Đặc thù của hai cơ quan tiến hành tố tụng
Ngày 30/11, Bộ Công an công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hai tháng.
Theo Bộ Công an, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Luật được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ngoài những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng cảnh vệ.
Pháp luật hiện quy định ba nhóm đối tượng cảnh vệ. Trong đó, đối tượng cảnh vệ là con người gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn, Bộ Công an thấy cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Bộ Công an lý giải, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng. Đặc thù, tính chất công việc của hai chức danh này có liên quan trực tiếp đến việc chỉ đạo, tổ chức giải quyết các vụ án, vụ việc; xử lý vi phạm, tội phạm nên tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ bị kẻ xấu đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng là rất cao.
Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp và tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tính chất công việc của hai chức danh trên ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này.
Đồng thời, luật hóa kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; trong đó quy định Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, cấp cao.
Đề xuất cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết
Cũng theo Bộ Công an, thực tiễn cho thấy ngoài việc thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với đối tượng cảnh vệ theo quy định đang áp dụng, lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác theo đề nghị của các bộ, ban, ngành.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2018 đến nay, lực lượng cảnh vệ đã triển khai công tác bảo vệ theo đề nghị của các bộ, ban ngành gồm 56 đoàn. Trong đó, Ban Đối ngoại Trung ương 17 đoàn, Bộ Ngoại giao 6 đoàn, TAND tối cao 3 đoàn, Viện KSND tối cao 1 đoàn, Bộ Công an 22 đoàn...
Ngoài ra còn bảo vệ trụ sở cơ quan, như các Ban của Quốc hội tại Hùng Vương, trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Tràng Thi. Theo quy định của Luật Cảnh vệ, những địa điểm này không phải là khu vực trọng yếu, nhưng theo yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn, Bộ Công an vẫn triển khai công tác bảo vệ.
Từ thực tế trên, Bộ Công an cho rằng cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định trong Luật Cảnh vệ.
Mục tiêu để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận