Nguyên nhân có nhiều, song việc các bến này đóng cửa chủ yếu do liên quan vướng mắc trong thủ tục gia hạn, cấp phép…
Nhà thầu gặp khó vì bến thủy đồng loạt dừng
Đầu tháng 11, nhiều nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông phản ánh đến Báo Giao thông hàng loạt bến thủy nội địa tại TP.HCM ngừng hoạt động khiến giá vật liệu tăng cao.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một vài quận, huyện mà lan rộng đến 8 địa phương thuộc TP.HCM bao gồm: TP Thủ Đức, quận 1, quận 3, quận 7, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và Bình Chánh.
Trong số 42 bến thủy nội địa ngưng hoạt động tại thời điểm giữa tháng 10/2024, chiếm tỷ lệ lớn là bến vật liệu xây dựng.
Điều này tác động trực tiếp vào chuỗi cung ứng cho các nhà thầu trong bối cảnh hạ tầng giao thông đua tiến độ thi công.
Ông D, phó tổng giám đốc một công ty đang thi công dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM cho biết, chỉ trong khoảng hai tuần cuối tháng 10 đến nay đã có 3 nhà cung cấp cát san lấp tại TP Thủ Đức thông báo ngưng cấp hàng đến công trình.
"Họ cho biết bến thủy không được gia hạn hoạt động nên không thể đưa cát về tập kết", ông D chia sẻ.
Ghi nhận tại khu vực kênh Xáng - An Hạ (huyện Bình Chánh) cách cầu Xáng khoảng 3km về hạ lưu cho thấy, 2 sà lan chở cát san lấp phải neo lại suốt 20 giờ.
Chủ bến thông báo vừa bị phạt 35 triệu đồng vì khai thác bến trong lúc hết thời hạn hoạt động nên không dám cho sà lan vào.
"Nếu quay đầu về miền Tây thì chủ hàng lỗ nặng. Neo lại để tìm bến khác mua thì nguy cơ cao bị ép giá, găm nợ", tài công chia sẻ.
Vì sao ngừng hoạt động?
Thông tin từ Phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức và phòng quản lý đô thị các quận huyện, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bến thủy ngừng hoạt động hàng loạt.
Thứ nhất, giai đoạn cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, hàng loạt mỏ cát lớn khu vực miền Tây ngưng hoạt động khiến các bến thủy kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP.HCM bị cắt đứt nguồn cung.
Rơi vào tình trạng không khai thác neo đậu bốc dỡ hàng hóa nên dù sắp hết hạn hoạt động, chủ bến cũng không làm thủ tục gia hạn. Thậm chí, một số bến thủy đã ngưng hoạt động hoàn toàn vì khó khăn và phá sản.
Nguyên nhân thứ hai xuất hiện vào giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2024. Thời điểm này, Nghị định 06 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 08 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa có hiệu lực.
Theo đó, thẩm quyền thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa trên địa bàn được giao cho UBND cấp huyện, thay vì Sở GTVT như trước đó.
Việc thiếu cập nhật Nghị định 06 của các chủ bến thủy nội địa đã dẫn đến độ trễ trong việc gia hạn hoạt động.
Nguyên nhân thứ 3 cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bến thủy chậm được gia hạn là hồ sơ pháp lý về đất đai của nhiều bến thủy không đạt yêu cầu.
Cần khẩn trương tháo gỡ
Ông Trần Thanh Phong, Trưởng phòng Quản lý cảng, bến thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa chia sẻ, qua rà soát, lập danh sách bến thủy nội địa hết hiệu lực tại TP.HCM đã nhận thấy số lượng ngưng hoạt động tăng cao.
Cảng vụ đường thủy nội địa cùng Phòng CSGT, Phòng Quản lý đường thủy (Sở GTVT) và Thanh tra Sở GTVT cũng xem xét các vướng mắc dẫn đến tình trạng các bến thủy nội địa chậm gia hạn hoạt động để tham mưu Sở GTVT phối hợp và góp ý với các địa phương trong thời gian tới.
Đại diện Thanh tra Sở GTVT TP.HCM thông tin, quy trình gia hạn bến thủy nội địa đã được phân cấp về các địa phương.
Trong giai đoạn những tháng đầu thực hiện, dù có một số phát sinh nhưng về cơ bản sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý hạ tầng.
Hiện nay, các bến thủy vật liệu xây dựng cũng đã được gắn liền với mục đích hoạt động cụ thể là phục vụ công trình, dự án nào tại từng khu vực. Điều này giúp phát huy thế mạnh quản lý địa bàn của mỗi địa phương.
"Khi công trình, dự án đã xong mà bến vật liệu xây dựng vẫn tồn tại, không cụ thể hóa được mục đích hoạt động, các căn cứ pháp lý về đất đai sẽ có nguy cơ vi phạm, nhất là các vi phạm về môi trường", vị này cho hay.
Bến không phép tăng 31%
Theo danh sách mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, hiện số lượng bến thủy nội địa chưa được công bố hoạt động nhưng đang tồn tại trên địa bàn đã lên đến 71 bến.
Trước đó, vào thời điểm tháng 7/2024, số lượng bến không phép chỉ dừng lại ở 54. Như vậy, số lượng bến không phép qua rà soát đã tăng 31% chỉ trong 3 tháng.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại quận 8 cho rằng, thực trạng nhiều bến thủy nội địa chậm được công bố gia hạn hoạt động trong khi số bến không phép tăng vọt sẽ khiến thị trường vật liệu xây dựng đứng trước nguy cơ "tranh tối tranh sáng". Bến hết hạn thì không có hàng bán, còn bến không phép lại đẩy giá lên cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận