Xã hội

Vì sao khó đổi GPLX trực tuyến?

14/05/2024, 06:17

Việc triển khai dịch vụ đổi giấy phép lái xe trực tuyến giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí, chấm dứt tình trạng cò mồi. Tuy nhiên, do vẫn còn một số vướng mắc nên việc này chưa thực sự thuận lợi với người dân.

Xếp hàng làm trực tiếp vì không thể làm trực tuyến

Chiều 10/5, ghi nhận của PV Báo Giao thông ở cả 2 điểm cấp, đổi bằng lái xe của Sở GTVT Hà Nội tại Khu liên cơ 258 Võ Chí Công, Tây Hồ và 16 Cao Bá Quát, Ba Đình luôn trong cảnh đông nghịt người.

Vì sao khó đổi GPLX trực tuyến?- Ảnh 1.

Mỗi ngày, các điểm cấp đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội tiếp nhận từ 400-600 hồ sơ, trong khi việc tiếp nhận trực tuyến thấp hơn nhiều (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại điểm cấp, đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội tại Khu liên cơ 258 Võ Chí Công, Tây Hồ, chiều 10/5). Ảnh: Tạ Hải.

Ở địa chỉ số 16 Cao Bá Quát, hàng trăm người dân xếp hàng trong sân chờ đến số. Bên trong căn phòng cấp đổi đổi giấy phép lái xe (GPLX), cũng có hàng chục người sốt ruột ngồi chờ làm thủ tục.

Anh Nguyễn Trọng Thắng (Hà Đông), đến xếp hàng hơn một giờ vẫn chưa tới lượt, chia sẻ: "Trước đó, tôi loay hoay nhiều giờ đăng nhập Cổng dịch vụ công và làm theo hướng dẫn để đổi bằng lái trực tuyến nhưng đều không thành công, nên phải đi làm trực tiếp".

Lý giải về việc vì sao người dân phản ánh lên đường dây nóng của Cục Đường bộ VN nhưng không gặp được tổng đài viên, lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho biết tổng đài có rất nhiều nhánh. Trong đó, chỉ có nhánh số 7 là đổi GPLX, nhưng nếu tổng đài viên đang nghe cuộc gọi khác, người dân sẽ không gặp được. Để thuận tiện, người dân nên đổi GPLX tại các Sở GTVT địa phương, hoặc khi đăng ký cấp đổi GPLX trực tuyến, phần đơn vị thực hiện nên chọn là Sở GTVT các địa phương.

Một lát sau, anh Thắng quay ra, cầm phiếu hẹn trên tay, tỏ ra bức xúc: "Tôi phải chờ gần buổi chiều rồi nhận được giấy hẹn tới lúc 8h42 sáng 17/5, hồ sơ mới hoàn thành".

Theo cán bộ ở đây, không riêng anh Thành, tất cả người dân đến nộp hồ sơ đều có lịch hẹn do lượng hồ sơ quá tải, trong khi số lượng cán bộ phụ trách lại mỏng.

Ở trụ sở Khu liên cơ 258 Võ Chí Công, anh Đào Huy Trường, công tác trong ngành hàng không cho biết: "Tôi loay hoay suốt cả tuần với dịch vụ công trực tuyến nhưng không thể hoàn thành việc cấp đổi nên đành đến làm trực tiếp. Ở đây chờ khoảng 1,5 giờ thì được tiếp nhận hồ sơ. Qua đăng nhập trực tuyến, tôi thấy lúc thì nghẽn không vào được, lúc thì lỗi do phần mềm".

Ông Đào Duy Phong, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua đã ủy quyền cho 9 quận, huyện, thị xã thực hiện cấp, đổi bằng lái xe, nhưng 2 điểm của Sở GTVT vẫn luôn trong cảnh quá tải, người dân phải xếp hàng từ sớm. Mỗi ngày các điểm này tiếp nhận từ 400-600 hồ sơ, trong khi đó tiếp nhận qua dịch vụ công lại thấp hơn nhiều.

Ông Phong cho biết vẫn bố trí cán bộ để hướng dẫn người dân, song thực tế, việc cấp đổi trực tuyến có thời điểm bị lỗi, người dân gặp khó khi đăng nhập.

Dữ liệu cập nhật chậm, nhiều người chưa quen

Theo Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, trong 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có hơn 800 hồ sơ cấp đổi trực tuyến GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số GPLX được cấp đổi, tăng khoảng 10% so với thời điểm cuối năm trước.

Mỗi ngày cấp 1.500 GPLX trực tuyến

Việc thực hiện thí điểm đổi GPLX trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia được thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam từ năm 2021, triển khai đồng loạt trên toàn quốc vào tháng 11/2022. Về kinh phí, hiện mỗi năm được đầu tư hơn 2 tỷ đồng để thuê gói đường truyền thực hiện đổi GPLX trực tuyến.

Theo Cục Đường bộ VN, tính đến ngày 15/4/2024, cả nước đã tiếp nhận gần 255.000 hồ sơ đổi GPLX, đã trả kết quả hơn 215.000 GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trung bình 1 ngày cả nước cấp khoảng 1.500 hồ sơ.

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu GPLX với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp trên VneID, đã hoàn thành đối soát để làm sạch dữ liệu hơn 31 triệu trong tổng số hơn 34 triệu GPLX, đạt tỷ lệ hơn 90% có kết quả trùng khớp với dữ liệu dân cư. Số còn lại có kết quả chưa trùng khớp, trong đó có 2,2 triệu GPLX không có số CMND trong cơ sở dữ liệu dân cư, 533 nghìn GPLX được nhân bản 2 lần với 1 số CMND, 654 nghìn GPLX có định dạng CMND không đúng với định dạng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về tích hợp GPLX và xử lý vi phạm trên VneID, đã hoàn thành tích hợp thành công gần 10 triệu hồ sơ GPLX lên VneID, tăng gần 334.000 hồ sơ so với tháng 10/2023.

Thực tế triển khai cho thấy còn rất nhiều khó khăn như: Nhiều trường hợp, nhất là người cao tuổi không thể tiếp cận với công nghệ thông tin, không nhớ mật khẩu tài khoản VneID. Nhiều trường hợp không có số tài khoản để thanh toán trực tuyến. Việc tra cứu thông tin phạt nguội, vi phạm nhiều thời điểm thường xuyên xảy ra lỗi mạng, chưa được cập nhật; Giấy khám sức khỏe điện tử của nhiều cơ sở y tế cập nhật chậm, gây khó khăn cho công tác triển khai trực tuyến.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Thanh Hóa, phần mềm còn nhiều lỗi phát sinh, số lượng hồ sơ giới hạn thực hiện trong ngày còn thấp, dẫn đến nhiều công dân thực hiện không được.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Nghệ An cho biết, hiện tỷ lệ người dân thực hiện cấp đổi GPLX trực tuyến tại địa bàn chỉ đạt khoảng 50%, trung bình 100 lượt/ngày. "Những người trung tuổi đều rất ngại phải thao tác trên điện thoại, họ lựa chọn đến trực tiếp để làm", ông Tuấn cho hay.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Khánh Hòa, khi số người sử dụng dịch vụ trực tuyến này còn hạn chế. Ông Nguyễn Hoàng Hải, cán bộ hướng dẫn làm thủ tục đổi GPLX tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa cho biết, có khoảng 80% người dân chưa quen sử dụng VneID. Phần lớn không nhớ mật khẩu VNeID của mình nên khi hướng dẫn làm thủ tục rất mất thời gian.

Đề xuất sửa đổi một số thủ tục

Tại Hải Phòng, trong tháng 4/2024, có 1.756/2.236 hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt tỉ lệ 78,53%. Hải Phòng được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong việc cấp đổi GPLX toàn trình.

Vì sao khó đổi GPLX trực tuyến?- Ảnh 2.

Người dân làm thủ tục tại điểm cấp, đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội (số 16 Cao Bá Quát) chiều 10/5. Ảnh: Tạ Hải.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hải Phòng, hiện vẫn còn tình trạng một số cơ sở y tế khi khám và cấp giấy sức khỏe cho người lái xe chưa thực hiện chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc liên thông dữ liệu. Các cán bộ Sở GTVT không thể hỗ trợ được cho công dân vì thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác.

Ông Vũ Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết, đến nay tỉnh này đã thực hiện tiếp nhận để cấp đổi 3.355 hồ sơ. Tuy nhiên, hiện người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công toàn trình; Các trường thông tin yêu cầu còn nhiều và các bước thực hiện còn phức tạp.

Đối với thông tin cá nhân, người dân phải khai báo nhiều lần, trong khi những thông tin này đã có trong cơ sở dữ liệu. Việc người dân phải chụp ảnh để gửi kèm khiến dung lượng lớn, việc truy cập trực tuyến gặp khó. Cùng đó, thanh toán còn rất phức tạp, chưa có mã QR code để thanh toán phí qua các ngân hàng thương mại.

"Khi kiểm tra, đối chiếu nếu có sai sót sẽ mất nhiều thời gian trao đổi qua lại giữa cơ quan đổi và người dân. Việc trao đổi thông tin là qua email, trong khi thực tế rất ít người dân quen sử dụng email", ông Hạnh nói và cho biết đã có văn bản kiến nghị Cục Đường bộ VN sửa đổi, bổ sung một số nội dung.

Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa khả năng sử dụng công nghệ thông tin còn rất hạn chế, nhất là khâu chụp ảnh rồi chuyển đổi sang dạng PDF để đẩy lên hệ thống. Ông Minh đề xuất bỏ bớt một số thành phần hồ sơ phải nộp. Chẳng hạn như bỏ việc chụp CCCD, GPLX cũ đẩy lên hệ thống, vì đã có dữ liệu quốc gia dân cư; Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ xử lý ảnh chân dung sao cho thuận tiện, dễ dàng hơn…

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tháng đầu năm 2024 có 945 hồ sơ được thực hiện đổi trực tuyến. "Mỗi ngày cao điểm có khoảng 20 hồ sơ, cũng có ngày không có, người dân vẫn đến làm trực tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen, chưa rành về công nghệ", ông Thuận cho biết.

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai theo lãnh đạo Sở GTVT, trong tháng 4 có 144 hồ sơ đổi trực tuyến, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 4-5 hồ sơ. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều người vẫn quen làm trực tiếp, nhiều người không có các ví điện tử hay tài khoản để thanh toán khi làm trực tuyến.

Tại TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận gần 600 hồ sơ cấp đổi GPLX, trong đó hơn 200 hồ sơ nhận trực tuyến. "Dữ liệu của ngành y tế cần đẩy lên hệ thống sớm đề tạo liên thông. Hay như các trường hợp bị tạm giữ GPLX, ngành công an cũng cần cập nhật sớm để biết được người đề nghị cấp đổi vì lý do gì mà đề nghị cấp lại", ông Quang góp ý.

Cần nâng cấp đồng bộ

Lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho biết, việc đổi GPLX trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố như đường truyền, dữ liệu giấy khám sức khỏe, dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và thanh toán qua ngân hàng.

Về đường truyền hiện đang sử dụng gói hạn chế số lượng truy cập, có dung lượng thấp nên có những lúc chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Dung lượng đáp ứng cho việc truy cập chỉ khoảng 300 hồ sơ/ngày nhưng thực tế đã lên đến 1.500 hồ sơ/ngày, ngày cao điểm lên đến gần 3.000 hồ sơ khiến hệ thống quá tải.

Bên cạnh đó, việc đổi GPLX trực tuyến có thành công hay không phụ thuộc vào dữ liệu về giấy khám sức khỏe của ngành y tế. Có nhiều trường hợp người dân đã khám sức khỏe nhưng dữ liệu chưa được kết nối với cơ sở dữ liệu của Cổng dịch vụ công quốc gia nên không đăng ký được.

Trường hợp nữa là người dân không đăng ký đổi GPLX trực tuyến được là do dữ liệu xử lý vi phạm có thể cũng bị quá tải, không kết nối được với Cổng dịch vụ công quốc gia (không rõ GPLX của người đổi có bị thu giữ do vi phạm giao thông hay không). Việc thanh toán phí đổi GPLX qua tài khoản các ngân hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia có nhiều lúc không thanh toán được.

"Tất cả đồng bộ mới thành công được, hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Những tồn tại thuộc bộ, ngành nào thì bộ ngành đó cần nâng cấp, điều chỉnh kịp thời. Vấn đề này đang được Văn phòng Chính phủ theo dõi, đề nghị các bộ, ngành thực hiện.

Riêng dữ liệu đường truyền của Bộ GTVT, hiện đang đề xuất bố trí kinh phí nâng cấp dung lượng gói dịch vụ đường truyền, đảm bảo số lượng lớn có thể truy cập cùng lúc, tăng số lượng đổi trực tuyến", lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay.

Các nước cấp GPLX trực tuyến thế nào?

Việc cấp lại GPLX trực tuyến đã được nhiều nước triển khai từ lâu, mang lại lợi ích lớn, thuận tiện và dễ dàng, dù đôi lúc cũng gặp trục trặc kỹ thuật.

Trang web về dịch vụ công của Chính phủ Anh GOV.UK nêu rõ, công dân có thể đăng ký cấp lại GPLX nếu đáp ứng đủ các điều kiện là công dân Vương quốc Anh; Đã có GPLX và không bị tước bằng vì lý do sức khỏe, lịch sử đi lại…

Cứ 10 năm, người sở hữu GPLX phải đổi giấy phép và sẽ được thông báo trước khi GPLX hiện tại sắp hết hiệu lực. Mức phí cho dịch vụ cấp lại GPLX trực tuyến là 14 bảng (17,5 USD), có thể thanh toán qua các loại thẻ, rẻ hơn hình thức cấp đổi qua bưu điện (21,5 bảng Anh, tương đương 26,9 USD). Người trên 70 tuổi sẽ được miễn phí.

Trong quá trình đăng ký cấp lại GPLX điện tử, công dân sẽ được yêu cầu chuẩn bị hộ chiếu Anh hoặc giấy tờ sử dụng để đăng ký tình trạng nhập cư trực tuyến; GPLX hiện tại; Số bảo hiểm quốc gia và địa chỉ nơi sinh sống trong vòng 3 năm qua.

Sau đó, công dân sẽ được yêu cầu trả lời các câu hỏi xác minh khả năng được cấp lại GPLX. Những câu hỏi này được cung cấp theo dạng có/không và công dân hoàn toàn có thể thực hiện xong toàn bộ số câu hỏi này trong vòng chưa đầy 15 phút.

Trong trường hợp được chấp thuận, Cơ quan cấp GPLX và phương tiện (DVLA) sẽ gửi GPLX mới trong vòng 1 tuần và thu hồi GPLX cũ của công dân. Nếu không gia hạn giấy phép, người lái xe có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 1.000 bảng Anh (1.250 USD).

Dù đa phần người dân đổi GPLX thuận tiện nhưng vẫn không ít trường hợp gặp trục trặc vì lỗi kỹ thuật. Tháng 9 năm ngoái, trang web của DVLA gặp trục trặc khiến nhiều lái xe buộc phải đến bưu điện và phải trả phí cao hơn 54% so với phí cấp đổi trực tuyến.

Singapore lại quy định GPLX cấp cho công dân nước này có thời hạn tới năm 65 tuổi. Sau khi hết hạn đến năm 71 tuổi họ phải gia hạn giấy phép 3 năm/lần. Trong trường hợp GPLX bị thất lạc, hư hỏng, họ có thể lên trang dịch vụ công e-Service của Bộ Công an Singapore xin cấp lại với chi phí 25 đô la Singapore.

Còn người nước ngoài nếu muốn lái xe tại Singapore phải gia hạn GPLX 5 năm/lần. Điều kiện để có thể đăng ký cấp lại GPLX trực tuyến là phải có GPLX của Singapore còn hiệu lực hoặc mới hết hiệu lực dưới 1 tháng.

Trong khi đó, Mỹ chia nhỏ việc cấp lại GPLX trực tuyến theo quy định của từng bang và người dân được yêu cầu truy cập vào trang web chính thức của Sở GTVT của bang nơi họ sinh sống để làm điều này. Các trang web thực hiện quy trình cấp lại GPLX ở các thành phố lớn ở Mỹ được thể hiện trực quan và dễ dàng tiếp nhận thông tin dành cho công dân.

Chẳng hạn trang web Sở GTVT thành phố California DMV.CA.GOV được phân thành 2 phần chính, bao gồm phần bên trái là nơi công dân bắt đầu tiến hành thủ tục cấp lại GPLX và phần bên phải là những hướng dẫn chi tiết cho quá trình này. Thời gian để công dân nhận GPLX mới là không quá 60 ngày.

Khánh An – Trang Trần


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.