Vận tải

Vì đâu Hà Nội tăng ùn tắc, người xe như nêm?

06/10/2017, 07:53

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội có chiều hướng nghiêm trọng hơn, vì sao?

7

Người dân nhích từng chút trên đường Xuân Thủy do nhà thầu rào chắn để thi công đường sắt - Ảnh: Lê Tươi

Hàng loạt tuyến đường tổ chức giao thông thiếu hợp lý

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tính đến tháng 9/2017 đã giải quyết được 8/41 điểm ùn tắc giao thông. Cụ thể, theo Sở GTVT, một số điểm như: Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu, Trung Văn - Tố Hữu, Bắc cầu Chương Dương, Trâu Quỳ - QL5, điểm Nhà máy sữa Vinamik - QL5, Trần Phú - Nguyễn Văn Lộc và 2 điểm trên tuyến phố Hào Nam ùn tắc đã giảm.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình hình ùn tắc trên địa bàn Hà Nội vẫn rất nhức nhối, thậm chí nhiều điểm theo thống kê đã kiểm soát được nhưng ùn tắc vẫn nghiêm trọng.

Đơn cử sáng 5/10, tại khu vực cầu vượt Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, dù trên cầu vượt khá thoáng đãng, nhưng ùn ứ nghiêm trọng diễn ra ngay phía đầu cầu (hướng Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt). Hàng trăm xe máy, ô tô phủ kín mặt đường Trần Khát Chân nhưng không đi thẳng mà chen chân, lấn làn với xe buýt, xe khách (từ 30 chỗ trở lên) để lưu thông trên cầu. Nhiều chủ xe máy cố tình rẽ từ làn ngoài vào, bất chấp một dãy ô tô đang tiến lên, dẫn đến nguy cơ va chạm có thể xảy đến chỉ trong một lần nhấn ga nhẹ.

Đánh giá cao vai trò của việc tổ chức giao thông, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, người có kinh nghiệm nghiên cứu 40 năm về giao thông nhận định, thời điểm này Hà Nội vẫn chưa kiểm soát được ùn tắc giao thông vì nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất kể ở đâu và trong giờ thấp điểm hay cao điểm. “Hạ tầng yếu kém, giao thông công cộng không đáp ứng, quản lý nhà nước không mạnh mẽ, kịp thời, áp dụng giao thông thông minh chậm chạp, kiến trúc xây dựng quá xô bồ, tạo ra nhiều khu chung cư dày đặc, người dân vẫn di chuyển theo kiểu “mạnh ai nấy đi” càng khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng hơn”, ông Thủy nói.

Theo tìm hiểu, sở dĩ rất nhiều phương tiện chen lấn bằng mọi giá để được lên cầu bởi tại ngã tư Trần Khát Chân - Bạch Mai, thời gian cho tín hiệu đèn xanh khá ngắn (chỉ 13 giây), tín hiệu đèn đỏ lại kéo dài gần 100 giây.

Đáng nói, dưới khu vực gầm cầu vượt này lại có đến 3 điểm quay đầu, rẽ ngang sang phía phố Huế và Lê Đại Hành gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đi lại theo chiều thẳng. Vì vậy, đi lên cầu là phương án duy nhất để có thể tiết kiệm được quỹ thời gian eo hẹp trong giờ cao điểm.

Cách cầu vượt này không xa, ngã tư Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu cũng là một điểm ùn tắc nghiêm trọng. Quan sát cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều người dân từ đường Võ Thị Sáu đi ra đã không tuân thủ tín hiệu đèn, cố tình cho tiến lên lấn gần nửa lòng đường, nút giao này lại cho phép các phương tiện từ hướng Đại Cồ Việt về quay đầu. Điều đó đã dẫn đến xung đột giao thông giữa người đi thẳng, người quay đầu và người rẽ trái.

Tương tự, sáng 2/10, tại nút giao giữa các tuyến đường Láng Hạ - Láng - Lê Văn Lương đông nghịt người xe. Các phương tiện từ đường vành đai 3 theo đường Lê Văn Lương, từ Láng Hạ đổ vào đến khu vực nút này bị giao cắt với dòng phương tiện từ đường Láng, dồn ứ lại, kéo dài hàng trăm mét.

Trong khi đó, toàn bộ đường Láng Hạ, hướng đi từ điểm giao cắt đường Láng tới phố Thái Thịnh, mặt đường hẹp nhưng luôn có cả dãy ô tô đỗ chiếm tới 1/3 mặt đường. Cùng đó, tại ngã ba Láng Hạ - Thái Thịnh, nhằm hạn chế xung đột, lực lượng chức năng ngăn lối rẽ, buộc các phương tiện đi từ Thái Thịnh ra phải rẽ phải, đi xuôi chiều trên đường Láng Hạ một đoạn mới được quay đầu.

Tuy nhiên, đèn tín hiệu giao thông tại ngã ba này vẫn hoạt động, nên nhiều phương tiện đi đến đây gặp đèn đỏ lúng túng, không biết nên dừng hay nên đi, dẫn đến tình trạng nút giao thông này luôn xảy ra ùn tắc.

Anh Trần Văn Chiến (nhà ở Hà Đông, Hà Nội) đang dừng đèn đỏ than: “Nút giao này quá bất cập, vừa có đèn tín hiệu, vừa có có lối ngăn phân làn dễ gây xung đột. Cơ quan chức năng cần xem xét sớm tổ chức lại giao thông cho hợp lý, đồng thời cấm phương tiện ô tô đậu đỗ bừa bãi dưới lòng đường”.

Trực tiếp lưu thông trên tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, PV chứng kiến tình trạng giao thông khu vực này rất lộn xộn, ùn tắc kéo dài. Cả một đoạn đường dài phải rào chắn để thi công đường sắt, chỉ còn lại 3m cho các phương tiện lưu thông.

Trong khi đó, chỉ chưa đầy 1km, trên tuyến đường này có tới 3 trường đại học với quy mô vài chục nghìn sinh viên, cộng thêm hai chợ sinh viên và nhiều công ty, doanh nghiệp... dẫn tới lượng phương tiện lưu thông cao, mật độ xe buýt, xe khách dày đặc.

Tại khu vực ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn, tình trạng ùn tắc cũng liên tục xảy ra, vào cả khung giờ thấp điểm đến 12h trưa vẫn chưa hết tắc. Một thành viên Tổ bảo vệ dân phố Cụm 9, phường Khương Thượng (Q. Đống Đa, Hà Nội) thuộc Tổ tăng cường giải tỏa ùn tắc giao thông cho biết: “Do đoạn đường này quá hẹp, mặt đường lại xấu, nhiều ổ gà, ổ voi, xe cộ chen lấn khiến lực lượng chức năng điều tiết không xuể”, vị này nói.

Ngoài ra, có thể kể ra hàng loạt điểm ùn tắc nghiêm trọng khác đang khiến người tham gia giao thông khổ sở như: Đường Trần Phú - Nguyễn Trãi, đường 70 từ Cầu Tó - Viện K Tân Triều, đường Lê Văn Lương, đường vành đai 3 khu vực Mỹ Đình, đường Giải Phóng...

Hà Nội chưa kiểm soát được ùn tắc?

Trao đổi với Báo Giao thông về những bất cập trong tổ chức giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đang nỗ lực kéo giảm ùn tắc bằng hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Thời gian qua, Sở GTVT đã bố trí lực lượng chốt trực tại 80 vị trí (huy động 102 người /ca trực) để phân luồng, phân làn, giải tỏa ùn tắc. 

Theo ông Viện, trước mắt, Hà Nội đã cấm một số phương tiện đi vào giờ cao điểm, yêu cầu lực lượng thanh tra phối hợp phân luồng ở những điểm hay xảy ra ùn tắc. Về lâu dài, Hà Nội cũng có kế hoạch thay đổi giờ học, giờ làm; di chuyển một số cơ quan, trường học ra ngoại thành, hạn chế xe máy; phát triển giao thông công cộng.

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thanh tra giao thông đang phối hợp với Phòng CSGT bố trí lực lượng, phân luồng, điều tiết giao thông tại một số điểm nóng trên địa bàn để kéo giảm ùn tắc.

"Một số điểm tổ chức giao thông không hợp lý theo phản ánh của báo, chúng tôi sẽ nghiên cứu, phối hợp để khắc phục hoặc phân luồng ngay”, ông Hải cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.