Thi viết về GTVT

Vất vả đời thợ đóng tàu

22/01/2019, 09:02

Nghề đóng tàu thủy đòi hỏi tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ “sai một li, đi một dặm” nhưng môi trường làm việc lại vô cùng nặng nhọc, độc hại...

img
Anh Ngô Viết Hải (Công ty TNHH Đóng tàu Phà Rừng) cùng các anh em trong tổ bàn cách thực hiện các chi tiết để hoàn thiện tàu

Chui két, cheo leo dàn giáo

Nhiều lần có dịp đến thăm các đơn vị đóng tàu nên chúng tôi cảm nhận được sự vất vả cực nhọc của nghề đóng tàu thủy. Vào những ngày đông lạnh, gió biển rét cắt da thịt, những người thợ đóng tàu vẫn miệt mài làm việc. Còn những ngày hè, trong cái nóng hầm hập của nhà xưởng, công nhân các phân xưởng vẫn phải hối hả, nơi cắt tôn, thép; nơi hàn, mài gia công các block; nơi lắp ráp, hoàn thiện các chi tiết con tàu…

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổ trưởng tổ Lắp 1 - Phân xưởng Vỏ 4, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm chau chuốt lại một con tàu khách cao tốc trong xưởng. Lúc ông chui vào khoang tàu tối om, loay hoay lắp thiết bị, hàn, rồi ngắm nghía mối hàn. Không hài lòng, ông tiếp tục chỉnh sửa; lúc ông lại ra boong tàu chuẩn bị vật tư, thiết bị. Trong mớ âm thanh hỗn độn đinh tai nhức óc bởi tiếng búa chát chúa, tiếng hàn xì, tiếng máy móc vận hành trong xưởng, ông Điệp chia sẻ: “Làm thợ đóng tàu thủy, đòi hỏi anh em không những phải có tay nghề mà còn phải khéo léo, làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, vì chỉ sai một li, đi một dặm ngay. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo tàu ra khơi an toàn”.

Khi con tàu đã nên dáng nên hình thì lớn như sàn tàu, nhỏ như cái bu lông, ốc vít, anh em đều phải kiểm tra, lắp ráp hoàn thiện. Khói, bụi, tiếng ồn, cũng phải chịu, phải quen hết mà tập trung cho công việc. Trong xưởng còn đỡ, khi nào đấu đà, lắp tổng thành ngoài triền còn vất vả hơn nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Điệp
Tổ trưởng Tổ Lắp 1 - Phân xưởng Vỏ 4 của Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm

Đến thăm các công ty đóng tàu, chúng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh những người thợ đóng tàu “ủ kín” từ đầu đến chân trong bộ trang phục bảo hộ lao động, cheo leo trên giàn giáo dưới cái nắng, cái nóng hầm hập. Họ đang hoàn thiện tàu chở dầu cho đối tác Hàn Quốc. Anh Ngô Viết Hải, Tổ sắt hàn 7, phòng Vỏ 2, Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết, được “đứng” như vậy vẫn còn tốt chán vì ngoài trời, thoáng khí. Khi đấu đà, ghép nối các block trên triền để hình thành con tàu hoàn chỉnh, anh em phải hàn trong các khe ngách nhỏ hẹp ở khoang tàu kín mít, chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt mùi dầu, mùi tôn mới, mùi cháy khét của kim loại, tiếng đe búa đinh tai váng óc.

Anh Hải kể, khi đó các khoang hầm chỉ thông với nhau bằng các “cửa giảm trọng” là những lỗ tròn vừa đúng một người chui, trong khi độ nóng của que hàn là cực lớn, truyền vào những tấm tôn. Những người thợ hàn phải hàn trong tất cả các tư thế, từ ngửa thẳng mặt lên đến gập người sát xuống những tấm tôn. Khói hàn toàn CO2 và nhiều loại khí độc hại nồng nặc.

“Chúng tôi không được phép sai sót, các công đoạn đều có bộ phận kiểm tra, nghiệm thu, từ bộ phận kiểm tra chất lượng của nhà máy, bộ phận đăng kiểm của chủ tàu, đăng kiểm của Việt Nam. Không đạt chất lượng sẽ phải làm lại, rất mất thời gian, công sức”, anh Hải nói.

Với người thợ khi sửa chữa, hoán cải tàu cũ lại có những vất vả riêng. Dẫn chúng tôi lên boong tàu, trèo, vượt qua các cấu kiện, thiết bị để ra khu vực hầm nơi anh em đang làm việc, anh Nguyễn Khắc Dũng, đốc công Phân xưởng Vỏ 2 Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu chia sẻ: “Chúng tôi đang thực hiện cải tạo tàu hàng tàu dầu, tiến độ rất gấp rút nên dù nắng nóng, anh em vẫn phải thi công. Hiện, có khoảng 40 công nhân lao động trực tiếp trên tàu”.

img
Thợ hàn trong két chật hẹp giữa thời tiết nắng nóng

Có yêu nghề mới theo được nghề

Hơn ba chục năm trong nghề, ông Điệp không còn nhớ đã góp sức làm ra bao nhiêu con tàu vươn khơi. Ông tâm sự: “Tôi gắn bó, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành đóng tàu thủy. Nhất là trong những năm gần đây, khi mà ngành đóng tàu thoái trào, khó khăn mới thấy, làm nghề này không yêu nghề không trụ nổi với nghề đâu”. Vì nghề đóng tàu vất vả, nặng nhọc quá trong khi thu nhập chưa tương xứng với công sức.

Anh Đỗ Tiến Sơn, Tổ Sắt hàn Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn cho biết, lương bình quân công nhân trong tổ của anh khoảng 12 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo anh, mức lương này chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu đắt đỏ ở khu vực TP HCM.

“Ở đất Sài Gòn này phải 15 - 20 triệu đồng mới đủ sống”, anh Sơn nói và cho biết thêm, đây là lý do nhiều đồng nghiệp của anh đã rời bỏ công ty.

Trong khi đó, ông Phùng Văn Khôi, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu chia sẻ, đặc thù nghề đóng tàu là theo dây chuyền, khi bộ phận này có việc thì bộ phận kia phải nghỉ hoặc ít việc, chờ đến công đoạn của mình. Lương, thu nhập người lao động tính theo khoán. Thành ra, nếu đơn vị không có việc gối đầu thường xuyên, chắc chắn thu nhập người lao động bị ảnh hưởng. “Như năm 2018 vừa qua, công ty có nhiều đơn hàng, làm không hết việc, phải làm thêm giờ. Nhưng thu nhập bình quân cũng chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng/người”, ông Khôi nói.

Ông Lê Văn Hải, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm cho hay, công nhân ngành đóng tàu đòi hỏi mức độ đào tạo chuyên môn, kĩ thuật cao hơn so với ngành nghề khác. Lao động mới ra trường, công ty phải đào tạo tiếp mất mấy năm theo hình thức thợ giỏi kèm cặp, rồi tổ chức thi lấy chứng chỉ, thử tay nghề. Có chứng chỉ rồi mới được đăng kiểm cho phép thi công trên tàu. Vì vậy, lực lượng lao động này rất dễ bị thu hút từ các doanh nghiệp khác có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc đỡ vất vả hơn, dù có cùng ngành đóng tàu hay không.

“Những anh em ở lại là những người yêu nghề, gắn bó với nghề. Vì thế, càng phải trân trọng, tạo điều kiện tốt nhất để anh em làm việc, có thu nhập ổn định yên tâm gắn bó với nghề, với công ty”, ông Hải nói.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.