Chủ đầu tư, các đơn vị chức năng thường xuyên quan sát vết nứt bằng kính lúp trước và sau các đợt nổ mìn thi công hầm Hải Vân giai đoạn 2. Ảnh Xuân Huy |
Theo ông Trần Đức Trung, Phó cục trưởng Cục QLĐB III, thực hiện vai trò quản lý nhà nước, suốt quá trình khai thác, vận hành hầm Hải Vân, Cục cùng các đơn vị chức năng thường xuyên tiến hành khảo sát, theo dõi các diễn biến liên quan đến chất lượng, độ ổn định của công trình.
Trong đó, vấn đề nứt vỏ bê tông hầm Hải Vân được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Bản thân chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả) áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ hiện đại để giám sát, quan trắc.
Tại đợt kiểm tra thực tế vỏ hầm Hải Vân (hiện hữu) mới đây (ngày 25/10), đoàn kiểm tra Cục QLĐB III ghi nhận các vết nứt được chủ đầu tư vạch sơn đánh dấu hai đầu vết nứt, đồng thời dán tem thạch cao (vật liệu không đàn hồi) lên vết nứt để theo dõi độ mở rộng và các diễn biến của vết nứt.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thường xuyên quan sát vết nứt bằng kính lúp trước và sau các đợt nổ mìn thi công hầm Hải Vân giai đoạn 2. Chủ đầu tư phối hợp với Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam để giám sát chấn động nổ mìn. Bên cạnh đó, triển khai quan trắc sự chuyển vị của bê tông vỏ hầm.
Các vết nứt hiện tại chưa thấy sự phát triển và không có sự xuất hiện các vết nứt mới |
Nhiều vị trí không có vết nứt (không được đánh dấu số ngày) xuất hiện hiện tượng bong tróc lớp sơn epoxy, dễ gây nhìn lầm là vết nứt nếu không quan sát kỹ |
Ông Trung cho hay: các kết quả giám sát, quan trắc độc lập, khách quan cho thấy: Các vết nứt hiện tại chưa thấy sự phát triển và không có sự xuất hiện các vết nứt mới. Bề mặt các miếng dán thạch cao không xuất hiện vết nứt, các vết nứt không mở rộng phát triển thêm.
Tuy nhiên, tại các vết nứt cũ có hiện tượng xuất hiện các vệt loang màu đen bong tróc của lớp sơn epoxy được sơn từ khi đưa hầm Hải Vân vào khai thác năm 2006 (đã bị lão hóa sau 13 năm khai thác). Nhiều vị trí không có vết nứt nhưng vẫn xuất hiện hiện tượng bong tróc lớp sơn epoxy, dễ gây nhìn lầm là vết nứt nếu không quan sát kỹ.
Các báo cáo giám sát chấn động định kỳ hàng tháng cũng cho thấy vận tốc dao động vỏ hầm Hải Vân đều nhỏ hơn mức cho phép (<31,75mm/s) theo QCVN 02:2008/BCT. Đồng thời, theo các báo cáo quan trắc hàng ngày chuyển vị bê tông vỏ hầm cho kết quả phân tích độ lún và hội tụ của hầm ổn định trong giới hạn cho phép.
“Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT, Cục triển khai thường xuyên các tổ giám sát độc lập, theo dõi chặt các diễn biến vết nứt hầm Hải Vân. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp thông tin giữa chủ đầu tư, đơn vị chức năng về việc thông tin báo cáo vỏ hầm Hải Vân”, ông Trung nói.
Chủ đầu tư, chuyên gia nói gì về vết nứt hầm Hải Vân? Ông Đỗ Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Giám đốc Ban QLDA hầm Hải Vân: Vết nứt xuất hiện khi đưa công trình hầm vào khai thác. Thời điểm nhận bàn giao quản lý hầm Hải Vân 1, Công ty CPĐT Đèo Cả đã thuê tư vấn Nippon Koei của Nhật Bản và Tư vấn Alpin Technik của CHLB Đức dùng thiết bị quét tự động, đánh giá hiện trạng toàn bộ hầm. Kết quả cho thấy trong hầm tồn tại khoảng hơn 320 vết nứt. Trong đó, chủ yếu là vết nứt nhỏ (phải dùng kính lúp mới có thể quan sát khe nứt), và 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi được đánh giá là có rủi ro về an toàn. 8 vết nứt này đã được chủ đầu tư sửa chữa ngay cuối năm 2016. Theo dõi những tháng qua, tất cả các vết nứt này đều không có diễn biến bất thường, không có biểu hiện tăng thêm, và hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu vỏ hầm và cho an toàn giao thông. PGS.TS Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (Bộ GTVT): Các kết quả nghiên cứu, theo dõi cho thấy vết nứt hiện nay không phát triển so với thời điểm tháng 1/2016. Điều này thể hiện thông qua các thông số về độ rộng, chiều dài của vết nứt không biến động. Các vết nứt chỉ tổn tại ở lớp vỏ hầm và lớp vỏ hầm này không phải là kết cấu chịu lực (bộ phận chịu lực là kết cấu neo, bê tông phun phía trong, vòm đá) mà là kết cấu chịu nén là phần để lắp đặt thiết bị, tạo thẩm mỹ cho hầm. Ngoài ra kết cấu này làm bằng bê tông thường nên khả năng chống nứt là không có. Do đó theo thời gian và tác động của yếu tố tự nhiên (nhiệt độ, độ ẩm) sẽ hình thành các vết nứt. Thực tế số lượng vết nứt nguy hiểm ở vỏ bê tông hầm Hải Vân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đang ở trạng thái chưa gây nguy hiểm trực tiếp cho kết cấu và người tham gia giao thông, và hiện đã được sửa chữa xong. PGS.TS Trần Chủng- Nguyên cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ GTVT) Hầm Hải Vân được các nhà thầu Nhật Bản thi công bằng công nghệ NATM, kết cấu lớp vỏ hầm bằng bê tông. Về mặt nguyên lý, bản chất của bê tông là loại vật liệu chịu lực nén rất tốt nhưng khả năng chịu lực kéo lại kém. Do vậy, bê tông sẽ bị giãn ra khi nóng và co lại khi lạnh. Qua kiểm tra, các vết nứt tại hầm Hải Vân hiện nay đều không quá 0,3mm do sự biến đổi nhiệt, khiến bê tông bị co giãn. Tôi khẳng định, các vết nứt này hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu của hầm và nằm trong tầm kiểm soát của Bộ GTVT và nhà đầu tư” Ngân Hà (lược ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận