Liên quan đến 6 nhánh ram lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long mới được hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác, nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao thiết kế của các nhánh ram này lại không đồng nhất về kiến trúc, nhánh được thiết kế đổ dốc khá cao, nhánh lại được làm cong, thoải?
Các nhánh kết nối lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đảm bảo yêu cầu chất lượng, an toàn và đang chờ ngày đưa vào khai thác - Ảnh minh họa
Giải đáp thắc mắc trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Phòng Điều hành dự án 1, Ban QLDA Thăng Long cho biết, các nhánh ram kết nối cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đều được thiết kế với độ dốc 5%.
Thiết kế kỹ thuật này phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế của dự án và đã được Bộ GTVT phê duyệt, hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá đảm bảo yêu cầu về chất lượng và ATGT.
“Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường, nhiều người có thể thấy, có nơi nhánh ram đi thẳng xuống, cảm giác dốc nhiều hơn, có vị trí nhánh ram lại thoải hơn là do không gian của từng khu vực đường dưới thấp.
"Hiện tại, thời gian thông xe, đưa 6 nhánh ramp kết nối đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vẫn chưa được ấn định. Ban vẫn đang hoàn thiện thủ tục để xin ý kiến chính thức của Bộ GTVT", đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết.
Ví dụ, mặt đường dưới khu vực nhánh ram tại nút giao Nam Thăng Long có đường Phạm Văn Đồng bên dưới đi lên dốc (lên cầu Thăng Long) nên mọi người sẽ thấy độ dốc của nhánh ram này đỡ hơn tại nhánh ram khu vực Cổ Nhuế”, vị này lý giải, đồng thời cho biết, việc thiết kế ram thẳng hay cong còn phải phụ thuộc vào tim đường của cầu cạn nằm trong đường cong hay đường thẳng.
Thông tin thêm về công nghệ thi công nhánh kết nối, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, khác với các nhánh ram kết nối đường Vành đai 3 trên cao đoạn Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển thi công bằng công nghệ dầm Super T (chiều dày dầm là 1,75m), 6 nhánh ram tại đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được thi công với công nghệ dầm hộp bản rỗng.
“Ưu điểm của dầm hộp bản rỗng này là chiều dày của dầm chỉ khoảng 1m, kích thước hình học phù hợp với mỹ quan đường đô thị hơn, tạo cảm giác thoải mái cho người lái xe tham gia giao thông”, đại diện này thông tin.
Được biết, hạng mục nhánh kết nối lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao được khởi công từ tháng 10/2020 tại khu vực: Hoàng Quốc Việt dài 247m; khu vực Cổ Nhuế dài 330m và khu vực Nam Thăng Long dài 222m.
Mỗi nút giao này sẽ được tiến hành xây dựng 2 ram lối lên và lối xuống, gồm một làn ô tô và một làn khẩn cấp.
Theo thiết kế ban đầu, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh lên, xuống tuyến đường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ GTVT đã phê duyệt bổ sung 6 ram với kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận