Ngày 3/8, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ trì buổi làm việc nghe các đơn vị báo cáo tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là gần 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tính đến ngày 2/8, Đồng Nai mới chỉ giải ngân gần 2.400 tỷ đồng, đạt hơn 18% so với kế hoạch vốn. Hiện tại, với tỷ lệ giải ngân mới đạt 18% là đang thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Dự án cầu Thống Nhất, một trong những dự án đang bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Về kết quả giải ngân đối với nguồn vốn do UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch, hiện nay, có 20 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, dưới mức bình quân chung của tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có 7 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0%.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, ngay từ đầu năm 2023, công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công được tập trung thực hiện, trong đó, tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Lý giải về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân chủ yếu là các vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý trong bố trí và phân bổ vốn cho dự án đầu tư. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ nhiều dự án.
Ngoài ra, giá cả các mặt hàng vật liệu phục vụ xây dựng biến động theo xu hướng tăng trong các tháng đầu năm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình, dự án do chủ đầu tư, nhà thầu phải tính toán lại chi phí hoặc thi công cầm chừng để chờ giá nguyên nhiên vật liệu giảm nhằm hạn chế lỗ.
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị chức năng về vấn đề vốn đầu tư công.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Võ Tấn Đức đã phê bình các đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đạt thấp, đặc biệt là 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn 0%. Đồng thời, yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai sớm lập danh sách gửi Sở Nội vụ để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành công vụ năm 2023.
“Để đạt được tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trên 95% kế hoạch như cam kết với Chính phủ, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng tỉnh Đồng Nai phải giải ngân được trên 10% kế hoạch vốn. Vì vậy các chủ đầu tư phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, thực hiện nhanh công tác định giá đất, sớm xử lý bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án”, ông Đức nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận