách, từ tháng 3/2020 đến nay, hơn 100 tàu khách du lịch ở hồ thủy điện Hòa Bình đều dừng hẳn, hàng nghìn lao động không có việc làm, thu nhập. Một chủ tàu than vãn, năm trước vay mượn được hơn 1 tỷ để đóng tàu mới, nhưng chỉ chạy được 2 chuyến đã phải nghỉ, giờ không có việc nên không còn cách nào khác ngoài việc khất nợ.

Tất cả các tàu nghỉ hoạt động nên Cảng thủy du lịch Thung Nai - cảng lớn nhất ở đây, cũng phải đóng cửa theo. Giám đốc DN quản lý cảng này cho biết, hiện đơn vị chỉ duy trì 1-2 người thay nhau trực trụ sở, còn các lao động khác đều phải nghỉ không lương.

Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II tại Hòa Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả tàu du lịch đều neo đậu một chỗ khiến hàng trăm hộ gia đình không có việc làm, mất thu nhập.

Liên quan đến vận tải hàng hóa, ông Đỗ Văn Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải Hải Nam than, đơn vị có 5 tàu pha sông biển (tàu SB) chạy tuyến Bắc - Nam đang phải thay nhau nghỉ vì không có hàng và còn bị tàu biển chạy tuyến quốc tế quay về cạnh tranh.

“Mặt hàng sắt thép, bột đá, clinker và hàng tiêu dùng giảm khoảng 30%, lại thêm tàu biển chạy tuyến quốc tế không có việc, quay về hoạt động nội địa khiến các tàu SB gặp khó. Dù giảm giá cước 10-15% vẫn ít đơn hàng. Trung bình chi phí cho mỗi tàu nằm bờ khoảng 15 triệu đồng/ngày nên đơn vị buộc phải giảm 30% lương tất cả lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Ty cho biết.

Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty Vận tải Vũ Gia Tam cho biết thêm, bên cạnh việc ít hàng, giai đoạn này còn thêm khó khăn vì các cảng bốc dỡ hàng hóa rất chậm do dịch Covid-19. Việc này khiến thời gian quay vòng tàu tăng gấp đôi, chi phí tàu neo đậu tại cảng tăng thêm vài chục triệu mỗi chuyến.

“Dù doanh thu giảm nhưng chúng tôi buộc phải giữ nguyên lương thuyền viên để giữ người, nếu không sau này không có thuyền viên theo tàu. Nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi không biết xoay xở thế nào”, ông Ngọ nói.

Ông Phạm Đình Tuyến, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Hà Nội cho biết, khu vực Hà Nội có hơn 50 cảng, bến thủy hàng hóa, gần đây nhiều bến cát, sỏi giảm 40%, bến hàng hóa nông sản giảm 50% phương tiện, sản lượng hàng hóa.

“Một số bến không có hàng hóa, song cũng có trường hợp chủ bến không tiếp nhận phương tiện do lo ngại dịch Covid-19 nên cho nhân công bốc xếp tạm nghỉ”, ông Tuyến nói.

Mong giãn nộp thuế, nợ ngân hàng

img
Tàu pha sông biển cập cảng tại cảng bốc xếp tổng hợp trên sông Kinh Môn, Hải Dương

Ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I (Hải Phòng) cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thời gian chuyển tải hàng hóa rất chậm do thuyền viên phải cách ly 14 ngày. Trong khi đó, sản lượng vận tải của phương tiện vận tải thủy ven biển, tuyến nội địa giảm khá mạnh.

“Sản lượng vận tải hàng hóa tại một số khu vực trọng điểm như: Nhà máy Xi măng Phúc Sơn, thép Hòa Phát… giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Năm trước trung bình tổng sản lượng hàng hóa qua cảng, bến thủy khoảng 4,5 triệu tấn, giờ giảm còn khoảng 3,8 triệu tấn/tháng”, ông Dũng nói và đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ DN thủy vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy VN, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm cho biết, hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường thủy chỉ trong thời gian ngắn đã suy giảm tới 30%.

Khó khăn nhất là các tuyến vận tải nguyên vật liệu từ nhà máy đến tàu biển phục vụ xuất nhập khẩu, vận tải qua biên giới Campuchia bị kéo dài do thuyền viên sau mỗi chuyến đi về phải cách ly 14 ngày trên sà lan.

“Việc làm ít và vẫn phải trả lương, chi phí, thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí và đối với người lao động là gánh nặng lớn với DN. Nhà nước cần có đánh giá để chia sẻ khó khăn và có giải pháp hỗ trợ, trong đó có thể tính đến việc giãn, giảm nộp thuế, phí, lãi suất vay ngân hàng”, ông Liêm nói.

Đại diện Công ty Vũ Gia Tam cũng bày tỏ mong muốn có cơ chế cho DN được vay thêm vốn ngắn hạn, giãn thời hạn nộp thuế VAT, điều chỉnh giảm phù hợp hơn với chi phí lai dắt, cảng vụ… đối với phương tiện thủy hoạt động tại khu vực cảng biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.