Tài chính

Vì sao cổ phiếu khoáng sản liên tục tăng nóng?

17/02/2025, 16:38

Cổ phiếu khoáng sản tăng mạnh nhờ căng thẳng thương mại làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguồn cung khan hiếm và giá kim loại leo thang. Dòng tiền đổ vào nhóm này khi nhu cầu nguyên liệu tăng cao, giúp nhiều mã bứt phá.

"Cơn lốc" cổ phiếu khoáng sản

Thị trường chứng khoán phiên ngày 17/2 tiếp tục chứng kiến làn sóng tăng mạnh của nhóm cổ phiếu khoáng sản, với hàng loạt mã duy trì sắc xanh, thậm chí nhiều mã tăng kịch trần.

KSV tăng 6,2% lên 299.500 đồng/cổ phiếu, BKC tăng gần 10% lên 58.100 đồng/cổ phiếu, MSR bứt phá hết biên độ gần 15% lên 22.400 đồng/cổ phiếu, trong khi BMC cũng tăng gần 7% lên 31.150 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, loạt cổ phiếu khác như MIC, MTA, FCM, YBM cũng tím trần, cho thấy dòng tiền đang ồ ạt đổ vào nhóm ngành này.

Nhìn lại diễn biến từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhóm cổ phiếu khoáng sản đã khởi động một đợt sóng tăng mạnh mẽ. BMC của Khoáng sản Bình Định, vốn dao động trong khoảng 20.000 – 22.000 đồng/cổ phiếu suốt một thời gian dài, bất ngờ bật tăng từ phiên 3/2 và duy trì xu hướng đi lên, đạt 31.150 đồng/cổ phiếu trong phiên hôm nay.

Vì sao cổ phiếu khoáng sản liên tục tăng nóng?- Ảnh 1.

Cổ phiếu khoáng sản tăng mạnh nhờ căng thẳng thương mại làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguồn cung khan hiếm và giá kim loại leo thang. Ảnh minh hoạ.

HGM của Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang cũng là một trong những mã có mức tăng đáng kinh ngạc khi leo từ 200.000 đồng/cổ phiếu lên 381.100 đồng/cổ phiếu chỉ trong chưa đầy nửa tháng, đưa cổ phiếu này trở thành mã có thị giá cao nhất trên sàn HNX.

MSR của Masan High-Tech Materials cũng chứng kiến cú tăng ngoạn mục, gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm nay, từ 10.800 đồng/cổ phiếu lên 22.400 đồng/cổ phiếu chỉ trong 5 phiên trần liên tiếp.

Ấn tượng nhất là đà tăng của BKC - Khoáng sản Bắc Kạn. Cổ phiếu này đã có 15 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó 14 phiên tăng trần, giúp thị giá chạy một mạch từ 14.400 đồng/cổ phiếu lên 58.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 4 lần chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

Không kém cạnh, KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV – Vimico dẫn đầu mức tăng trong nhóm, khi đã gấp hơn 6 lần từ 47.000 đồng/cổ phiếu lên 299.500 đồng/cổ phiếu kể từ cuối tháng 11/2024 đến nay.

Giải mã sức nóng của nhóm khoáng sản

Các chuyên gia nhận định rằng đà bứt phá của cổ phiếu khoáng sản lần này không chỉ đơn thuần xuất phát từ cung - cầu, mà còn bị chi phối bởi các yếu tố vĩ mô và xu hướng toàn cầu.

Trước tiên, căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, đặc biệt là kim loại và khoáng sản chiến lược. Nhiều quốc gia thắt chặt chính sách xuất khẩu nhằm bảo vệ tài nguyên trong nước, dẫn đến tình trạng khan hiếm trên thị trường toàn cầu.

Trung Quốc – quốc gia thống lĩnh thị trường kim loại hiếm – gần đây đã siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với đất hiếm, vonfram, tantalum và một số nguyên liệu quan trọng khác, khiến giá những mặt hàng này tăng vọt.

Vì sao cổ phiếu khoáng sản liên tục tăng nóng?- Ảnh 2.

Đà bứt phá của cổ phiếu khoáng sản lần này không chỉ đơn thuần xuất phát từ cung - cầu, mà còn bị chi phối bởi các yếu tố vĩ mô và xu hướng toàn cầu. Ảnh minh hoạ.

Đáng chú ý, cuối năm 2024, Bắc Kinh ban hành lệnh cấm xuất khẩu gali, germani, antimon – những nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và thiết bị quân sự – sang Mỹ. Đây được xem là động thái đáp trả sau khi Washington liên tiếp áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu lên Trung Quốc, đặc biệt là lần gần nhất vào ngày 2/12/2024.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thắt chặt quy trình kiểm soát xuất khẩu than chì – thành phần quan trọng trong sản xuất pin và thiết bị quốc phòng. Hiện nước này chiếm tới 77% sản lượng than chì toàn cầu (số liệu năm 2023). Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, biện pháp này nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và tuân thủ các cam kết quốc tế về kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.

Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng gia tăng áp lực bằng cách siết chặt kiểm soát đối với 24 loại thiết bị sản xuất chip và ba phần mềm cốt lõi phục vụ ngành bán dẫn, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc.

Đặc biệt, bộ nhớ băng thông cao (HBM) – công nghệ cốt lõi cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng điện toán tiên tiến – đã bị đưa vào danh mục kiểm soát chặt chẽ, với mục tiêu ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng năng lực AI trong lĩnh vực quân sự.

Bên cạnh yếu tố địa chính trị, giá hàng hóa thế giới cũng đang trên đà tăng mạnh. Từ đầu năm 2024, giá đồng đã tăng hơn 10%, trong khi nhôm, niken và vonfram – những kim loại quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất và công nghệ cao – liên tục lập đỉnh mới.

Đặc biệt, sự bùng nổ của ngành xe điện và năng lượng tái tạo càng làm gia tăng nhu cầu đối với kim loại quý hiếm, mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp khai khoáng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.