Ban QLDA1 đã giải ngân được 466 tỷ đồng trong 801 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đăng ký (Trong ảnh: Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu dùng vốn trái phiếu Chính phủ do Ban QLDA1 làm đại diện chủ đầu tư) - Ảnh: Phúc Tuấn |
Chiếm tỷ trọng tới 70% vốn kế hoạch trái phiếu Chính phủ (TPCP) được giao của Bộ GTVT năm 2016, song đến nay, kết quả giải ngân của 8 ban QLDA, gồm: 1, 6, 7, 85, ATGT, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh và Hàng hải đều rất chậm, hầu hết các đơn vị giải ngân chưa đạt 50% so với kế hoạch đăng ký.
Tiêu không hết, nhiều đơn vị xin điều chuyển vốn
Trái với nhiều năm trước, các dự án giao thông thường giải ngân rất nhanh vốn TPCP, thậm chí phải xin ứng trước vốn của năm sau, nhưng năm nay, hầu hết các ban QLDA giải ngân không hết. Đơn cử, hơn 800 tỷ đồng là số vốn TPCP được Ban QLDA1 đăng ký giải ngân trong năm 2016 cho hai dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu và QL1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, ông Hoàng Đình Phúc, Tổng giám đốc Ban QLDA1 cho biết, đơn vị đã xin chuyển 100 tỷ đồng sang kế hoạch giải ngân năm 2017, còn lại 701 tỷ đồng sẽ giải ngân trong năm 2016.
Đến nay, Ban QLDA1 đã giải ngân được 466 tỷ đồng, còn lại 235 tỷ đồng phải giải ngân trong thời gian từ nay đến cuối năm. “Trong số 235 tỷ đồng, Ban QLDA1 đã đề nghị giảm hẳn 79 tỷ đồng do một số gói thầu tại hai dự án QL1 Thanh Hóa - Diễn Châu và QL1 qua Bình Thuận phải điều chỉnh giảm (khoảng 60 tỷ đồng) và 19 tỷ đồng là số tiền giảm trừ theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Như vậy, từ giờ đến cuối năm, chúng tôi còn phải giải ngân số tiền 156 tỷ đồng”, ông Phúc nói.
Không chấp nhận đơn vị giải ngân dưới 90% kế hoạch Liên quan đến tình hình thực hiện công tác giải ngân kế hoạch vốn TPCP năm 2016, chủ trì cuộc họp với các đơn vị cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các ban QLDA, Sở GTVT có báo cáo cuối cùng về kế hoạch giải ngân, kế hoạch điều chuyển vốn, trong đó đưa ra số vốn điều chuyển chính thức. Lãnh đạo các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT đối với việc không đạt kết quả giải ngân theo đúng cam kết. Cụ thể, trên khối lượng đã hoàn thành thì phải giải ngân trên 90% kế hoạch. Nếu dưới 90%, ban QLDA, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và giải trình nguyên nhân không đạt yêu cầu trước Bộ GTVT. |
Tương tự, đăng ký kế hoạch giải ngân cho 3 dự án: QL279 đoạn Tuyên Quang - Bắc Kạn; dự án mở rộng QL1 qua Quảng Bình và dự án QL1 qua Quảng Trị với số vốn TPCP lên tới 935 tỷ đồng, song ông Phạm Ngọc Biên, Phó tổng giám đốc Ban QLDA6 cho biết, trong quá trình thực hiện, đơn vị đã xin Bộ GTVT điều chỉnh giảm 77 tỷ đồng, số tiền còn lại phải giải ngân trong năm 2016 là 858 tỷ đồng.
“Hiện nay, chúng tôi đã giải ngân được 437 tỷ đồng và kế hoạch giải ngân trong tháng 12/2016 được khoảng 75 tỷ đồng, còn lại 346 tỷ đồng, Ban xin được điều chuyển sang 2017”, ông Biên nói và lý giải, trong tổng số 346 tỷ đồng có gần 200 tỷ đồng để chi trả phần khối lượng thi công các hạng mục bổ sung, còn 146 tỷ đồng liên quan đến thủ tục quyết toán.
Ông Vũ Ngọc Dương, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, năm 2016, đơn vị đăng ký vốn kế hoạch TPCP là 449 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Ban QLDA Thăng Long đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin giảm 200 tỷ đồng, còn lại 249 tỷ đồng giải ngân trong 2016. “Hiện nay, Ban Thăng Long đã giải ngân được 100 tỷ đồng. Trong số 149 tỷ đồng cần phải giải ngân từ giờ đến hết năm, chúng tôi đã có đầy đủ hồ sơ để thanh toán 70 tỷ đồng trong tháng 12, còn lại 79 tỷ đồng sẽ giải ngân trong tháng 1/2017”, ông Dương cho hay.
Lý giải về việc Ban QLDA Thăng Long xin giảm 200 tỷ đồng, ông Dương nói: “Ban đầu, dự án QL1 qua Phú Yên có tổng mức đầu tư 4.350 tỷ đồng, tuy nhiên, sau khi tiến hành rà soát dự án phải điều chỉnh giảm 900 tỷ đồng do không làm thêm cầu Bàn Thạch, kéo giảm tổng mức của dự án xuống còn 3.450 tỷ đồng. Trong số vốn của cầu Bàn Thạch mới điều chuyển đi hơn 400 tỷ đồng, còn lại hơn 400 tỷ đồng, Ban Thăng Long đã đề nghị giảm hẳn 200 tỷ đồng trong số vốn kế hoạch TPCP năm 2016”.
Đăng ký kế hoạch vốn 1.910 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 1.200 tỷ đồng, tuy nhiên, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi báo cáo Bộ GTVT xin điều chỉnh giảm tiếp 150 tỷ đồng. Vừa qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã cố gắng quyết toán các dự án. Năm nay, Ban Hồ Chí Minh sẽ giải ngân khoảng 1.760 tỷ đồng, từ giờ đến hết tháng 1/2017, chúng tôi sẽ giải ngân hết 570 tỷ đồng còn lại”.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 qua Hà Tĩnh dùng vốn trái phiếu Chính phủ - Ảnh: Văn Thanh |
Chủ đầu tư, Ban QLDA chậm quyết toán dự án
Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch vốn TPCP năm 2016 Bộ GTVT được giao 24.612 tỷ đồng, bao gồm 9.691,7 tỷ đồng kế hoạch năm 2015 kéo dài và 14.920,3 tỷ đồng kế hoạch năm 2016. Đến nay, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 7.215 tỷ đồng (đạt 29,3%). Theo kế hoạch được giao, 8 Ban QLDA: 1, 6, 7, 85, ATGT, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh và Hàng hải chiếm tỷ trọng khoảng 70% mức vốn kế hoạch TPCP được giao cho cả Bộ GTVT.
“8 ban này có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn TPCP của Bộ GTVT. Các ban này chậm, chắc chắn Bộ sẽ chậm. Đến nay, kết quả giải ngân của 8 ban đều đạt tỷ lệ rất thấp, cơ bản chưa đạt 50% so với kế hoạch đăng ký”, ông Hoằng nói và cho biết, giá trị giải ngân còn lại từ nay đến cuối năm tính theo số đăng ký còn rất lớn, khoảng 7.500 tỷ đồng, bao gồm: Kế hoạch 2015 kéo dài là 4.286 tỷ đồng, kế hoạch 2016 là 3.170 tỷ đồng. Trong khi đó, thời hạn giải ngân vốn kế hoạch 2015 kéo dài là 31/12/2016, gia hạn giải ngân kế hoạch 2016 là 31/1/2017.
Đề cập nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiến độ giải ngân nguồn vốn TPCP năm 2016 của Bộ GTVT bị chậm so với yêu cầu, ông Hoằng cho biết, nguyên nhân căn bản do năm 2016 là năm cuối của kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 và bổ sung giai đoạn 2014-2016 nên các dự án đã được giao kế hoạch theo đúng mức vốn TPCP giai đoạn. Rất nhiều dự án có vốn dư, điển hình như: Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên,… do là năm cuối nên được giao hết với mức cao, vượt khả năng giải ngân.
“Trong kế hoạch 2016 có 4.250 tỷ đồng bố trí cho dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả. Tuy nhiên, dự án được bổ sung hạng mục hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân nên phải điều chỉnh lại phương án tài chính mới đủ điều kiện để giải ngân. Bên cạnh đó, các chi phí để quyết toán dự án không thể chi trả ngay trong năm 2016 mà phải kéo dài sang năm 2017, như tiền bảo hành công trình 5% phải giữ lại chứ không thể tiêu ngay được khiến tiến độ giải ngân bị chậm”, ông Hoằng nói và nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng giải ngân bị chậm tiến độ do các chủ đầu tư, ban QLDA chậm quyết toán dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận