Sự kiềm chế từ thế lực phía sau
Theo tờ Telegragh (Anh), Hezbollah được đánh giá là một trong những lực lượng chiến đấu phi nhà nước mạnh nhất thế giới, năng lực quân sự vượt qua quân đội nhiều quốc gia ở Trung Đông.
Họ cũng sở hữu một kho vũ khí đồ sộ, bao gồm cả tên lửa dẫn đường có khả năng tấn công bất kỳ thành phố nào của Israel.
Trong hai tháng qua, Israel nhiều lần không kích vào thủ đô Beirut, khiến một trong những tư lệnh có kinh nghiệm nhất của Hezbollah thiệt mạng. Tuần trước, nước này được cho là đứng sau vụ tấn công khiến hàng nghìn máy nhắn tin của Hezbollah bị nổ làm hơn 3.000 nghìn người thương vong.
Khi đó, lãnh đạo nhóm Hezbollah - Hassan Nasrallah nhiều lần cảnh báo Israel rằng bất cứ cuộc không kích nào nhằm vào nhóm này ở khu vực phía Nam Beirut đồng nghĩa thủ đô Tel Aviv của Israel sẽ phải chịu hàng loạt làn sóng tên lửa.
Mới nhất Israel tiếp tục tung đòn tấn công mạnh vào Beirut làm gần 500 người thiệt mạng.
Nhưng đến nay, phản ứng của nhóm này vẫn tương đối hạn chế. Do đó, báo Telegraph đặt câu hỏi vì sao Hezbollah vẫn chưa sử dụng các vũ khí tinh vi nhất?
Theo Telegraph, câu trả lời rõ ràng nhất là sự kiềm chế từ Iran.
Iran, được cho là nhà bảo trợ lớn nhất của Hezbollah và họ cũng là nhóm thân Iran trong khu vực. Các vũ khí như tên lửa dẫn đường chính xác Fateh 110 với tầm bắn 300km, máy bay không người lái tấn công đều được cho là do Iran cung cấp.
Tuy nhiên, nếu Hezbollah bắn quá nhiều tên lửa, có thể làm suy yếu khả năng răn đe của Iran đối với Israel.
Bởi Iran coi Hezbollah như một chính sách bảo hiểm, đáp trả Tel Aviv trong trường hợp Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của mình. Do đó, Hezbollah phải hành động thận trọng để phù hợp với Iran.
Cầm chừng để chiến đấu lâu dài
Bên cạnh đó, việc Hezbollah kiềm chế không để xung đột leo thang cũng vì chính họ. Một trong số đó là vì dư luận trong nước.
Theo ông Kassem Kassir, nhà bình luận có mối quan hệ gần gũi với Hezbollah cho biết nhóm vũ trang này hiểu Lebanon hiện đang trải qua tình trạng chia rẽ sâu sắc và nhóm này không muốn đưa đất nước vào một cuộc xung đột mà không phải ai cũng ủng hộ.
Lý do khác là vì họ muốn tránh "mắc bẫy" của Israel. Theo chuyên gia Kassir, Hezbollah lo ngại chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể đang cố tình lôi kéo họ vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
"Hezbollah hiểu nếu họ rơi vào bẫy đó thì họ sẽ phải đối đầu không chỉ với Israel mà còn với các quốc gia phương Tây hậu thuẫn Israel", ông Kassir nói.
Lý do thứ tư vì chiến lược quân sự dài hạn. Hiện nay, Hezbollah được trang bị tốt hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2006 khi nhóm này rơi vào cuộc chiến bế tắc và đẫm máu với Israel trong suốt 34 ngày tại khu vực phía Nam Lebanon.
Trong cuộc xung đột đó, nhóm Hezbollah chỉ có khoảng 15.000 tên lửa hầu hết là loại không có công nghệ dẫn đường.
Còn nay, họ có kho vũ khí gấp 10 lần với tiềm lực lớn hơn nhưng theo ông Kassir, Hezbollah có thể sẽ chọn thực hiện cuộc xung đột cấp thấp nhưng kéo dài để làm suy yếu quyết tâm của Israel hơn là bung toàn bộ hoả lực cho một cuộc chiến mà họ có thể không thắng.
"Làm suy yếu Israel thông qua một cuộc chiến tiêu hao, kéo dài đối đầu, theo tôi, đó chính là chiến lược Hezbollah đang hướng đến", chuyên gia Kassir nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận