Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tặng hoa nữ nhân viên đường sắt Thanh Hóa |
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của Bộ GTVT vừa có chuyến khảo sát thực tế tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh (Nghệ An). Sự xuất hiện của Bộ trưởng, Thứ trưởng không chỉ khiến hành khách mà cả tổ tàu cũng bất ngờ.
Đường sắt đã có nhiều thay đổi
5h50 sáng 10/12, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng một số cán bộ Bộ GTVT có mặt tại ga Hà Nội. Lướt qua và quan sát một lượt hệ thống bán vé, phòng chờ, cửa ra-vào sân ga… Bộ trưởng bước lên chuyến tàu SE7 hành trình Hà Nội - TP.HCM. 6h, như thường lệ, chuyến tàu SE7 rời ga chở theo gần 300 hành khách, trong đó có Bộ trưởng GTVT.
Trên tàu, Bộ trưởng trực tiếp quan sát các toa xe, ghế ngồi, tới các toa tàu, ân cần hỏi thăm nhiều hành khách xem đi lộ trình nào, có đóng góp ý kiến gì về giá cả, chất lượng phục vụ của đường sắt.
"Ngành Đường sắt có tiềm năng lớn nhưng hiện chưa khai thác hết hiệu quả vốn có. Do đó, cần tăng cường khảo sát thực tế, nghiên cứu và triển khai các giải pháp, đầu tư phát triển đường sắt để giảm tải cho đường bộ. Đồng thời, cũng để phát triển toàn diện các lĩnh vực GTVT. Chuyến khảo sát thực tế tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh hôm nay cũng để đáp ứng yêu cầu đó”. Bộ trưởng Bộ GTVT |
Cho biết chất lượng phục vụ ngành Đường sắt những năm gần đây đã có sự chuyển biến vượt bậc, chị Lê Thị Thanh Huyền (trú ở Văn Quán, Hà Đông) bất ngờ khi được biết người vừa ghé qua toa tàu, hỏi thăm từng hành khách là Bộ trưởng Bộ GTVT. “Tôi ở Hà Nội nhưng quê Nam Định nên thường xuyên về quê. Dù nhà có ôtô riêng, xe khách tuyến Hà Nội - Nam Định chất lượng tốt, nhưng tôi vẫn chọn đi tàu vì chỗ ngồi rộng, trong hành trình có thể đi lại, vệ sinh, mua đồ ăn, uống dễ dàng…”, chị Huyền nói.
Ông Nguyễn Khắc Sản (trú ở thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho hay, ông ra Hà Nội chơi với con và giờ đi tàu trở về ga Yên Trung (Hà Tĩnh). “Nhiều năm rồi tôi mới đi tàu, thấy khác xưa quá, nhất là chất lượng phục vụ. Tàu sạch sẽ, đúng giờ, sàn tàu không còn rác bẩn, nhân viên chu đáo. Tôi còn được nhà tàu giảm giá vé do là người cao tuổi, nên chỉ mất 170 nghìn đồng, trong khi đi xe khách là 200 nghìn đồng”, ông Sản nói.
Trưởng tàu Trần Xuân Hùng cho hay, trước khi tàu chạy, tổ phục vụ tàu lên họp bàn giao mới biết thông tin hôm nay có Bộ trưởng Bộ GTVT “vi hành” trên tuyến. “Chúng tôi vẫn triển khai nhiệm vụ bình thường như mọi ca trực khác. Những năm gần đây, do cạnh tranh khốc liệt của các loại hình vận tải, chất lượng phục vụ trên tàu đã được nâng cao, từ công tác tiếp thị, bán vé tại nhà ga đến phục vụ trên tàu. Như các bữa ăn trên tàu không còn chuẩn bị “công nghiệp” sẵn như trước đây. Thay vào đó, trước giờ ăn, nhân viên phục vụ sẽ đến từng toa hỏi từng hành khách có nhu cầu ăn gì để phục vụ. Tổ phục vụ tàu luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của hành khách 24/24h”, ông Hùng nói.
Bộ trưởng thăm hỏi CBCNV tổ tàu SE7 |
Không thụ động, ngồi chờ
Tàu đến ga Ninh Bình, rồi ga Thanh Hóa, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đều tranh thủ xuống tàu kiểm tra thực trạng nhà ga, hỏi han nhân viên đường sắt mặt đất, lắng nghe ý kiến của lãnh đạo, nhân viên trong ngành. Bộ trưởng cho biết, so với những năm trước đây, hiện ngành Đường sắt đã có nhiều thay đổi về chất lượng phục vụ, tuy nhiên cơ sở hạ tầng và phương tiện hầu như chưa có sự thay đổi, vẫn còn bất cập.
Tại ga Vinh, Bộ trưởng đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và lãnh đạo ngành Đường sắt. Bộ trưởng nhìn nhận, tiềm năng hành khách, hàng hóa của tuyến vận tải Hà Nội - Vinh rất lớn, nên Bộ GTVT đang làm kế hoạch tổng thể nâng cao hiệu quả tuyến đường sắt này. Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An quan tâm, cùng với đường sắt đầu tư cơ sở hạ tầng như mở rộng kho hàng, nâng cấp sân ga…
Rời ga Vinh, Bộ trưởng và đoàn công tác di chuyển bằng đường bộ tới ga Khoa Trường và ga công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Hiện, Nhà máy xi măng Bỉm Sơn giao lại toàn bộ cơ sở hạ tầng ga công nghiệp Bỉm Sơn cho đường sắt, nên Bộ trưởng chỉ đạo: “Để “nuôi” được ga này “sống”, ngành Đường sắt phải tự đi tìm khách hàng, không thể ngồi chờ”.
Tại ga Khoa Trường, sau khi nghe lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn trình bày các phương án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, việc nâng cấp ga Khoa Trường và hoạch định tuyến đường sắt từ ga Khoa Trường vào cảng biển Nghi Sơn là cần thiết. “Ga Khoa Trường hiện rất chật, đường vào khó khăn, do đó nếu mở rộng được ga Khoa Trường ra gần QL1 thì rất tốt. Diện tích đất từ QL1 vào ga không nhiều, nên nếu thu xếp được thì rất thuận lợi cho việc mở rộng, cải tạo ga”, Thứ trưởng nói.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa không đồng tình với phương án nắn tuyến đường sắt ra khỏi KKT Nghi Sơn vì như thế rất tốn kém. “Cần nghiên cứu lại phương án ngắn để đấu nối, ga vẫn nằm trong KKT. Ga Khoa Trường cần sớm được cải tạo, nâng cấp để trở thành ga hàng hóa phục vụ tốt cho nhu cầu vận chuyển của các doanh nghiệp trong KKT, còn đường sắt kết nối ga với cảng biển có thể xã hội hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận