Một hình ảnh phản cảm trong MV “Như cái lò” |
Nhạc “thảm họa” trở lại
Còn nhớ, giai đoạn 2011 - 2012, làng nhạc Việt chìm trong cơn khủng hoảng “Thảm họa Vpop” với những sản phẩm tra tấn người nghe như: Nói dối (Phương My), Da nâu (Phi Thanh Vân), Nàng Kiều lỡ bước (HKT)… Mất một thời gian dài, cơn bão này mới lắng xuống. Thế nhưng, không có nghĩa là thị trường Vpop “sạch sẽ” hoàn toàn. Tại hội thảo “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay” tổ chức hôm qua (31/10), nhiều ý kiến nhận định, “nhạc nhảm”, thảm họa vẫn đang tồn tại dai dẳng.
Chỉ bằng một vài phép thống kê đơn giản, ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) chỉ ra hàng loạt sản phẩm được phổ biến với công chúng nhưng nội dung ca từ nhảm nhí: “Riêng trong năm 2017, đã có những: Phiếu bé ngoan (Yanbi), Em không hối tiếc (Hương Giang Idol), Tan ka ka (Ganja) hay đặc biệt nổi cộm là Như cái lò (Sambi). Còn trước đó, năm 2016 là những: Oh my chuối, Số nhọ, Nắng cực… đều sở hữu chất lượng nghệ thuật chỉ bằng con số không, thậm chí phản cảm từ tên gọi”. Kể cả trường hợp thu hút nhiều khán giả như Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, nếu bóc tách sẽ lộ ra hàng loạt yếu tố không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Bản hit này được quảng cáo là kết hợp yếu tố dân tộc và hiện đại, song những chất liệu như ngũ cung, lối ăn mặc cổ trang, đầu tóc gần với văn hóa Trung Quốc thay vì văn hóa Việt.
Chất lượng dở, nhưng số lượng nhạc nhảm dạng này lại đang có xu hướng tăng. Bởi, theo ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH,TT&DL Hà Nội, cơ chế thị trường đang gặp vấn đề. “Nhạc ngô nghê thì giới trẻ lại thích. Còn nhạc nghiêm túc, như các sản phẩm tuyển chọn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì lại không”. Ông Trực cho hay đó là nỗi thống khổ của người làm quản lý, phải nghe hàng loạt những sản phẩm “trộn đủ loại rap, hip hop vào làm một. Lời lẽ ngớ ngẩn, nhảm nhí mà chúng tôi không tài nào hiểu nó nói về cái gì”.
Khó từ khâu tiền kiểm
Nhạc nhảm sinh sôi một phần do các chốt chặn đầu tiên - thẩm định và cấp phép - có lỗ hổng. Theo ông Nguyễn Văn Trực, quy định hiện nay khi cấp phép tác phẩm chỉ yêu cầu phải nộp một bản nhạc trong hồ sơ xin cấp phép, trước lần công diễn đầu tiên. Và các tác phẩm nhảm nhí ở trên lại không hề có vi phạm gì về chính trị, chống phá Đảng và Nhà nước, do đó hội đồng thẩm định không thể cấm. “Không vi phạm về chính trị thì chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, định hướng nhẹ nhàng tác giả hướng về những đề tài tuổi trẻ, dân tộc… Với quy trình cấp phép như hiện nay, rất dễ cho ra các tác phẩm kém chất lượng”, ông Trực bày tỏ. Thực tế này cũng được đại biểu Sở VH,TT&DL các địa phương thừa nhận.
Ca khúc Như cái lò (ca sĩ Sambi) có lời nhạc gợi liên tưởng đến quan hệ tình dục: “Em chỉ cần có 4 bức tường/Có điều hoà và 1 cái giường/Nếu ra đường chỉ thấy nóng như cái lò/Nóng như cái lò/Nóng nóng nóng như cái lò/Em cứ việc ở trên giường/Bởi vì anh là thiên đường, thiên đường/Anh sẽ khiến em lả lướt/ Nơi đâu em ao ước…” . Ca khúc Tan ka ka (Ganja) mô tả lộ liễu cảnh sử dụng chất gây nghiện: “8 tiếng, tan ka, vác xác thân mệt mỏi về nhà/Quấn điếu Ganja, mơ màng buông mình xuống sofa/Ai ja ja ja, đêm nay ta với ta phòng ngập khói Ganja/… Vê một bi vật vã, phê pha lê la bê tha kề khà cho đã đời …”. |
Bản thân những yếu tố như “phản cảm”, “vi phạm thuần phong mỹ tục” cũng đang gây ra những dấu hỏi lớn cho người quản lý sáng tác nghệ thuật. Thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục, thế nào là phảm cảm… đều thuộc phạm trù định tính, không phải định lượng. Do đó, chúng liên tục được đưa ra để chỉ trích các sản phẩm trên thị trường, nhưng lại không thể giúp cơ quan quản lý có khuôn khổ từ khâu tiền kiểm. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - hình sự (Bộ Tư pháp) nhận xét: Các yếu tố chống Đảng, Nhà nước thì dễ thẩm định, nhưng thuần phong mỹ tục thì “rất mông lung. Không giống như 2+2 là 4. Để quản lý ít nhất cũng phải có những ví dụ làm mẫu, như tại tòa án gọi là án lệ. Chúng ta cần hiểu rằng ở thời điểm hiện tại, quan niệm về thuần phong mỹ tục đã trở nên rất khác biệt”.
Trên thực tế, các sản phẩm nhạc nhảm thậm chí không cần cấp phép để phổ biến, khi chỉ cần đăng tải trên mạng xã hội là đã có người xem. Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, đang thiếu sự liên kết giữa Cục NTBD với Bộ Thông tin - Truyền thông và các đơn vị quản lý an ninh mạng. “Nếu chỉ làm như hiện nay là mở các cổng điện tử để trao đổi bằng văn bản thì chưa đủ. Người làm quản lý phải sống cùng cộng đồng mạng thì mới nắm rõ được mọi vấn đề, những góp ý phản hồi, dù là bất mãn hay xây dựng thiện chí”, bà Châu nói. Theo bà Châu, không nắm rõ được giới trẻ đang yêu thích thứ gì thì sẽ không rút ra được bài học gì có ích. “Một ví dụ đơn giản là nếu chúng ta hiểu được cơ chế làm MV âm nhạc như hiện tại, với hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, người viết kịch bản hay thì chúng ta có thể ứng dụng vào những ca khúc chính thống, đi cùng năm tháng. Từ đó, tự khắc sẽ có những món ăn tinh thần ngon hơn, đẩy lùi dần những sản phẩm mang tính thời vụ nhảm nhí”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận