Y tế

Vì sao cần nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm ở trẻ?

20/10/2022, 06:55

Nếu cha mẹ không nhận biết được dấu hiệu trầm cảm ở trẻ để sớm có giải pháp, các con có thể sẽ rơi vào trạng thái tâm lý rất tiêu cực.

Áp lực vô hình

Nằm điều trị trong Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai được 10 ngày, cô trò nhỏ lớp 8 Nguyễn Hoan Ca (tên nhân vật đã thay đổi, trú tại Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của mình với giọng điệu rất tự tin, linh hoạt.

Hoan Ca cho biết, tuy không học giỏi toàn diện nhưng riêng với môn Hóa, em luôn tự tin với kiến thức, điểm số và vị trí đứng đầu lớp của mình.

“Càng giỏi lại càng áp lực, chính con đã luôn tạo áp lực với mình bởi mục tiêu không để bất kỳ bạn nào vượt mình”, Hoan Ca nói và cho hay, sự ganh đua về điểm số luôn tạo áp lực đè nặng lên đôi vai khiến em ngày càng căng thẳng.

img

Một bạn trẻ điều trị trầm cảm tại Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai

Cô trò nhỏ cũng nhận ra sự bất thường của chính mình và mạnh dạn nói với mẹ cho đi khám bác sĩ tâm lý. Chị Minh Hoan, mẹ Hoan Ca, dù đã nhận thấy con có một số thay đổi song vẫn giật mình trước lời đề nghị của con: “Tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi khá tiêu cực của con, thường ngủ nhiều, hay cáu kỉnh và ít giao tiếp với mọi người trong nhà”.

Nhận kết quả con bị trầm cảm, cần can thiệp điều trị sớm, chị Hoan không khỏi bất ngờ, lo lắng. Tuy nhiên, thấy con nhận thức ra chính vấn đề của mình, chị tin tưởng con chắc chắn vượt qua với sự hỗ trợ của bác sĩ và gia đình.

“Chỉ hai ngày nữa con được các bác sĩ cho ra viện. Con nghĩ mình đã sai lầm với cách xử trí trước kia, nên chia sẻ, tâm sự với mẹ nhiều hơn”, Hoan Ca cho hay.

Trường hợp của Hoan Ca là một trong số nhiều bệnh nhân mắc trầm cảm học đường đã và đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua.

TS. Trịnh Thị Thanh Hương, Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến khám sức khỏe tâm thần tăng lên sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trung bình, có gần chục ca/ngày đến khám và điều trị tâm lý ngoại trú, trong số đó hơn một nửa là trẻ vị thành niên.

“Nguyên nhân có thể do học sinh quay lại học trực tiếp, trẻ chưa thích ứng môi trường sau thời gian dài. Cũng có thể, do áp lực thành tích bản thân hoặc áp lực từ cha mẹ khiến các con khó tập trung, chán nản… dẫn đến trầm cảm”, TS. Hương nhận định.

Dành thời gian đồng hành cùng con trẻ

Theo BS. Ths. Nguyễn Thanh Hà, Phó phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, qua thực tế khám và điều trị tâm lý cho trẻ trầm cảm, nhiều em chia sẻ là đã chuẩn bị các phương án tự sát mà bố mẹ không biết.

“Với lứa tuổi học đường, áp lực đến với trẻ từ nhiều phía, cả việc học tập, quan hệ với thầy cô, bạn bè và cả gia đình. Có bạn trẻ chia sẻ nghe rất đau lòng: “Con học vì bố mẹ chưa từng vì con” hay “Con không biết mình hứng thú, say mê gì, chỉ học vì sự sắp đặt của cha mẹ”. Các con khá mất niềm tin, không chia sẻ với bất kỳ ai, mất động lực cho chính bản thân…”, BS. Hà thông tin.

Nếu các bậc cha mẹ luôn đặt kỳ vọng lên con cái với mong muốn được “nở mày, nở mặt”, trong khi không hiểu khả năng và mơ ước của con, điều đó sẽ tạo áp lực rất lớn cho trẻ. Khi đó, trẻ thấy mình cô đơn, không muốn chia sẻ với tất cả, giữ kín trong lòng và lâu dần thành trầm cảm.
Đáng lưu tâm, nhiều trẻ đã giải tỏa bằng cách lên mạng xã hội tìm kiếm nhóm có hoàn cảnh như mình và thường là các nhóm rất tiêu cực, càng ảnh hưởng lớn tới tâm lý.

BS. Nguyễn Thanh Hà, Phó phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư


BS. Ths. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư khuyến cáo, cha mẹ cần nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm ở trẻ. Với trẻ từ 6 - 10 tuổi, về tâm lý, trẻ hay khóc lóc, bướng bỉnh, cãi lời, có hành vi gây hấn.

Trẻ thường buồn bã, thu mình, hay lo lắng và có các vấn đề về mất tập trung…

Về hành vi, trẻ thường tìm kiếm sự chú ý; rối loạn giấc ngủ, ăn uống, hay than phiền triệu chứng cơ thể…

Còn với trẻ từ 11 - 19 tuổi, trầm cảm thể hiện ở dấu hiệu thờ ơ, tuyệt vọng, tức giận, từ chối, thu mình; bơ phờ và thiếu động lực, mất quan tâm, tư duy và vận động chậm chạp, suy giảm nhận thức; ít chú ý hơn đến ngoại hình...

Đồng thời, trẻ thường tỏ rõ lo âu, chán ghét, thiếu tự tin, tự trách bản thân, nghiền ngẫm, lo sợ tương lai…

Ở giai đoạn trầm cảm nặng, trẻ xuất hiện suy nghĩ, hành vi hủy hoại bản thân hoặc tự sát.

Theo TS. Thanh Hương, việc điều trị tâm lý cho lứa tuổi học đường khá khó khăn. Với trẻ nhỏ (dưới 10 tuổi), khi cái tôi của các con thấp, còn bị ảnh hưởng nhiều bởi người lớn, việc tác động dễ dàng hơn.

Dù vậy, do nhận thức các con chưa đầy đủ nên đòi hỏi phải có phương pháp trị liệu phù hợp để tác động.

Còn với trẻ vị thanh niên, nhận thức các con có nhưng chưa hoàn thiện, đây là trở ngại nhưng cũng là lợi thế để tác động trực tiếp.

Vì khi trẻ cảm thấy đồng cảm, tin tưởng và chia sẻ được, cha mẹ cần đứng trên quan điểm của các con để phân tích, chia sẻ, tác động tâm lý thông qua nói chuyện, tư vấn.

“Quan trọng nhất là trẻ cần sự đồng hành từ bố mẹ, thầy cô giáo để tiếp tục suy nghĩ, học tập một cách tích cực”, TS. Hương nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.