Phụ huynh tập trung trước cổng trường Tiểu học Tuy An (phường An Phú, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) để xin cho con vào học lớp 1 - Ảnh: Thạch Quý |
Câu chuyện đi xin học cho con như đi… chiến đấu, bất luận vì lý do gì cũng phản ánh một bức tranh giáo dục còn quá nhiều điều bất cập. Mọi người đều có quyền học, vậy thì sao lại biến nó thành gánh nặng như thế?
Để xin cho con vào học lớp 1 trường Tiểu học Trần Quốc Toản (ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), hàng chục phụ huynh đã cố thủ, vạ vật trước cổng trường hơn một ngày đêm để mong giành được cho con mình một trong 65 suất cho năm học 2017-2018.
Đó chỉ là một trong muôn vàn ví dụ mà cứ năm nào, chuẩn bị vào năm học mới ta cũng có thể chứng kiến. Có điều, chuyện thường thấy những năm trước ở những thành phố lớn nay đã chuyển về tận các làng quê.
Câu chuyện đi xin học cho con như đi… chiến đấu, bất luận vì lý do gì cũng phản ánh một bức tranh giáo dục còn quá nhiều điều bất cập.
Với việc luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” đang đi vào giai đoạn nước rút, thì tình trạng trên lặp lại hết năm này, đến năm khác không thể coi là bình thường được nữa.
Ở một góc độ khác, sau mùa tuyển sinh năm nay, dư luận băn khoăn về chất lượng đầu vào của các thày cô giáo tương lai khi điểm chuẩn nhiều trường sư phạm chỉ ngang với điểm sàn. Nhiều người đặt câu hỏi, hệ lụy của một thế hệ “thày cô điểm sàn” với đầu vào 3 điểm dưới trung bình sẽ là gì? Và vì sao các trường sư phạm trong con mắt thí sinh trở nên “rẻ rúng” như thế?
Đó lại là một bất cập khác của ngành Giáo dục. Trong những năm qua, có quá nhiều trường sư phạm hoặc đào tạo sư phạm, nhiều trường cao đẳng sư phạm chuyển thành đại học, địa phương nào cũng đào tạo sư phạm. Có trường thì phải có chỉ tiêu tuyển sinh cao mới có nguồn ngân sách để duy trì việc dạy và học. Tuyển sinh thì nhiều mà đầu ra vô cùng hạn chế. Học sinh giỏi không thi vào sư phạm do sợ không có việc làm, nên mới đổ dồn vào các trường công an, quân đội… Ấy là chưa kể, thầy cô giáo ở các địa phương thu nhập quá thấp, hàng năm lại phấp phỏng lo vì sợ bị điều chuyển đi nơi khác.
Không phải đã đến lúc mà đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không, ngành Giáo dục phải tính toán lại cách thức để trả lại vị trí đáng kính cho nghề sư phạm.
* *
Trở lại câu chuyện ban đầu.
Nếu các trường học được quy hoạch hợp lý trên các địa bàn, nếu giáo dục không bị “bỏ lại” trong cơn sốt đô thị hóa, chung cư hóa, nếu các trường không quá tải, có lớp lên tới 60 học sinh; Nếu phụ huynh học sinh được chọn trường chứ không phải “tranh đấu” mới xin được một suất học cho con thì mọi chuyện đã khác. Khi đó, các trường phải bằng mọi giá tuyển giáo viên giỏi, cải cách quản trị nếu không sẽ không được phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Với các trường đại học, nếu 3 năm liên tiếp không tuyển đủ sinh viên thì không nên cho mở lớp, như vậy mới chặn được việc hạ điểm sàn vô tội vạ để chiêu mộ thí sinh.
Việc học là một nhu cầu tự thân, mọi người đều có quyền học, vậy thì sao lại biến nó thành gánh nặng, để phụ huynh, học sinh, thày cô cùng… “chiến đấu” vất vả đến như thế?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận