Thế giới giao thông

Vì sao các “ông lớn” hàng không châu Âu liên tiếp phá sản?

09/10/2017, 08:37

Chỉ trong 50 ngày, 3 hãng hàng không lớn của châu Âu nối đuôi nhau sụp đổ, bộc lộ những bất cập...

31

Monarch, hãng hàng không lớn thứ 5 của Anh ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hành khách

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, sự suy thoái của một vài tập đoàn hàng không cũng mang đến nhiều cơ hội cho các công ty khác ngoi lên bứt phá.

Hiệu ứng Domino

Sự sụp đổ đầu tiên phải kể đến Air Berlin - hãng hàng không lớn thứ hai của Đức và cũng là một hãng lớn nhất nhì của châu Âu. Nối tiếp là Alitalia, hãng hàng không quốc gia Italia; Sau đó, hãng bay lớn thứ 5 của Anh quốc - Monarch cũng tuyên bố ngừng hoạt động. Động thái của Monarch khiến 110.000 hành khách bị mắc kẹt cục bộ ở nước ngoài.

Sự thất bại của 3 hãng hàng không chỉ trong 50 ngày khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với các hãng hàng không châu Âu? Một số nhà phân tích nhận định rằng, đây là hiệu ứng domino trong ngành hàng không ở “lục địa già” và sẽ còn tiếp tục lan tỏa. Trong vài tháng tới, có lẽ sẽ còn nhiều hãng hàng không chứng kiến thua lỗ, những hãng nhỏ, yếu đang gánh áp lực nặng nề. Nguyên do chính là vì cạnh tranh khốc liệt và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Hãng tin CNN dẫn lời nhà phân tích giao thông tại Cantor Fitzgerald, ông Rob Byde cho biết: “Về cơ bản, đây là vấn đề quy mô và cạnh tranh. Có lẽ trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người chơi trong ngành hàng không châu Âu rơi rụng cùng với đó là ngày càng nhiều cuộc hợp nhất các hãng hơn nữa”.

Lý giải về nguyên nhân đẩy thị trường hàng không châu Âu vào khó khăn, hãng CNN dẫn lời nhà phân tích thị trường hàng không độc lập Louise Cooper cho biết, các hãng hàng không giá rẻ do Ryanair và EasyJet dẫn đầu đã chiếm thị phần khổng lồ tại châu Âu nhờ các chính sách bay giá rẻ chỉ từ 10 bảng Anh (tương đương 13 USD).

Chính sách này giúp máy bay của họ không bao giờ thừa ghế nhưng đẩy các đối thủ cạnh tranh vào khó khăn. Theo bà Cooper: “Khi thị trường này chứng kiến nguồn cung số ghế tăng nhanh hơn so với nhu cầu, tất cả các hãng đều phải giảm giá vé”. Và đó là khi cuộc “tàn sát” trong ngành này bắt đầu.

Các đối thủ cạnh tranh nhỏ bé hơn không thể ganh đua với các hãng hàng không giá rẻ hàng đầu vì quy mô của họ không đủ để yêu cầu giảm giá đối với các mặt hàng đắt đỏ như nhiên liệu máy bay. Trong khi đó, các hãng hàng không quốc gia thì chật vật vì phải gánh các chi phí truyền thống và nhiều kỳ vọng khác nên không thể áp dụng chiến lược của những hãng hàng không giá rẻ.

Chuyên gia về giao thông tại ngân hàng đầu tư Liberum, ông Gerald Khoo cho rằng, những “đối thủ” yếu nhất đang bị dẹp sang một bên. “Những hãng hàng không vốn gặp khó khăn tài chính trong nhiều năm liền sẽ gánh chịu áp lực nặng nề hơn nữa từ các đối thủ cạnh tranh đang hoạt động hiệu quả”, ông Khoo nói.

Ngoài yếu tố cạnh tranh, còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng tới ngành hàng không châu Âu đó là thiếu hụt phi công, các vụ tấn công khủng bố chết người khiến các hãng hàng không như Monarch phải tránh khai thác những nơi vốn là địa điểm nghỉ lễ nổi tiếng như Tunisia và Ai Cập.

Cơ hội cho các hãng mới, có tiền

Song, thời thế thay đổi cũng là lúc tạo ra cơ hội cho các hãng hàng không mới hoặc các tập đoàn cùng lĩnh vực đang “rủng rỉnh tiền”. Họ có thể tung USD mua lại các hãng hàng không khó khăn với giá rẻ. Cuối tuần qua, hãng hàng không Qatar Airways thông báo sẽ mua một lượng cổ phiếu tối thiểu tại hãng hàng không Italia - Meridiana, một động thái sẽ giúp mở rộng hệ thống của hãng sang châu Âu.

EasyJet đang đấu thầu để mua tới 30 máy bay của Air Berlin cũng như các đội phi hành đoàn, chỗ đỗ, chủ yếu ở sân bay Tegel, Berlin. Còn Ryanair, sở dĩ không tham gia vào mua lại Air Berlin và đấu thầu mua tài sản của hãng hàng không Italia - Alitalia vì theo các nhà phân tích đến từ Goodbody, họ muốn tiếp nhận các máy bay 737 MAX mà Monarch đã đặt hàng.

Ngoài ra, một số đối tác khác như IAG, Wizz và Norwegian Air Shutlle lại quan tâm tời chỗ đỗ của Monarch tại các sân bay lớn ở Vương quốc Anh như Gatwick, Luton, Birmingham.

Về dài hạn, có thể hiện nay Ryanair đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhưng người chiến thắng vẫn sẽ là Ryanair, EasyJet - chuyên gia John Grant đến từ Công ty Tư vấn Hàng không JG nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.