Hồ sơ tài liệu

Vì sao Anh vẫn chưa cho nghỉ hàng chục “đoàn tàu ma”?

12/12/2015, 07:10

Hàng chục “đoàn tàu ma” vẫn lầm lũi chạy đều theo lịch trình 1-2 chuyến/ngày nhưng có khi không một bóng hành khách.

Ca chuyen tau
Cả chuyến tàu không một bóng hành khách.

Ớn lạnh vì vắng khách

Con tàu đi xuyên vùng ngoại ô West Yorkshire nối giữa TP Leeds và thị trấn nhỏ Snaith luôn khởi hành đúng 17h16 từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Các chuyến tàu quay trở lại khởi hành hai lần/ngày: 1 chuyến vào 7h16 sáng; 1 chuyến vào 19h01.

Cũng như bao người khác lần đầu đi tuyến này, Elise Ronan khi nhìn lịch trình ngày chỉ có 2 chuyến tàu e ngại cảnh người người xếp hàng mua vé, tàu đông đúc nhồi nhét khách. Nhưng thực tế, trong giờ cao điểm một ngày thứ sáu, tại sân ga Leeds - sân ga bận rộn thứ hai tại nước Anh nằm ở ngoại ô thủ đô London nhộn nhịp khách qua lại, tại khu vực tuyến Leeds - Snaith, Elise Ronan chứng kiến: “Chỉ có tôi và bạn đồng hành, ngoài ra không có hành khách nào khác”.

Hơn thế, lên tàu, Elise có “cảm giác ớn lạnh” khi cả toa vắng tanh không bóng người. Không chỉ vậy, trong mục bán vé với điểm đến là sân ga Snaith trên trang bán vé trực tuyến TheTrainLine.com, ban quản lý cảnh báo sân ga này không có máy bán vé tự động, phòng vé, điểm đỗ taxi… Đó chính là lý do vì sao người ta gọi tuyến Leeds - Snaith là “tuyến tàu ma” và sân ga Snaith là “sân ga ma”. Tuy nhiên, tuyến Leeds - Snaith và sân ga Snaith không phải là trường hợp hy hữu.

tau
Anh đang còng lưng duy trì dịch vụ hàng chục “con tàu ma” như vậy.

Thực tế, không ai biết chính xác tại Anh có bao nhiêu con “tàu ma”, “nhà ga ma” như vậy. Trên trang web The Ghost Station Hunters do những người đam mê săn lùng “tàu ma” sáng lập và điều hành, họ liệt kê được 37 “đoàn tàu ma”. Tuy nhiên, anh Hall-Smith, một người đam mê săn lùng các “chuyến tàu ma” cho biết, theo kinh nghiệm của anh, nếu soi trên lịch trình, số lượng “tàu ma” có thể lên tới 50 đoàn.

Kỷ lục về ít khách phải kể đến “tuyến tàu ma” Dorking West, hạt Surrey với số lượng 16 khách trong cả năm 2011-2012; 22 khách trong năm 2010-2011, theo thống kê của Văn phòng Đường sắt (ORR). Hiện, giới chức Anh chưa có số liệu điều tra chính thức về số lượng những “đoàn tàu ma” này. Ông Andrew Scott, một quan chức phụ trách báo chí Bộ Giao thông Anh cho biết, Bộ không sử dụng thuật ngữ “tuyến tàu ma” mà gọi đây là tuyến tàu chạy tần suất thấp. Hiện, cơ quan chức năng chưa có danh sách chính xác về các tuyến tàu này.

“Tàu ma”hay “tàu quốc hội”

Nghịch lý ở đây, tại sao không có khách mà tàu ma vẫn tồn tại? Ông Colin Divall, Giáo sư nghiên cứu về đường sắt tại Đại học York cho biết: “Những “con tàu ma” này rất vô dụng, dịch vụ kém. Nhưng sẽ rất “lắm chuyện” nếu ai đó có ý định đóng cửa tuyến đường sắt này. Đó chính là lý do vì sao người ta vẫn cố duy trì hàng chục “tuyến tàu ma” bấy lâu nay”.

Lý do đầu tiên đó là, các nhà điều hành “ngại” công đoạn xử lý phức tạp. Nhiều nhà điều hành vẫn giữ các tuyến tàu trống không hoạt động để tránh chi phí và hậu quả chính trị. Để hạn chế điều này, vài năm trở lại đây, Quốc hội Anh ban hành các thủ tục bắt buộc để kiểm định, đánh giá trước khi đóng cửa một tuyến tàu. Tuy nhiên, tình hình “tàu ma” vẫn giậm chân tại chỗ.

Cũng vì vậy, thời gian gần đây, người ta dần chuyển gọi “tàu ma” thành “tàu quốc hội”.

Theo quy định, đóng cửa một tuyến tàu vô cùng lằng nhằng phức tạp, nhiều thủ tục. Đầu tiên, cơ quan điều hành phải phân tích tác động của việc đóng cửa tuyến tàu đó với hành khách, môi trường và kinh tế. Đề xuất đóng cửa sẽ được đệ trình lên Bộ Giao thông. Sau đó đến giai đoạn 12 tuần tham vấn. Thời gian này, người ta cho phép tổ chức biểu tình, thậm chí có thể tổ chức điều trần công cộng nếu người dân cảm thấy bất hợp lý.

Cuối cùng, kế hoạch đóng cửa sẽ được đệ trình lên Văn phòng Đường bộ, Đường sắt để đưa ra quyết định cuối cùng. Khi được thông qua, các thông tin chi tiết về việc đóng cửa phải được công bố trên báo chí truyền thông rộng rãi 6 tháng trước khi chính thức đóng cửa.Do vậy, nếu tính chi phí về thời gian, quy trình làm giấy tờ, tiền thuế người dân, việc đóng cửa đường sắt còn tốn kém hơn chi phí tiếp tục duy trì.

Ngoài ra, người ta còn có một lý do tích cực khác khi tiếp tục duy trì “tàu ma” vì hy vọng trong tương lai, tuyến tàu đó sẽ được sử dụng thường xuyên. Đóng cửa dịch vụ đồng nghĩa cơ sở hạ tầng đường sắt xuống cấp trầm trọng. Sau này, khi tuyến tàu đó cần được mở lại, ban quản lý sẽ mất khoản tiền lớn để sửa sang nâng cấp cũng như đào tạo lại lái tàu. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.