Việc tăng giảm diện tích rừng là bình thường, nằm trong dự liệu
Ngày 18/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đã dẫn đầu khảo sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án cao tốc qua tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Cùng đi, phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: Tại Nghị quyết số 273/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng phục vụ 12 dự án cao tốc thành phần, diện tích rừng cần chuyển đổi khoảng 1.000ha; diện tích đất rừng là hơn 1.800 ha.
"Do dự án trải dài qua nhiều địa phương, đi qua khu vực điều kiện địa hình khó khăn, địa chất phức tạp. Vì vậy, chỉ đến khi triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật mới có đầy đủ số liệu địa hình, địa chất, thủy văn.
Từ đó, mới tính toán, tối ưu hóa phương án tuyến, giải pháp thiết kế, xác định chính xác phạm vi cần GPMB; xác định nhu cầu vật liệu, số lượng, vị trí các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, quy mô xây dựng tái định cư (TĐC). Đây là cơ sở thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm chính xác loại rừng, đất rừng, đất trồng lúa. Do đó, có sự sai khác so với số liệu đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 273", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, việc chuyển mục đích sử dụng rừng phát sinh tăng thêm của dự án cần kiểm tra, rà soát, tổng hợp số liệu để báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo quy định.
Do tục chuyển mục đích sử dụng rừng qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều đơn vị nên thời gian thực hiện tại mỗi tỉnh có khác nhau, khó đồng bộ về mặt thời gian.
Chưa kể, quá trình triển khai GPMB, còn một số địa phương chưa chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích rừng tự nhiên tăng thêm so với Nghị quyết số 273 làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ một số dự án.
Bộ GTVT đã có ý kiến với các địa phương chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu cần thiết để thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng các loại ngay sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương để thực hiện dự án.
Thông tin thêm, Thứ trưởng cho hay: Quá trình nghiên cứu lập dự án, các ngành, địa phương dựa trên bản đồ. Những số liệu được xây dựng khi đó chỉ là dự kiến. Khi vào thi công mới xác định được thực tế diện tích rừng cụ thể là bao nhiêu.
"Thủ tục triển khai một dự án cao tốc phải qua các bước đề xuất chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công. Đến lúc triển khai thi công nhiều thứ phát sinh. Do đó, không thể chính xác về mặt số liệu. Việc tăng giảm diện tích rừng là điều có thể xảy ra, nằm trong dự liệu của ngành và địa phương.
Bộ GTVT cũng đã tính toán đưa ra phương án tốt nhất về kỹ thuật, lợi về kinh tế, đảm bảo mọi điều kiện khi đưa vào khai thác và giảm thiểu việc chiếm dụng diện tích rừng", Thứ trưởng nói.
Khẩn trương báo cáo diện tích đất rừng phát sinh
Theo Bộ GTVT, đến nay, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng theo Nghị quyết 273 để bàn giao cho các ban QLDA, nhà thầu để triển khai thi công. Phần diện tích chưa chuyển đổi chủ yếu là phần phát sinh tăng thêm rừng tự nhiên, rừng trồng phát sinh (tuyến chính, các mỏ vật liệu,…).
Tại Bình Định, phần rừng tự nhiên phát sinh tăng so với Nghị quyết số 273 chưa được bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Tại vị trí này, khối lượng đất, đá phải đào phá khoảng 2,6 triệu m3.
Đây cũng là đường găng tiến độ của dự án. Hiện, nhà thầu phải tận dụng điều phối đắp nền đường cho các đoạn tuyến lân cận. Việc chậm trễ chuyển mục đích sử dụng rừng ở đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công đào, đắp nền đường, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
Cũng theo Bộ GTVT, tại Khánh Hòa, phần diện tích rừng nằm trong phạm vi dự án nhưng tăng thêm là 4,27 ha (thuộc đoạn Km347+100 - Km347+700, dự án Vân Phong - Nha Trang) có khối lượng đào đất, đá tận dụng lớn (khoảng 680.000 m3). Trong khi chờ các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, nhà thầu phải tận dụng điều phối đắp nền đường cho các đoạn tuyến lân cận.
Tại buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong việc chuyển đổi sử dụng rừng, đất rừng cho Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn.
"Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB trên toàn tuyến đạt 95%; đã hoàn thành 76/147 khu tái định cư; triển khai trên 600 mũi thi công trên toàn tuyến.
Các địa phương cần khẩn trương báo cáo cụ thể diện tích đất rừng phát sinh tăng do bố trí làm mỏ, làm bãi thải... Từ đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội kịp thời tham mưu trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết điều chỉnh chủ trương để thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án", ông Sơn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận