Giao thông

Vì sao khó hút vốn tư nhân đầu tư bến xe?

10/04/2017, 10:05

Đến thời điểm hiện tại, mới có chưa đến một nửa số bến xe trên cả nước được xã hội hoá.

12

Bến xe Đức Long (Đà Nẵng) được Công ty CP Đức LongĐà Nẵng đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hầu nhưkhông có hoạt động gì - Ảnh: Xuân Huy

Chưa mạnh dạn đầu tư

Chủ trương xã hội hóa bến xe, trạm dừng nghỉ đã có từ lâu thế nhưng đến nay, việc thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này còn rất chậm chạp. Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, mới có gần một nửa số bến xe trên cả nước (213/457) được xã hội hóa.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại là do công tác quy hoạch phát triển các bến xe tại nhiều địa phương chưa phù hợp, thiếu tính ổn định. Sự kết nối của bến xe với các phương thức vận tải hành khách công cộng còn thấp...

"Chủ trương tái cơ cấu vận tải có vai trò quan trọng, vì vậy cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhưng phải hết sức cụ thể. Vận tải là lĩnh vực có tác động rất lớn đến xã hội, doanh nghiệp, người dân. Những chính sách đưa ra không tạo động lực, thuận lợi, đồng thuận lại là rào cản, cản trở sự phát triển vận tải. Cần tập trung tháo gỡ từng vấn đề, từng nút thắt, từng lĩnh vực để tái cơ cấu thành công vận tải”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Lê Đình Thọ

Các doanh nghiệp kinh doanh bến xe cho rằng, tính ổn định của văn bản quy phạm pháp luật đang là rào cản lớn cho doanh nghiệp trong xã hội hóa bến xe một cách hiệu quả. Trường hợp bến xe Thượng Lý (Hải Phòng) là một ví dụ. Đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng theo chủ trương kêu gọi đầu tư của TP Hải Phòng. Nhưng sau 2 năm đưa vào hoạt động, bến xe này vẫn “đìu hiu”, mỗi ngày lác đác một vài chuyến xe.

Theo ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng (đơn vị chủ đầu tư), khó nhất khi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa bến xe đó là không có trong tay một đề án hay hướng dẫn nào cả. “Nhà đầu tư rất “tù mù” không hiểu xây bến xe xong thì việc phân tuyến, phân luồng hay điều tiết xe ở các địa phương họ có thực hiện hay không?”, ông Đông trăn trở.

Về vấn đề này, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, xảy ra tình trạng bến “tấp nập”, bến “đìu hiu” là do công tác cấp phép, quản lý luồng tuyến của các địa phương còn nhiều bất cập, dẫn đến hiện tượng trùng tuyến, cạnh tranh không lành mạnh. Một số tuyến còn xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, hiện tượng xe dù, bến cóc được lập nên ở nhiều nơi, việc đón, trả khách không sđúng nơi quy định, gây mất trật tự ATGT. Thêm vào đó, chính sách ưu đãi về xây dựng bến xe còn yếu. Nhiều nhà đầu tư khó khăn trong việc tìm quỹ đất xây dựng bến xe, giải phóng mặt bằng cũng như vay vốn đầu tư.

Tương tự như bến xe, thu hút tư nhân đầu tư trạm dừng nghỉ cũng chưa hiệu quả. Theo quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ của Bộ GTVT, đến năm 2030 sẽ có 120 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay, cả nước mới có 10 trạm, trong khi mục tiêu đến hết năm 2015 là 60 trạm.

Nguyên nhân chính của thực trạng này theo bà Hiền là do hiện nay, vẫn chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ, do đó không hấp dẫn và khó thu hút được các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khó khăn trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn hạn hẹp cũng chính là rào cản khiến doanh nghiệp không dám bỏ vốn đầu tư.

Tập trung “gỡ” từng việc cho doanh nghiệp

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12 về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách và Quyết định số 13 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

“Không thể nói là không có cơ chế. Thực tế, Chính phủ đã tạo cơ chế, vấn đề chỉ là cách tổ chức thực hiện chưa tốt”, Thứ trưởng Thọ nói và khẳng định: Hiện tổ chức vận tải đang là khâu yếu nhất nên vận tải hiện nay còn nhiều bất cập. Thời gian tới, cần loại ngay những thủ tục rườm rà, không cần thiết.

Giảm dần vận tải đường bộ

Theo đề án Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được Bộ GTVT phê duyệt, sẽ phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không, đặc biệt trên hành lang vận tải chính. Giảm dần thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%, đường sắt 4,3%, đường thủy nội địa 32,4%. Đến 2030, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường bộ chỉ còn 51,2%, đường sắt tăng gấp đôi lên 7,9%, đường thủy nội địa vẫn ở mức 30,9%.

Cũng theo Thứ trưởng Thọ, muốn thu hút nguồn vốn xã hội hóa, cần có cơ chế, chính sách ổn định, đây là hành lang pháp lý quan trọng để nhà đầu tư thực hiện.

“Đối với đường bộ, cần nghĩ cách tăng tính phối hợp giữa các loại hình vận tải như hành khách xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, tuyến cố định thuận lợi nhất phục vụ đi lại của người dân với giá thành rẻ và chất lượng dịch vụ tốt nhất” - Thứ trưởng nói và chỉ rõ: Khó khăn đến đâu cần tháo gỡ đến đó. Tuy nhiên, tuyệt đối không làm đại trà mà cần tập trung vào những vấn đề đang bức xúc đối với doanh nghiệp, người dân. Khó ở đâu, gỡ ngay ở đó, như thế sẽ thành công”, Thứ trưởng khẳng định.

Để tiếp tục huy động nguồn lực, cần chi tiết, cụ thể hơn trong từng đề án, dự án, từng lĩnh vực để huy động nguồn lực. Cơ chế chính sách phải phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, từng công việc. Tất cả vì mục tiêu giảm giá thành, cơ cấu lại thị phần vận tải, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư dịch vụ phát triển.

“Bộ GTVT đã phê duyệt đề án tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng phục vụ vận tải và kinh doanh vận tải, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Đồng thời, xây dựng và quản lý quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, các trung tâm trung chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu quản lý vận tải theo hướng hiện đại, đến năm 2020 có hệ thống bến xe hoàn chỉnh, hợp lý. Xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư các dịch vụ vận tải với sự hỗ trợ của Nhà nước như cấp đất ổn định lâu dài, thuế, vốn vay. Xây dựng và quản lý quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.