Một phi công người Anh chưa tìm thấy người thân, thập tử nhất sinh nhiều ngày nay tại Việt Nam vì Covid-19.
Sự nỗ lực, tận tâm của các bác sỹ suốt 2 tháng qua đã giữ lại mạng sống của người phi công này khi đã phải mở khí quản, lọc máu, bơm rửa màng phổi và can thiệp ECMO (dùng tim phổi nhân tạo hỗ trợ).
Tuy nhiên, mọi thứ đang xấu hơn khi phổi của nam phi công 43 tuổi đã xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Các bác sỹ cho rằng có thể cần ghép phổi để duy trì sự sống.
Mặc dù phương án ưu tiên hàng đầu vẫn là lựa chọn phổi ghép từ người chết não nhưng báo chí vừa đưa tin đã có nhiều người sẵn sàng hiến phổi cứu bệnh nhân người Anh.
Chia sẻ với báo chí, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, có 2 cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm khiến anh cực kỳ xúc động.
Một là từ người cựu chiến binh hơn 70 tuổi. Ông nói Việt Nam đã làm quá tốt, không để người nào rớt lại phía sau. Cả dân tộc đồng lòng chống dịch, đến nay mới có hơn 300 người nhiễm, hơn 250 người đã khỏi, chưa có người nào tử vong.
Nếu hiến được phổi để cứu sống một người thì quá tốt. Góp sức mình cùng đất nước chống dịch, đó là tâm nguyện của một người lính, dù đã rời tay súng.
Một cuộc gọi khác từ cô gái mà anh Phúc từng biết trước đó, cô tham gia trong nhóm truyền thông về hiến tạng do anh làm quản trị. Cô gái 41 tuổi, đã có gia đình, có con.
Lời đề nghị khiến anh Phúc ngỡ ngàng vì cuộc sống của cô đang viên mãn nhưng cô lý giải rất giản đơn: Cuộc đời này cho em quá nhiều, em đã nhận sự giúp đỡ của rất nhiều người, giờ em muốn đền đáp lại những ân tình ấy.
Những cuộc điện thoại khác, người nói sẵn sàng hiến tạng nếu các chỉ số phù hợp, người tâm sự nếu hiến phổi giống như cho đi một quả thận, người cho vẫn có thể sống với quả thận còn lại thì không phải suy nghĩ nhiều.
Phượng Hoàng, một cán bộ làm truyền thông của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thì tự hào chia sẻ trên Facebook: “Lần đầu tiên đưa một trái tim phụ nữ từ Bắc vào Nam để ghép tạng. Cũng như lần trước, đợi trái tim đập lại trong lồng ngực mới, mình mới rời bệnh viện. Đêm nay một phụ nữ lại hồi sinh.
Về đến khách sạn, thấy hộp thư của Trung tâm nhận được hơn chục lời đề nghị tặng phổi cho bệnh nhân 91 người Anh. Thực sự rưng rưng, người Việt thật tuyệt vời, những trái tim chan chứa tình người”.
Tôi đặt câu hỏi cho anh Phúc: “Những người đề nghị tặng phổi cho bệnh nhân người Anh, họ có yêu cầu gì không anh?”.
Người đàn ông đã quá quen với những câu chuyện “khó tin” trong nhiều năm làm việc tại Trung tâm điều phối ghép tạng mỉm cười: “Không ai đòi hỏi gì em ạ”.
Những người hiến tạng đều đã tìm hiểu và họ biết nguyên tắc “vô danh”, “không vụ lợi” trong nghĩa cử này.
Những năm qua, nhờ những câu chuyện xúc động được lan tỏa như đôi mắt bé Hải An, thiếu tá hiến tạng cứu 5 người… nhiều người đã đăng ký hiến tạng khi chết não.
Đến nay, đã có 35 nghìn người tham gia chương trình, tuy con số còn khiêm tốn so với 90 triệu dân số nhưng rõ ràng đã có nhiều thay đổi trong quan điểm hiến tạng so với trước đây.
Chia sẻ một phần cơ thể của mình sau khi chết não để cứu sống người khác là sự hữu duyên, một phúc phận và sự can đảm không phải ai cũng có được.
Bởi ngay cả việc hiến máu, chúng ta cũng mất rất nhiều năm chưa thể xây dựng được đội ngũ tình nguyện viên hiến máu định kỳ đáp ứng nhu cầu cứu chữa người bệnh.
Nói vậy để thấy, khi việc vận động hiến tạng sau khi chết não hay hiến máu còn rất nhiều khó khăn thì câu chuyện tình nguyện hiến tạng khi đang sống thật sự tuyệt vời.
Vượt lên tất cả, họ sẵn sàng cho đi một phần cơ thể ngay khi còn sống mà không mưu cầu một điều gì, không có chuyện họ hy vọng ở một khoản đền bù vật chất nào đó, cũng như muốn nổi tiếng. Cách suy nghĩ ấy quá hẹp hòi với họ, những người đã hiểu “cho đi là còn mãi”.
Trong cuộc đời này, còn có những điều tốt đẹp như thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận