Xã hội

Về nơi gái đắt chồng nhờ hồi môn… ngựa bạch

16/01/2022, 05:51

Thôn Co Hương, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nổi tiếng với nghề chăn nuôi ngựa bạch.

Khi con gái lấy chồng, bố mẹ cho vài đôi ngựa bạch để con có vốn liếng làm ăn. Dần dà đây được xem là nét đẹp được phổ biến ở xã trước kia thuộc diện khó khăn này.

img

Mỗi gia đình trong xã nuôi từ 2 đến 15 con ngựa bạch, số lượng ngựa luôn được khống chế để tiện cho việc chăm sóc

Đổi đời nhờ nuôi ngựa bạch

Ông Nông Văn Chưng, năm nay 45 tuổi, ở thôn Co Hương được coi là người “mát tay” chăn ngựa bạch nổi tiếng kể: “Hữu Kiên là xứ rừng già nổi tiếng của huyện Chi Lăng. Từ lúc lớn lên, đã thấy ông nội nuôi ngựa, sau đó đến bố cũng nuôi ngựa, nhưng chủ yếu là ngựa để thồ, thu hoạch lúa ngô và những thứ ở rừng về”.

Khoảng 20 năm trở lại đây, thôn Co Hương mới chuyển sang nuôi ngựa bạch để kinh doanh, vì loại ngựa bạch mắt đồng (mắt trắng) có giá trị kinh tế cao, hợp với thổ nhưỡng khí hậu lạnh ở thảo nguyên này.

Ngựa bạch ở Co Hương chăn thả dễ, ít ốm đau, bệnh tật, phát triển rất tốt.

Hiện, cả xã có 2.200 con ngựa, riêng ngựa bạch là 1.120 con. Nuôi ngựa đem lại nguồn thu tốt, ổn định cho bà con. Sắp tới, xã sẽ chỉ đạo các thôn lập danh sách ngựa, quản lý theo gia phả để tránh giống bị thoái hóa vì giao phối cận huyết, hay phòng dịch bệnh được tốt hơn.
Đồng thời, sẽ chú trọng xây dựng thương hiệu bằng cách quản lý từ khâu giống đến khâu xuất bán, xây dựng quy chế về chăn nuôi, trong đó quy định nếu hộ gia đình nào mà cố tình bán ngựa non, ngựa ốm, ngựa bệnh thì xã sẽ kiên quyết không cấp giấy xuất hàng, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu ngựa Hữu Kiên.

Ông Nguyễn Hoa Tin, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên

“Ngựa bạch không phải nuôi lấy sức kéo, mà chủ yếu nuôi lấy thịt và nấu cao. Ngựa non cai sữa đã bán được tầm 20 triệu đồng; ngựa 3 năm tuổi có giá khoảng 60 triệu đồng; những con già hơn để lấy xương nấu cao giá 70 - 80 triệu đồng”, ông Chưng kể.

Co Hương là thôn nghèo nằm heo hút nơi rẻo cao, đường sá đi lại xa xôi, khó khăn.

Bà con sinh sống nơi đây là người dân tộc Tày, sống chủ yếu nhờ trồng trọt và chăn nuôi.

Nhưng nơi này khí hậu lạnh giá, nên về mùa đông, gia súc, gia cầm thường chết vì lạnh, dịch bệnh, cây trồng cũng khó phát triển, vì vậy khoảng chục năm trước, ở Hữu Kiên đa phần là hộ nghèo.

Nay nhờ có đàn ngựa bạch, các gia đình dần được đổi đời.

Như gia đình ông Chưng, trước khi nuôi ngựa rất nghèo, nhưng đến nay đã xây được nhà đẹp, sắm ô tô, mua máy xúc.

Chỉ tay về phía quả đồi đang có những con ngựa thong dong gặm cỏ, ông cho hay, nhờ nuôi ngựa mà đời sống của người dân Co Hương từ khó khăn đã sang trang mới, có của ăn của để.

“Vì vậy, con ngựa bạch cũng được người dân coi trọng, giờ đây ngựa bạch được làm những món quà đặc biệt cho con cái ra ở riêng. Tới đây, khi cô con gái đi lấy chồng, vợ chồng tôi cũng sẽ cho đôi ngựa làm của hồi môn, vừa có ý nghĩa khuyến khích con cái chăn nuôi xây dựng kinh tế gia đình.

Có con ngựa, con gái Co Hương, Hữu Kiên giờ đây ngày càng đắt chồng hơn đó! Có những gia đình hồi môn cho con gái tới 4 con ngựa bạch thì giá trị tương đương một chiếc xe hơi loại vừa”, ông Chưng vui vẻ kể.

“Đất đai trên này thì rộng, kể cả cho cái ô tô thì cũng có đi đâu, cho đôi ngựa để đôi trẻ có kế sinh nhai ngay từ thuở đầu lập nghiệp. Nhà tôi không có điều kiện, chỉ cho con được 1 con ngựa lúc ra ở riêng. Rồi nó chăm tốt, năm sau con ngựa sinh được thêm con, cứ thế cần cù chịu khó là có tài sản rồi”, chị Nông Thị Tươi, một hộ dân ở Co Hương kể.

Như thành một nét đẹp văn hóa, các gia đình ở Co Hương giờ đây phổ biến chuyện cho con cái con ngựa khi ra ở riêng.

Đám cưới rước dâu, cô dâu chú rể đi trước, phía sau lẫn trong đoàn đưa dâu có người dắt theo đôi ngựa hồi môn là của cô dâu về nhà chồng không còn là chuyện lạ.

Ngựa giờ không chỉ là tài sản, là kế sinh nhai, mà còn là thương hiệu của vùng đất cao nhất, xa nhất, địa hình khó khăn nhất của huyện nghèo nơi biên viễn này.

Ly kỳ đi tìm ngựa bạch

img

Số lượng ngựa không ngừng tăng lên, góp phần bảo vệ nguồn gen ngựa bạch Việt Nam thuần chủng

Về Co Hương, chúng tôi mới vỡ lẽ, không phải cứ ngựa trắng là ngựa bạch, có thể bán với giá lên tới cả trăm triệu đồng/con.

Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên Nguyễn Hoa Tin - một người say mê với nghề nuôi ngựa bạch chia sẻ, con ngựa toàn thân lông trắng, mà mắt vẫn đen thì cũng không đáng tiền là mấy.

Con ngựa bạch quý là mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, thậm chí trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa.

Các lỗ tự nhiên (lỗ mũi, mõm...) có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc...

“Đặc điểm của loại ngựa mắt đồng là cứ đến giữa trưa trời nắng, chúng không nhìn thấy đường, buộc phải tìm bụi cây, hay chỗ nào đó đứng nghỉ. Sau độ 1 giờ đồng hồ thì chúng mới nhìn lại được, nên muốn bắt ngựa thì cứ đến trưa là chúng không biết đường nào mà chạy, chỉ cần mang thừng cột cổ dắt về”, ông Tin cho hay.

img

Ngựa được chăn thả hoàn toàn tự nhiên mà không tốn công chăm sóc

Để có được những con ngựa bạch thực sự, người nuôi ngựa ở Co Hương sẽ tìm cách chọn lọc phối giống.

Theo đó, ngựa bạch mẹ phối với ngựa bạch bố sinh ra ngựa bạch con là lẽ dĩ nhiên.

Ngoài ra, người nuôi ngựa còn tìm cách cho ngựa thường sinh ra ngựa bạch.

Đó là chọn những con ngựa cái màu vàng vàng hoặc màu đen trắng; rồi ban đêm cầm đèn pin soi vào mắt chúng, thấy mắt đỏ lừ như hòn than đang cháy thì giữ lại, cho phối với ngựa bạch đực để sinh ra ngựa bạch.

Hoặc những con ngựa bạch mẹ đem phối với ngựa đực thường cũng có cơ hội sinh ra ngựa bạch. Những con ngựa bạch quý sẽ bán được giá, đắt hàng, vì nấu thành sản phẩm cao ngựa bổ dưỡng.

Một con ngựa ở Co Hương chỉ nấu được từ 3 - 4kg cao.

“Con ngựa nào mà nấu được hơn thì đó là cao ngựa khác chứ nhất định không phải ngựa bạch Co Hương, vì ở đây chúng tôi chỉ nấu 100% từ xương của ngựa bạch, quy trình nấu thì rất nghiêm ngặt.

Xương phải được làm sạch, rồi chặt nhỏ, xong thì dùng máy thủy lực khuấy cho hết tủy và phần gân còn bám lại, đến lúc sạch mới cho lên nấu khoảng 25 giờ đồng hồ, đun trên bếp liên tục mới cô lại được thành cao”, ông Chưng nói và cho biết mỗi kg cao ngựa bạch hiện được bán với giá 15 triệu đồng.

Làm giàu từ ngựa, gắn bó với ngựa, nên có tục cổ ở Hữu Kiên là gần như chẳng bao giờ chủ tự tay thịt ngựa, mà nếu có bán chỉ nhờ người khác đến dắt.

Lúc thịt cũng kiêng đi không làm trong khuôn viên của nhà chủ mà phải xa tít ngoài bãi chăn thả...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.