Đủ khả năng đáp ứng về công nghệ
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải (TCKT) đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp.
Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tiếp tục áp dụng TCKT Mức 3 trong thử nghiệm tới hết ngày 30/6/2027. Từ ngày 1/7/2027 phải áp dụng TCKT Mức 4 trong thử nghiệm.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, trong khu vực ASEAN đa phần các nước đã áp dụng hoặc có lộ trình áp dụng Euro 4 (đơn cử như: Malaysia, Thailand, Singapore đang áp dụng Euro 4; Indonesia dự kiến áp dụng Euro 4 vào năm 2025, Philipine dự kiến áp dụng năm 2027) đối với xe mô tô.
Ở Việt Nam, thống kê đến năm 2024, xe mô tô đang chiếm số lượng đáng kể với khoảng 70 triệu xe lưu hành, thường tập trung nhiều ở nơi đông dân cư.
Chính vì vậy, phương tiện này cũng đóng góp lượng phát thải đáng kể ra môi trường, cần thiết để nâng mức TCKT để giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đưa mức phát thải ròng về "0" năm 2050.
Theo Cục Đăng kiểm VN, việc nâng cao mức TCKT đối với xe mô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới lên Mức 4 không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp bởi vì đa số công nghệ cho xe mô tô đáp ứng TCKT Mức 3 đã sẵn sàng có thể đáp ứng TCKT Mức 4, và không cần thay đổi quá nhiều về công nghệ.
Mặt khác, đa phần các công nghệ này đã có sẵn khi được các công ty mẹ sản xuất và áp dụng tại các thị trường có TCKT cao hơn Việt Nam. Do vậy tác động đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cũng không đáng kể.
Bên cạnh đó, việc nâng mức TCKT đồng nghĩa với việc các công nghệ sản xuất mới, thiết kế mới sẽ được đưa vào các sản phẩm nội địa. Đây có thể coi là tiền đề của chuyển giao công nghệ, một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, cũng như tiếp cận với các công nghệ mới.
Các nhà sản xuất lắp ráp và nhập khẩu cũng có cơ hội để phát triển các sản phẩm chung cho nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới khi không có sự chênh lệch về quy định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, hầu hết các nhà sản xuất thuộc VAMM đã có đủ công nghệ, cơ sở sản xuất để đáp ứng việc áp dụng khí thải Mức 4.
Đại diện Khối Đối ngoại, Công ty Honda Việt Nam cũng nhấn mạnh, Honda sẵn sàng về công nghệ để thực hiện TCKT Mức 4 với xe mô tô.
"Thực tế, hiện nay, các dòng sản phẩm xe mô tô của Honda cũng đang được bán tại nhiều thị trường đã áp dụng mức TCKT Mức 4, thậm chí là Mức 5. Do đó, với đề xuất tại dự thảo Quyết định, khi triển khai, công ty không gặp khó khăn về mặt công nghệ", vị đại diện này nói thêm.
Cắt giảm 50 - 60% khí độc hại ra môi trường
Cục Đăng kiểm VN cho biết, đối với người sử dụng sẽ có lo lắng nhất định về việc giá thành sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên, để đáp ứng một thị trường đầy cạnh tranh như ở Việt Nam, các nhà sản xuất sẽ tự điều chỉnh và cân đối để đưa ra mức giá phù hợp nhất.
Ngoài ra, giá thành sản phẩm có thể thay đổi, nhưng bù lại, người dân có thể sử dụng những phương tiện sạch hơn, môi trường sống cải thiện hơn, đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống.
"Theo thống kê, khoảng 50 - 60% lượng khí độc hại như Nox, CO, HC được cắt giảm nếu như tiêu chuẩn khí thải Euro 4 được đưa vào áp dụng. Đây là các chất có ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch làm giảm sức lao động, tác động đến năng suất lao động. Vì vậy, giảm phát thải từ xe mô tô được coi như là nhiệm vụ thiết yếu", Cục Đăng kiểm nhấn mạnh.
Đặc biệt, chất lượng môi trường sẽ tiếp tục được cải thiện một cách đồng bộ hơn khi việc kiểm định khí thải xe máy lưu hành đã được quy định trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và sẽ được triển khai trong tương lai gần.
Theo Cục Đăng kiểm VN, việc áp dụng mức khí thải cao hơn, đồng nghĩa với những cam kết về bảo vệ môi trường của Việt Nam đang được hiện thực hóa. Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển và hội nhập, việc được ghi nhận về đóng góp chung trong nỗ lực cải thiện và bảo vệ môi trường là một cơ hội lớn để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng là cơ hội để quảng bá thu hút du lịch, điểm đến lý tưởng của khách quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận