Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành VATO |
Công ty CP Phương Trang - FUTA Bus Lines (Công ty Phương Trang) mới đây đã quyết định đầu tư 100 triệu USD vào ứng dụng gọi xe thông minh VATO. PV Báo Giao thông đã trao đổi với ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành VATO về chiến lược phát triển ứng dụng này trong thời gian tới.
VATO sẽ trở thành một sàn thương mại điện tử
Thưa ông, là người sáng lập ứng dụng gọi xe VIVU trước khi đổi sang VATO, ông đánh giá thế nào về sự đầu tư của Phương Trang?
Lúc đầu, chúng tôi chỉ tập trung tạo ra phần mềm là ứng dụng gọi xe thông minh sao cho thật tốt. Nhưng trong quá trình phát triển, chúng tôi nghĩ không có lí do gì để giới hạn mình. Trong bối cảnh thương mại điện tử chính là xu hướng phát triển của thời đại, tại sao chỉ là phần mềm gọi xe thông minh, mà không làm một sàn thương mại điện tử với cả một hệ sinh thái rộng lớn, đầy đủ các tính năng giúp tối đa lợi ích sử dụng cho người tiêu dùng? Trong khi chúng tôi có tham vọng từ VIVU phát triển thành một sàn thương mại điện tử thì hữu duyên nên gặp lãnh đạo Phương Trang cũng đã ấp ủ từ mấy năm trước và đã lên kế hoạch thành lập một sàn thương mại điện tử cho ngành vận tải nên cả hai cùng nhìn về một hướng.
Tôi nghĩ rằng, với tiềm lực của Công ty Phương Trang và triển vọng cũng như xu thế phát triển tất yếu của thương mại điện tử, chúng ta có quyền tin tưởng VATO sẽ trở thành một sàn thương mại điện tử góp phần vào sự phát triển chung của ngành vận tải.
Ông đánh giá thế nào về hạ tầng có sẵn của Phương Trang?
Hiện nay, Phương Trang là một doanh nghiệp đã có sẵn một hệ sinh thái hoàn chỉnh với hệ thống dữ liệu khách hàng lên tới hàng triệu người, hệ thống các trạm dừng chân, các cửa hàng tiện lợi mang tên VATO… Bên cạnh đó, là hệ thống vận tải trải dài phủ kín các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Trung bình một ngày có 1.500 chuyến với hơn 12 triệu lượt khách năm 2017, chưa tính mảng vận tải hành khách công cộng nội thành các tỉnh, vận tải khách taxi, vận chuyển hàng hóa, chuyển phát nhanh bưu phẩm, bưu kiện đến các tỉnh, thành trong cả nước... Ngoài ra, Phương Trang còn có lợi thế thị trường hiện hữu của mảng kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực khác... Bởi vậy, những ý tưởng của chúng tôi khi gặp Phương Trang đã trở thành một cơ duyên lớn nên chúng tôi quyết tâm xây dựng VATO trở thành một sàn thương mại điện tử của ngành vận tải tốt nhất...
Kế hoạch đưa VATO trở thành một sàn thương mại điện tử sẽ thế nào, thưa ông?
Sàn thương mại điện tử VATO hoàn chỉnh sẽ có nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoạt động giao dịch trên sàn gồm: Dịch vụ gọi xe (taxi); đặt vé (khách đi tuyến cố định); đặt xe (xe du lịch, xe hợp đồng); vận tải hàng hóa (xe tải, chuyển phát); xe ôm (motorbike). Sàn sẽ hoạt động trên cơ sở: Toàn bộ các DN kinh doanh vận tải nói chung đều tham gia mua hoặc bán sản phẩm dịch vụ liên quan đến vận tải. Tạo sự kết nối và là tiền đề cho hoạt động sản phẩm dịch vụ phát triển trong giai đoạn tiếp theo như: Bán hàng trên kênh online và offline; dịch vụ giao hàng, chuyển phát nhanh, tiến tới thúc đẩy nhanh việc hoàn thiện đăng ký ví điện tử VATO. Hiện nay, VATO đã có ứng dụng gọi xe máy, taxi đã đi vào sử dụng. Trong những ngày tới sẽ triển khai thêm ứng dụng giao hàng, gọi điện thoại. Đặc biệt, sắp tới VATO tuyển các “trạm” gọi xe cho hành khách ở khắp nơi trên cả nước.
Các trạm này đặt ở đâu và hoạt động thế nào?
Sẽ giảm giá vé cho khách đi xe Phương Trang khi tải VATO Lãnh đạo Phương Trang cho biết, sắp tới sẽ triển khai các chương trình cộng hưởng tối ưu hóa lợi ích của khách hàng. Chẳng hạn như những khách hàng tải VATO khi mua vé xe Phương Trang sẽ được giảm giá… |
Hiện nay, trên phần mềm gọi xe VATO đã có sẵn mục ví tài khoản. Những ai đăng ký với VATO để sử dụng ví tài khoản này sẽ nhận được 10% tiền khi đặt xe cho hành khách khác đi hành trình đó.
Dĩ nhiên, không phải ai tải VATO cũng có thể trở thành trạm gọi xe mà phải đăng ký trở thành trạm. Chúng tôi sẽ kiểm tra, dựa vào khu vực để chọn và “đặt” các trạm này. Chẳng hạn, những trạm này có thể là những người làm: Bảo vệ tòa nhà, chung cư, cao ốc, khách sạn… hay các bộ phận lễ tân, văn phòng ở các khu toà nhà. Khách hàng khi làm việc xong, có thể xuống nhờ bảo vệ, lễ tân vẫy taxi giùm. Và mỗi lần vẫy giùm VATO cho khách đi sẽ được hưởng 10% trên cuốc xe đó. Việc này không tốn thời gian và cũng không ảnh hưởng đến công việc họ đang làm. Khi số tiền trong ví đủ nhiều, những người là trạm của VATO sẽ đến các điểm có liên kết với Phương Trang để rút tiền. Như vậy, tương lai VATO sẽ có hàng ngàn điểm là “trạm” gọi cho hành khách và chúng tôi đang đợi số lượng xe đủ nhiều để làm việc này.
Phương Trang hiện có sẵn hệ thống dữ liệu khách hàng lên tới hàng triệu người - Ảnh: Phan Tư |
Có thể “vẫy” xe mà không cần phải đặt
VATO có những ưu điểm gì so với những ứng dụng gọi xe của các hãng trước đây?
VATO có tất cả những ưu điểm của hãng taxi công nghệ và taxi truyền thống. Khi người dùng đặt xe chọn điểm đi và điểm đến là có thể biết trước giá tiền. Hoặc cho phép đặt xe ngay cả khi chưa biết trước điểm đến. Giá cước được quy định rõ ràng 8.500 đồng/km và không sợ “nhảy giá” giờ cao điểm.
VATO giống taxi truyền thống ở chỗ… khách hàng có thể “vẫy” xe mà không cần phải đặt. Bởi, sắp tới chúng tôi sẽ cho nhận diện ký hiệu đâu là xe của VATO để khách hàng nhìn thấy là vẫy. Hay những “trạm” vệ tinh gọi xe như nói ở trên cũng là một lợi thế.
VATO chiết khấu và ưu đãi thế nào với tài xế và người sử dụng, thưa ông?
Hiện nay, VATO chỉ giữ lại 20% còn tài xế được hưởng 80%. Ngoài ra, tất cả các tài xế VATO chạy cuốc ngắn dưới 45.000 đồng đều được bù lỗ. Chẳng hạn, chặng đi từ A-B giá 15.000 đồng, VATO sẽ bù cho tài xế 30.000 đồng. Ngoài ra, giờ cao điểm VATO không tăng giá với khách hàng, nhưng tài xế vẫn được công ty bù 20%. Tiến tới VATO sẽ có tính năng gọi điện thoại miễn phí dành cho khách hàng, tài xế. Với phần mềm tích hợp trong VATO sẽ cho phép khách hàng gọi điện thoại 30 phút miễn phí với bất cứ số điện thoại nào kể cả với các số điện thoại không dùng internet. Và quá 30 phút tiền cước cũng tính rất rẻ chỉ từ 300-400 đồng/phút.
Trong mấy ngày qua, có một số khách hàng phản ánh không đặt được xe, nguyên nhân vì sao?
Trước khi đổi thành VATO, ứng dụng VIVU đã đi vào hoạt động. Phương Trang đầu tư 100 triệu USD đúng lúc Uber rời khỏi Việt Nam nên lượng khách hàng tải phần mềm này sử dụng tăng chóng mặt. Trong khi đó, lượng xe của VATO những ngày đầu chưa nhiều. Do đó, khi nhu cầu người sử dụng tăng quá nhanh, “cung không đủ cầu” dẫn đến tình trạng một số khách hàng không đặt được chứ không phải do VATO khuyến mãi… nên lái xe sợ lỗ không đi. Chúng tôi khẳng định: Chương trình khuyến mãi đều do VATO bù chứ tài xế không phải chịu thiệt.
Trung bình một ngày chúng tôi nhận được khoảng 1.000 hồ sơ xin hợp tác làm tài xế cho VATO. Tuy nhiên, việc xử lý hồ sơ giấy tờ cần thời gian cụ thể mới giải quyết hết được. Riêng về lỗi bị chặn Google bởi lượng người truy cập vào phần mềm của VATO để đặt điểm đi, điểm đến định vị trên Google quá lớn.
Với Google, việc truy cập định vị của ứng dụng lên tới 150.000 lượt được coi là một đơn vị lớn lâu nay chưa xuất hiện ở Việt Nam. Ngay sau đó, chúng tôi khắc phục bằng cách làm mới lại hoặc mở thêm các công cụ hỗ trợ khác để dữ liệu luôn đủ phục vụ khách hàng. Ngoài ra, việc luôn lưu lại những điểm khách hàng đã sử dụng cũng giúp tiết kiệm số lượng lần sau truy cập… Trong tương lai, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Google vì hiện tại Google chỉ làm việc này với các doanh nghiệp ở nước ngoài.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận