Hãng sản xuất máy bay Antonov một thời lừng danh của Ukraine đóng cửa vì thua lỗ |
Sự việc này một phần ảnh hưởng bởi mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt giữa hai nước.
Như mất một cánh tay
Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ Ukraine quyết định thanh lý Tập đoàn Antonov một thời lừng danh; Các doanh nghiệp nằm trong Antonov sẽ được chuyển sang hoạt động dưới sự quản lý của Tập đoàn Quốc phòng Ukroboronprom.
Chính phủ Ukraine cho biết, họ buộc phải đưa ra quyết định này vì 3 doanh nghiệp chính làm nên Antonov - Antonov, Kharkov State Aviation Enterprise và Plant 410 Civil Aviation State Enterprise - đã dừng hoạt động và sáp nhập vào Ukroboronprom từ năm ngoái. Đồng thời, Chính phủ cũng hướng dẫn Bộ Thương mại và Phát triển kinh tế Ukraine thành lập Ủy ban thanh lý chịu trách nhiệm công tác thanh lý Tập đoàn Antonov.
Antonov - tập đoàn sản xuất máy bay từng là bá chủ trong lĩnh vực sản xuất máy bay vận tải lớn trên thế giới. Nhà phân tích quân sự độc lập của Ukraine - ông Valentyn Badrak đánh giá: “Antonov là át chủ bài của Ukraine. Tập đoàn này đã chế tạo nên những loại máy bay vận tải mạnh mẽ nhất thế giới, đánh bại tất cả các kỷ lục về loại máy bay này trên toàn cầu. Mất Antonov, Ukraine như bị chặt đứt một cánh tay”.
Antonov được biết đến nhiều nhất với thành tựu là nhà sản xuất hai máy bay vận tải lớn nhất thế giới như An-225 Mriya và An-124 Ruslan từ những năm 1980. Hai chiếc máy bay khổng lồ này đã được sử dụng để chở tên lửa, toa tàu và xe tăng chiến đấu.
Ảnh hưởng từ trừng phạt của Nga
Giới chức kinh tế và quân sự đánh giá, vấn đề của Antonov đang đối mặt chính là khó khăn điển hình mà các công ty nhà nước tại Ukraine đang gặp phải, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự trong bối cảnh Kiev muốn giảm phụ thuộc vào Nga và hướng đến hợp tác với châu Âu. Các chuyên gia chỉ ra vấn đề thứ nhất: Các công ty Nhà nước vẫn quen thói “kế hoạch tập trung”. Antonov và các công ty khác luôn chờ, ỷ lại chỉ đạo, hỗ trợ từ Nhà nước.
Năm 2009, Antonov bắt đầu sản xuất máy bay thương mại nhưng công ty này liên tiếp gặp khó khăn. Năm 2013, Antonov chỉ sản xuất được 4 chiếc máy bay trong đó 3 chiếc máy bay nhỏ cho hãng hàng không của Cuba - Cubana và một chiếc cho hãng hàng không Air Koryo của Nhật. Đến năm 2014, hãng này cũng chỉ giao thêm được 2 chiếc máy bay nhỏ cho Cuba. Hãng còn 5 chiếc máy bay đang trong quá trình chế tạo nhưng chính họ cũng không đảm bảo người mua 5 chiếc máy bay này. Trong bối cảnh suy thoái đó, Antonov vẫn phải nuôi 13.000 nhân viên và 70.000 công nhân tại các nhà máy sản xuất phụ tùng.
Thứ hai, Ukraine thừa hưởng các nhà máy công nghiệp hàng đầu như Antonov sau sự sụp đổ của Liên minh Xô-Viết năm 1991 nhưng cả chính phủ Kiev và các công ty này không tìm cách tái định hướng kinh doanh. Họ vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào Nga. Do đó, các công ty này tất yếu lĩnh hậu quả khi mối quan hệ hai nước rạn nứt như ngày hôm nay. Thời Nga - Ukraine còn êm ấm, năm 2010, Tập đoàn Antonov (Ukraine) và Tập đoàn United Aircraft-Manufacturing Corporation (UAC - Nga) đã ký một thỏa thuận liên doanh tại Kiev trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước với hứa hẹn sẽ cho ra đời thêm nhiều máy bay “hàng khủng”.
Tuy nhiên, năm 2014, sau khi Nga và Ukraine bất đồng về chính trị, Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập về Nga đẩy hai nước vào thời “chiến tranh lạnh”. Moscow và Kiev đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào kinh tế lẫn nhau trong đó có dừng các dự án mua bán máy bay của Antonov. Mùa hè năm 2015, Tập đoàn hàng không quốc tế Samara của Nga tuyên bố ngừng chương trình sản xuất máy bay An-140 vì các lệnh trừng phạt của Ukraine. Tháng 9/2015, Tập đoàn Antonov đã rút khỏi liên doanh Antonov - UAC.
Việc xuất khẩu phụ tùng quân sự cho Nga cũng ảnh hưởng không nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu hệ thống năng lượng An-148 sử dụng cho tàu chiến Nga, tên lửa xuyên lục địa R-36M2... cho Nga cũng tuột dốc. Không chỉ vậy, tháng 12/2015, Antonov hứng “bão” dư luận khi muốn đặt tên máy bay mới An-178 theo tên của ông Stepan Bandera - lãnh tụ phong trào giải phóng dân tộc Ukraine nhưng cũng là nhân vật gây chia rẽ nội bộ Ukraine nhất. Không chịu được xung đột chính trị, ban quản lý Antonov buộc phải tìm một cái tên khác cho An-178.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận