Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) vắng vẻ ngày Tết |
Xe hợp đồng “trá hình” bùng phát, người dân chủ động về thời gian, phương tiện đi lại là một trong những nguyên nhân khiến dịp Tết năm nay, lượng khách đổ về các bến xe ở Hà Nội giảm một nửa so với mọi năm làm cho nhiều nhà xe ngỡ ngàng.
Bến xe vắng như “chùa bà đanh”
Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 28 Tết, thời điểm được cho là một trong những “ngày nóng” nhất khi người dân về quê đón Tết, các bến xe khách như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Yên Nghĩa... đều bất ngờ vắng vẻ, trái ngược hẳn với cảnh chen chúc, quá tải như những năm trước.
"Điều quan trọng là hiện nay chúng ta chưa quản được loại xe hợp đồng “trá hình”, đặc biệt là trong quản lý nghĩa vụ thuế đối với loại xe này. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các loại hình vận tải. Nếu không loại hình xe này sẽ nhanh chóng “bóp chết” xe khách chạy tuyến cố định”. Ông Nguyễn Văn Thanh |
Tại bến xe Giáp Bát, khu vực sảnh chính, nhà chờ, phòng bán vé chỉ xuất hiện lác đác một vài hành khách. Trong bãi cũng rất ít người qua lại, các quán ăn, quán nước không có khách. Hành khách lẻ tẻ vào bến, phụ xe đợi sẵn và xởi lởi mời “thượng đế” lên xe. Các xe cố tình kéo dài thời gian xuất bến để mong đón thêm khách. Một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Nam Định cho biết, chưa khi nào những ngày cuối năm số lượng khách đi xe lại ít như vậy. Các năm trước, nhu cầu hành khách lớn, các nhà xe đều chạy tăng cường, xuất bến là đầy khách.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay, lượng khách về quê ăn Tết năm nay tại bến xe giảm do sinh viên được nghỉ từ ngày 16/1 (19/12 Âm lịch) nên về quê rải rác. Công nhân tự tập hợp thành nhóm thuê xe hoặc được công ty thuê xe chở về quê. Cuối năm, thời tiết ấm áp, nhiều người cũng chọn phương án đi xe cá nhân. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đầu tư xe nhỏ từ 10 - 16 chỗ để tiện đón và trả khách tận nơi, không cần qua bến.
Bến xe Nước Ngầm cũng trong tình cảnh tương tự, không còn cảnh chen lấn mua vé và xếp hàng dài chờ xe như năm trước. Theo lãnh đạo bến, nhiều xe xuất bến về Thái Bình, Nam Định chỉ có 1-2 khách. Bến không điều động xe tăng cường. Ông Ngô Văn Hòa, 58 tuổi ở Hà Tĩnh cho biết: “Các năm trước, tôi ra thăm cháu về quê, chờ mãi mới mua được vé, lên xe lại bị nhồi nhét. Năm nay có nhiều xe, còn không bị tăng giá vé”.
Nguy cơ chia sẻ thị phần với xe hợp đồng trá hình
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại Đất Cảng cho rằng, do vắng khách nên doanh thu của công ty năm nay sụt giảm chỉ bằng 50% so với Tết năm ngoái. Trong tháng Tết công ty đã thua lỗ 3 tỷ đồng.
“Theo tôi, nguyên nhân chính là do hiện nay dịch vụ tại các bến xe thua kém so với loại hình xe hợp đồng “trá hình” hay còn gọi là xe Limousine đang “nở rộ”, thu hút một lượng lớn hành khách”, ông Hải lý giải và cho rằng, do công nghệ thông tin phát triển, người dân có thể chủ động lựa chọn, liên hệ với nhà xe, đặt vé online, thông tin cho nhau về chất lượng phục vụ... Thay vì phải mất thời gian và tiền bạc đến bến xe, người dân được nhà xe đón tận nhà.
“Trong khi xe tuyến cố định phải chịu nhiều sự quản lý thì xe hợp đồng ngược lại hầu như “tự tung, tự tác”. Cứ như thế này, nguy cơ nhiều nhà xe chuyển đổi sang xe hợp đồng, bỏ tuyến cố định thành xe hợp đồng “trá hình” sẽ xảy ra”, ông Hải nói và cho rằng, không riêng gì trong dịp Tết mà chắc chắn rằng, tới đây vận tải tuyến cố định sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Trong năm nay, thị phần vận tải sẽ có sự chuyển dịch lớn, các bến xe, nhà xe chạy tuyến cố định không nhanh chóng đổi mới chất lượng phục vụ chắc chắn sẽ không có khách. Nếu các doanh nghiệp có số lượng xe lớn không thay đổi chắc chắn sẽ phá sản, xe tuyến cố định nguy cơ sẽ bị xóa sổ”, ông Hải nói thêm.
Trong khi đó, ông Đặng Đình Thoại, Phó giám đốc Công ty CP xe khách Thanh Long (Hải Phòng) cho biết, do lượng khách vào bến chỉ bằng 50% so với năm ngoái nên Tết năm nay doanh thu công ty giảm xuống còn một một nửa, trong khi mọi chi phí vẫn phải đảm bảo. Anh em đi về mặt ai cũng buồn rười rượi. “Một nguyên nhân quan trọng khiến các nhà xe tuyến cố định rơi vào tình cảnh này là do xe hợp đồng “trá hình” với nhiều lợi thế đang thu hút lượng lớn hành khách, chiếm phần lớn thị phần của xe tuyến cố định”, ông Thoại cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, người dân đã chủ động tự điều chỉnh thời gian cũng như phương tiện đi lại. Đối với cung đường 100km, thậm chí trên 100km người dân đi xe máy về quê. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ dài nên người dân cũng đã điều chỉnh thời gian đi về, không đi tập trung vào những ngày đầu tiên hoặc ngày cuối của kỳ nghỉ nữa.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động mạnh, đón khách dọc đường. Nguyên nhân quan trọng nhất khiến bến xe vắng khách đó là loại hình xe Limousine hay là xe hợp đồng “trá hình” đang phát triển mạnh, hoạt động như tuyến cố định, họ đưa đón hành khách tận nhà. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà còn xảy ra ở nhiều thành phố khác trong cả nước. Điều này khiến cho thị phần vận tải đang chuyển dịch, sắp xếp lại. Thị phần vận tải tuyến cố định sẽ dần bị thu hẹp vì người dân đang ưa chuộng loại hình xe Limousine, sẽ ngày càng tìm loại phương tiện tốt, thuận tiện hơn cho hành trình của họ. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng nhưng lại nảy sinh xung đột lợi ích giữa xe hợp đồng trá hình với xe chạy tuyến cố định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận