Vùng biển xã Kỳ Phú (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nơi 5 ngày xảy ra liên tiếp 2 trận động đất |
Dân không hiểu càng hoang mang lo lắng
Liên tục trong 5 ngày qua đã xảy ra 4 trận động đất tại Hà Tĩnh và Quảng Nam. Cụ thể, tại Hà Tĩnh, rạng sáng 22/10, một trận động đất có cường độ 2,3 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km, cách bờ biển huyện Cẩm Xuyên khoảng 5km. Trước đó, sáng 18/10, trận động đất với cường độ khoảng 3,8 độ richter ở độ sâu khoảng 10km, cách bờ biển huyện Kỳ Anh khoảng 5km. Tại Quảng Nam, 2 trận động đất cùng xảy ra trong ngày 21/10 ở khu vực huyện Bắc Trà My và Nam Trà My với cường độ tương ứng 2,6 và 2,8 độ richter.
"Mạng lưới trạm địa chấn quốc gia phát hiện động đất đang hoạt động với 30 trạm trải khắp đất nước. Mỗi trạm thường xuyên có chế độ trực ca 24/7, nên khi xảy ra động đất trên lãnh thổ đất nước hoặc vùng biển kế cận của Việt Nam, Viện Vật lý Địa cầu sẽ là nơi phát đi thông tin đầu tiên”. PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương |
Chia sẻ với PV về trận động đất ngày 22/10, bà Hoàng Thị Minh (46 tuổi, trú ở xã Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) kể: “Khoảng 4h sáng tôi và cả nhà đang ngủ thì nghe 2 tiếng nổ lớn, sau đó cảm thấy nhà cửa rung lắc. Vì cách đây mấy ngày cũng xảy ra hiện tượng này, nên cả gia đình sợ sập nhà bồng bế nhau ra khỏi nhà đến tận sáng”. Theo bà Minh, cuối tháng 9 vừa qua, người dân địa phương cũng đã được tập huấn về phòng chống thiên tai nhưng “chỉ ngồi nghe nên không để ý lắm”.
Theo ông Nguyễn Kiên Quyết, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, trong 10 năm trở lại đây, thi thoảng địa phương cũng có xảy ra hiện tượng động đất, tuy nhiên độ rung lắc không mạnh và liên tục như mấy ngày qua. “Riêng trận động đất ngày 18/10, tính từ khoảng 6h - 6h50 có liên tiếp 4 lần rung lắc, mỗi lần khoảng 4 - 5 giây. Chưa kể, trong 5 ngày xảy ra liên tiếp 2 vụ động đất. Đây là điều chưa từng xảy ra trong khoảng 10 năm nay”, ông Quyết nói.
Cũng theo ông Quyết, trước đây, các cơ quan chức năng cũng có lồng ghép tập huấn chương trình phòng chống thiên tai cho cán bộ và người dân, trong đó có nội dung ứng phó với động đất và sóng thần. Tuy nhiên, trước giờ các lớp tập huấn đều chỉ mới dừng lại ở học lý thuyết. “Từ ngày 18/10 đến nay, người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng. Rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm tìm ra nguyên nhân để người dân hiểu vấn đề, tránh gây hoang mang. Ngoài ra, Nhà nước sớm tổ chức tập huấn thực hành cho chính quyền và người dân ứng phó với loại hình thiên tai này để giảm thiểu thiệt hại nếu động đất tái diễn”, ông Quyết nói.
Khi nào động đất kèm theo sóng thần?
Chiều 22/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất xảy ra ngoài khơi Hà Tĩnh là những trận động đất nhỏ, xuất phát từ đứt gãy ở địa phương nên khó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. “Khu vực Bắc Trung bộ có 2 đứt gãy lớn là đứt gãy Rào Nậy và đứt gãy Sông Cả. Hai đứt gãy này chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam. Hai trận động đất ở ngoài khơi Hà Tĩnh vừa rồi có thể xuất phát từ những đứt gãy nhỏ nằm giữa 2 đứt gãy lớn này và không nằm ngoài dự đoán của các nhà địa chất Việt Nam. Tuy nhiên, với cường độ 3,8 độ richter thì trận động đất hôm 18/10 là trận mạnh nhất được ghi nhận bởi máy đo địa chấn tại khu vực Hà Tĩnh. Đây cũng là lý do gây ra tâm lý hoang mang lo sợ của người dân”, ông Phương cho biết.
Đối với 2 trận động đất tại Bắc Trà My và Nam Trà My của Quảng Nam, ông Phương cho hay, đây là hệ quả của việc thủy điện sông Tranh vào mùa tích nước hồ chứa. “Đây là những trận động đất rất nhỏ hay còn gọi là động đất kích thích, không gây thiệt hại về tài sản. Nếu người dân đã được tập huấn giáo dục cộng đồng thì hoàn toàn có thể bình tĩnh trải qua như những hiện tượng thiên nhiên bình thường”, ông Phương phân tích.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương, thông thường với độ lớn dưới 3 độ richter được coi là động đất yếu, nông, không có khả năng gây sóng thần. “Động đất thường đi kèm với tiếng nổ, rung lắc mặt đất. Nếu động đất nhỏ sẽ có tiếng nổ như nổ mìn từ xa vọng lại. Nếu động đất lớn ngoài vùng biển (từ 6,5 độ richter trở lên) kèm theo tiếng động ầm ầm như tiếng tàu hỏa từ xa chạy tới thì khả năng xảy ra sóng thần rất cao. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, không hoảng loạn, chạy ngay lên vùng đất trống trên cao”, ông Phương nói và cho biết, đây là những kiến thức thường thức song người dân lại không quan tâm, không chủ động tìm hiểu nên thường hoảng loạn khi chứng kiến.
Liên quan tới khả năng dự báo động đất, ông Phương khẳng định, hiện thế giới chưa có nước nào dự báo được chính xác thời điểm xảy ra hiện tượng thiên tai này. “Không giống như mưa bão có thể dự báo trước vài ngày thậm chí cả tuần, hiện tượng động đất chỉ có thể được thông báo nhận định về địa điểm, độ lớn khi nó đã xảy ra. Nhiều hiện tượng khác lạ trong tự nhiên cũng đã được ghi nhận trước khi xảy ra động đất như ếch nhái di cư, chó nằm trong nhà chạy ra sân… nhưng không thể dùng những hiện tượng này để khuyến cáo người dân, tổ chức sơ tán được. Tùy thuộc vào hệ thống kỹ thuật, từ lúc phát hiện động đất tới khi ra được bản tin thông báo nhanh cũng phải mất từ 15-30 phút”, ông Phương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận