Xuất hiện tín hiệu hồi phục
Kết thúc phiên giao dịch sáng 19/3, chỉ số VN-Index ghi nhận tín hiệu hồi phục với 235 mã tăng, 197 mã giảm, qua đó tiến lên vùng 1.246 điểm. Thanh khoản thị trường giảm đáng kể so với phiên hôm qua, tương ứng 9,9 nghìn tỷ đồng.
Tại nhóm VN30, PLX, HPG, GVR là các cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào đà tăng. Tính tới hết phiên sáng, PLX là cổ phiếu tích cực nhất nhóm với biến động trên 3,2%. Ngược chiều, HDB là cổ phiếu tiêu cực nhất nhóm khi giảm 2%.
Sau đà giảm mạnh với thanh khoản lớn, thị trường chứng khoán bắt đầu xuất hiện tín hiệu hồi phục mặc dù chưa rõ ràng. Nhóm thép cho tín hiệu tích cực với đà tăng mạnh của các mã NKG, HSG, POM...
Tại nhóm đầu tư công, sắc đỏ đang chiếm ưu thế trong phiên giao dịch sáng nay. Kết phiên sáng, các mã cổ phiếu thuộc liên danh VIETUR gồm CC1, VCG, HAN... phân hóa trong sắc đỏ với đà giảm khoảng 2%. Các cổ phiếu cùng ngành khác như HHV, KSB, FCN, LCG... diễn biến cùng chiều với biến động lớn hơn.
Diễn biến cùng chiều nhóm đầu tư công, nhóm cổ phiếu thép có phần chững nhịp. Bộ 3 cổ phiếu HPG, HSG, NKG ghi nhận đà tăng khoảng 3%. Cá biệt, sắc tím bất ngờ xuất hiện tại cổ phiếu NKG. Ngoài ra, các mã vốn hóa nhỏ hơn như POM, TIS... biến động không đáng kể.
Ngoài ra, lực mua đã tăng dần tại nhóm BĐS trong phiên sáng nay. Kết phiên giao dịch sáng 19/3, các cổ phiếu như DIG, CEO, HDC, DXG... phân hóa trong sắc xanh, đỏ với dao động từ 1 - 3%.
Nhóm cổ phiếu blue-chips tuy tăng rất nhẹ, nhưng vẫn là trụ giữ nhịp cho thị trường. VN30-Index phần lớn thời gian là đỏ và kết phiên cũng chỉ tăng 0,07% với 13 mã tăng/13 mã giảm. Duy nhất HPG là đáng kể với mức tăng 3,04%. Top 10 vốn hóa của HoSE có 6 mã tăng gồm GAS, VHM, CTG, VPB và VNM nhưng đều rất yếu. Rổ VN30 có thêm GVR tăng 2,92%, PLX tăng 3,15% rất tốt, nhưng vốn hóa chưa đủ nhiều. Ngược lại số giảm cũng không có cổ phiếu nào quá xấu, dẫn đầu là HDB giảm 2,02% nhưng vốn hóa cũng chưa lọt top 20. BID giảm 1,15% và FPT giảm 1,06% là ảnh hưởng nhất vì thuộc Top 10 vốn hóa.
Trong diễn biến khác, dòng tiền tiếp tục có tín hiệu chốt lời tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tại nhóm VN30, cùng chiều với HDB các mã cùng ngành như VIB, TCB, STB... cũng ghi nhận trạng thái giảm điểm với mức độ lớn, nguyên nhân chủ yếu do gặp pháp áp lực chốt lời gia tăng.
Tại nhóm dầu khí, diễn biến của giá dầu trong ngày hôm qua đã tác động một phần tới biến động của cổ phiếu năng lượng. Chốt phiên sáng, PVD, PVS, BSR, PVC bắt đầu hồi phục với thanh khoản tăng dần.
Trên sàn HNX, nhịp tăng của nhóm HNX30 gây ra nhiều tác động tới chỉ số chung trong cuối phiên. Chốt phiên giao dịch sáng 19/3, số lượng mã đỏ đã chiếm ưu thế, chỉ số HNX-Index tiến lên vùng 237 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, tương đương 47 triệu đơn vị, trị giá khoảng hơn 974 tỷ đồng.
Trên UPCoM, dòng tiền đã có sự phân hóa rõ ràng. Chốt phiên, UPCoM-Index ghi nhận biến động không quá lớn. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 17 triệu đơn vị, giá trị khoảng trên 219 tỷ đồng. Cổ phiếu BSR đóng cửa tại mốc 18.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch thị đạt xấp xỉ 2,2 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, C4G khớp gần 280 nghìn đơn vị và đóng cửa tại vùng giá 11.300 đồng.
Cung cầu suy yếu, nhà đầu tư nên thận trọng
Kết thúc phiên ngày 18/3, VN-Index giảm 20,22 điểm (1,6%) còn 1.243,56 điểm; HNX-Index giảm 1,19% còn 236,68 điểm; UPCoM-Index giảm 1,13% về 90,32 điểm. Giao dịch rất sôi động đẩy thanh khoản thị trường lên rất cao, giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt 43.126 tỷ đồng. Cả ba sàn khoảng 48.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD).
Đến kết phiên sáng nay 19/3 thị trường giữ được trạng thái cân bằng là tín hiệu tích cực nhất. Trong 194 mã giảm chỉ có 52 mã giảm quá 1%, với thanh khoản chỉ chiếm 7,6% tổng khớp sàn HoSE. Phía tăng có 235 mã thì 87 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 37,4% sàn. Như vậy dù thanh khoản chung giảm đáng kể thì cơ cấu phân bổ vốn vẫn thể hiện hiệu lực đẩy giá rõ rệt.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, phiên giảm điểm hôm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân có thể kể đến như tuần này là tuần đáo hạn phái sinh hay cuộc họp của FED sắp tới, điều này khiến tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực và bán ra những cổ phiếu mà họ sợ mất lãi.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, thanh khoản thị trường tăng mạnh nhưng cầu lại cao. Đây là diễn biến tốt bởi đáng lẽ thông thường trước những sự kiện như vậy thì thị trường sẽ có những động thái bán tháo rất mạnh tuy nhiên phiên hôm nay lại thể hiện sự phân hóa lớn. Trong đó cổ phiếu bất động sản đóng vai trò quan trọng khi giữ sắc xanh và nhiệt cho thị trường, còn những cổ phiếu đã tăng trong giai đoạn vừa qua bị điều chỉnh.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng song quá trình đi lên trong ngắn hạn vẫn sẽ gặp khó.
Còn theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Nghiên cứu Đầu tư Agriseco, phiên giảm điểm hôm nay chủ yếu do thị trường đã tăng điểm khá tốt từ đầu năm nên việc điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, hầu hết các mã cổ phiếu đã có định giá không còn rẻ, đặc biệt khi có những thông tin liên quan đến tín phiếu cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
"Thị trường chứng khoán điều chỉnh về mức cân bằng là điều hợp lý. Thay vì mua vào, nhà đầu tư nên quan sát bởi lực bán hiện nay vẫn lớn. Nếu chấp nhận rủi ro có thể bắt đáy với nhóm VN30 song tốt hơn hết vẫn nên quan sát thị trường và có lẽ ngày mai xu hướng sẽ rõ ràng hơn", ông Khoa nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận