Thuế giảm, “cầu” vẫn èo uột
Đầu tháng 11, Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) vừa tổ chức cho một đoàn khách quy mô nhỏ đi tour trong nước ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở nhiều tỉnh.
Tuy nhiên, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism cho biết, trước ngày khởi hành công ty vẫn luôn phải theo dõi và điều chỉnh lịch trình từng ngày.
Các công ty du lịch cho biết ở thời điểm hiện tại gần như không được hưởng chính sách giảm thuế VAT bởi khách đoàn còn dè dặt đặt tour (Trong ảnh: Khách tham gia tour du lịch Cần Giờ, TP.HCM)
“Nhiều khi xe vừa chạy thì điểm đến bị chuyển vùng cam, lại phải điều chỉnh lập tức. Có những khách muốn đi thì lại đang ở trong vùng cam, vàng, đỏ không đủ điều kiện, đủ điều kiện nhưng vì lo lắng lại hủy tour...
Do đó, nhiều đoàn bị hủy, hoặc chỉ tổ chức được một nửa khách so với đăng ký, doanh nghiệp lại phải bù lỗ”, bà Ngần nêu thực trạng và cho hay, giai đoạn này nếu doanh nghiệp vẫn tổ chức đoàn thì rất rủi ro; nhưng cũng không thể ngồi chờ đến khi đảm bảo doanh thu, lợi nhuận mới vào cuộc.
Theo Nghị định số 92/2021 hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành, các tour du lịch như của Hanoi Tourism được giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 2 tháng 11 và 12/2021 nhằm giúp doanh nghiệp kích cầu.
Tuy nhiên, bà Ngân cho biết chính sách tốt nhưng không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp bởi hiện các đoàn đi rất ít, chủ yếu là nhóm nhỏ, vài người trong gia đình.
Nhóm khách này lại không quan tâm nhiều tới thuế VAT bởi chi phí của các nhóm này không đáng kể và bản thân doanh nghiệp cũng có chính sách giảm giá.
“Những đoàn lớn của các cơ quan, đoàn thể là những đối tượng quan tâm tới chính sách này nhất thì nay gần như không có, họ chưa dám đi vì vẫn còn dịch”, bà Ngần nói và cho rằng, phải khi nào sự lưu thông giữa các vùng thuận lợi và du lịch thực sự hồi phục, nhanh nhất là hết năm 2021 thì chính sách giảm thuế VAT mới có giá trị đối với khách hàng và doanh nghiệp.
Không riêng với Hanoi Tourism, đây cũng là tình cảnh chung của các công ty du lịch. Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành khác chia sẻ, ngày nào cũng có nhiều ca mắc trong cộng đồng ở địa phương này, địa phương kia nên lúc nào cũng phải lường trước tình huống đặt cọc rồi nhưng có thể bị hủy, bị lùi bất kỳ lúc nào.
Thời điểm này, công ty tổ chức tour chỉ mang tính chất phá băng, không lợi nhuận vì phải giảm tất cả các chi phí có thể.
“Số lượng tour trong hai tháng 11 và 12 thưa thớt, khách chủ yếu đặt sát ngày, có vấn đề phát sinh họ sẽ hủy ngay”, vị giám đốc nói.
Chính sách hỗ trợ nên mở rộng thêm?
Những ngày đầu tháng 11, khi dịch vụ vận tải bắt đầu được hưởng chính sách giảm thuế VAT 30%, nhưng ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội vẫn rầu rĩ.
Ông Quân cho biết, khó khăn của doanh nghiệp và các thành viên hiệp hội là khách vắng và giá đầu vào tăng mạnh.
“Giá xăng quá cao, đã gần 25 nghìn đồng/lít. Không chỉ G7 mà tất cả các đơn vị khác cũng không thể chịu nổi. Cực chẳng đã doanh nghiệp phải tính toán điều chỉnh tăng giá cước vì không thể nào bù đắp được chi phí đội lên. Doanh nghiệp cũng sẽ phải tính toán để người tiêu dùng chia sẻ và đảm bảo được đồng lương cho anh em lái xe.
Lúc này, lợi ích của doanh nghiệp xếp cuối cùng. Chính sách giảm 30% thuế VAT không giúp lượng khách đi taxi tăng lên, bởi chưa hoàn toàn hết dịch và nhất là không bù lại được giá xăng dầu đang tăng chóng mặt”, ông Quân nói.
Cũng phải đối mặt với tình hình dịch bệnh và giá cả đầu vào tăng cao, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thủy sản Đà Nẵng cho biết, thủy sản là ngành kỳ vọng đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh sản xuất khó khăn trong năm 2021 nhưng bản thân các doanh nghiệp thủy sản lại gần như đứng ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới nhất.
Ông Lĩnh chỉ ra, 2 chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp là chính sách giảm thuế VAT và chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì các doanh nghiệp thủy sản hầu như không được hưởng.
Cụ thể, với chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải đáp ứng điều kiện là doanh nghiệp tại vùng dịch và có doanh thu dưới 200 tỷ đồng năm 2021.
Ông Lĩnh cho rằng, với doanh nghiệp thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung chỉ một vài đơn hàng là doanh thu đã vượt con số này rồi nên không được xét vào đối tượng được hỗ trợ. Còn lại, nếu doanh nghiệp nào đình đốn hay dịch bệnh tác động tới mức phải đóng cửa thì cũng không có doanh thu để được giảm thuế.
“Còn giảm 30% thuế VAT thì phải là hàng tiêu dùng thị trường trong nước, hàng xuất khẩu thì nằm ngoài phạm vi này”, ông Lĩnh nói và cho rằng khó khăn là khó khăn chung với hầu hết các ngành nghề và doanh nghiệp, nên chính sách hỗ trợ cần mở rộng thêm, không nên chỉ bó hẹp như hiện nay.
Lưu ý gì khi lập hóa đơn giảm 30% thuế VAT?
Thông tin về thủ tục thực hiện hưởng chính sách hỗ trợ giảm 30% thuế VAT, Tổng cục Thuế cho biết, đối với doanh nghiệp, tổ chức áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì việc xác định giảm 30% mức thuế suất thuế VAT được thực hiện trực tiếp trên hóa đơn VAT khi doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Theo đó, khi lập hóa đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%”; Tiền thuế giá trị gia tăng; Tổng số tiền người mua phải thanh toán.
Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức áp dụng phương pháp trực tiếp tỷ lệ % trên doanh thu sử dụng hóa đơn bán hàng, trên hóa đơn bán hàng không có tiêu thức thuế VAT, do đó, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp, tổ chức thực hiện giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” và ghi chú trên hóa đơn bán hàng.
Khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15”.
Đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhiều hàng hóa, dịch vụ: Để đảm bảo cơ quan thuế theo dõi, quản lý và xác định đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn rõ doanh nghiệp, tổ chức thực hiện lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.
Đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế VAT chưa được giảm, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định những trường hợp này được phép lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận